.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang:

Ngành dệt may phải đầu tư mạnh vào thị trường nội địa

.

(ĐNĐT) - Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam chính thức mở cửa, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nội địa. Trong đó, dệt may được nhận diện là một trong các ngành chịu áp lực cạnh tranh lớn nhất.

Ông Vũ Đức Giang (ảnh), Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã trao đổi với báo Đà Nẵng Điện tử một số giải pháp mà tập đoàn này đã đặt ra, giành lại thế chủ động trước tình hình mới. Ông cho biết: 

Vinatex đến nay đã đưa ra được 4 gói giải pháp lớn nhằm tăng cường năng lực và định hướng phát triển, nhằm tạo đủ sức cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài từ cán cân nội địa sau thời điểm chúng ta mở rộng cửa gia nhập WTO.

Thứ nhất, chúng tôi tập trung đầu tư vào các sản phẩm nguyên liệu phục vụ cho ngành dệt may, cụ thể về vải dệt thoi và dệt kim cao cấp. Đến nay, các nhà máy của tập đoàn đều đã tiến hành giải pháp này, tạo ra nhiều hướng chủ động về nguyên liệu đầu vào.

Thứ hai, chúng tôi tăng cường kêu gọi các nguồn đầu tư bên ngoài vào các lĩnh vực kỹ thuật như cắt vải, khâu hoàn tất, và đã có các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản tham gia chia sẻ cơ hội. Chúng tôi dự định sẽ mời gọi thêm các nhà đầu tư về sản xuất vải, dệt nhuộm từ các nước châu Âu giúp phong phú thêm nguồn vốn và hàng hóa nội địa.

Thứ ba, chúng tôi khẩn trương triển khai đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân lực tiếp thị marketing, thiết kế thời trang hiện đại, tiêu chuẩn, đáp ứng tốt yêu cầu thời trang hóa của dệt may Việt Nam trong thời gian đến.

Thứ tư, chúng tôi cho triển khai đồng bộ các cửa hàng trung tâm tại các thành phố lớn trong cả nước, tiêu biểu là hệ thống Vinatex Mart đang được đơn vị thành viên là Công ty Cổ phần Kinh doanh thời trang Vinatex thực hiện. Chúng tôi xem đây là giải pháp quan trọng, giúp Vinatex tiếp tục nắm giữ vị trí cung cấp chính các sản phẩm may mặc trên thị trường nội địa.

Bên cạnh 4 gói này, hơn 10 năm qua chúng tôi đã chủ động đặt yêu cầu cần khẳng định thế mạnh để hội nhập kinh tế cho các DN thành viên. Đây là điểm cốt lõi giúp các đơn vị chủ động tìm hướng, mạnh dạn chuyên môn hóa các sản phẩm chủ lực, cũng như điều hòa lại năng lực thị trường, liên kết tạo sức mạnh chung cho cả tập đoàn.

Thời điểm 1-1-2009 rất quan trọng, nhưng có thể thấy vẫn chưa có các nhà đầu tư lớn đổ ngay hàng vào thị trường Việt Nam. Nên chúng ta vẫn còn cơ hội, tranh thủ nắm chắc mảng nội địa, đẩy mạnh đào tạo và phát triển thị trường này.

Hình thành các cửa hàng trung tâm, hệ thống kinh doanh nội địa là gói giải pháp quan trọng của Vinatex nhằm tăng sức cạnh tranh trước bối cảnh mở rộng cửa hội nhập kinh tế.

Vậy theo ông, liệu có biến đổi nào giữa hướng đầu tư xuất khẩu và làm hàng nội địa của Vinatex qua 4 giải pháp này không ?

Tôi khẳng định là không, vì việc tăng trưởng xuất khẩu dệt may vẫn là mục tiêu lớn không thể bỏ của chúng tôi. Hoạt động xuất khẩu luôn tạo nên động lực, giữ thế cân đối trong quan hệ của ngành dệt may Việt Nam với các nước, nhất là đối trọng lại thương mại nhập khẩu và xuất khẩu của nước ta. Hiện tại, chúng ta đang nhập siêu ở nhiều lĩnh vực, và do đó, ngành dệt may cũng như một số ngành có năng lực khác phải gắng vận động bù lại tỷ lệ nhập siêu ấy. 

Trong khi đó, thị trường nội địa hiện nay đã rất đáng chú ý. Dân số của ta hiện hơn 80 triệu người, là một con số hấp dẫn cho những dự án sản xuất giá trị lớn. Người tiêu dùng ngày càng có trình độ và nhận thức tốt hơn nhu cầu của họ. Cho nên, chúng tôi đang xác định lại trọng tâm thị trường trong nước, đầu tư mạnh vào cán cân nội địa, giữ cho được thế cân bằng toàn ngành và các ngành liên quan. Mục tiêu là phải qua đầu tư nội địa hóa công nghệ quốc gia, tạo các quy trình sản xuất khép kín, các hệ thống kinh doanh phân phối chất lượng, giúp thay đổi nhu cầu tiêu dùng trong nước qua các sản phẩm cụ thể. Có như vậy chúng ta mới có thể vững vàng cạnh tranh để phát triển và tương hỗ tốt cho định hướng xuất khẩu.

Thụy Bất Nhi (thực hiện) 

;
.
.
.
.
.