.
VẬN TẢI CÔNG CỘNG ĐÀ NẴNG

Không đợi “nước đến chân mới nhảy”

.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng mới có 4 tuyến xe buýt đang hoạt động, với 46 xe và tổng chiều dài 149km. Tuy nhiên, trong đó chỉ có một tuyến chạy trong nội thành theo trục đường chính là Nguyễn Lương Bằng - Tôn Thất Thuyết - Điện Biên Phủ - Lý Thái Tổ - Hùng Vương, với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 15km.

Thành phố sẽ có thêm nhiều tuyến xe buýt phục vụ nhân dân.

Còn lại ba tuyến đi các địa phương của Quảng Nam là Ái Nghĩa, Hội An và Tam Kỳ. Đây có thể nói là những con số rất khiêm tốn, nếu so sánh với quy mô của một thành phố lớn như Đà Nẵng. Thế nhưng lượng xe buýt ít ỏi đó đang chạy trong tuyến nội thành cũng luôn trong tình trạng không đủ khách.

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng KFW (Đức-đơn vị đang lập dự án xe buýt thân thiện môi trường cho Đà Nẵng), tình trạng này chứng tỏ giao thông thành phố đang phát triển lệch hướng, tức là phương tiện đi lại tư nhân phát triển mạnh, còn vận tải công cộng thì đứng yên. Tính đến hết quý 3-2008, thành phố đã có tổng cộng 32.643 xe ô-tô và 415.298

mô-tô, xe máy. Đó là chưa kể trên địa bàn thành phố còn có một lượng lớn phương tiện đang lưu thông nhưng đăng ký tại các địa phương khác. Hệ quả là hiện nay, trên những trục đường chính như Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Hoàng Diệu, Nguyễn Văn Linh… lượng xe cộ luôn đông đúc.

Ở những giao lộ chính tại phía tây cầu Sông Hàn, ngã tư Ông Ích Khiêm-Hùng Vương, Hoàng Diệu-Lê Đình Dương… vào giờ cao điểm thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt đáng lo ngại là trên trục đường “xương sống” của thành phố là Lý Thái Tổ-Hùng Vương (cũng là tuyến xe buýt chạy hiện nay) đã được báo động về tình trạng kẹt xe trầm trọng trong vài năm đến. Nguyên nhân do trên trục đường này tập trung quá nhiều công trình lớn như siêu thị, căn hộ cao cấp, khu vui chơi giải trí… Khi các công trình này đưa vào sử dụng, cũng có nghĩa con đường vốn rất nhỏ này sẽ gánh chịu thêm một lượng lớn các phương tiện giao thông đổ về đây.

Xuất phát từ thực tế này mà những năm gần đây, ngành giao  thông vận tải tích cực tham mưu cho thành phố đưa ra lời giải cho bài toán này, đó là đẩy mạnh phát triển vận tải công cộng. Cụ thể, đến năm 2020 thành phố sẽ đưa vào khai thác thêm 9 tuyến xe buýt như Hòa Hiệp - chợ Mai (Sơn Trà), ngã ba Trần Cao Vân - Hà Huy Tập đi Non Nước, đường Điện Biên Phủ đi Hòa Khương, Cảng Tiên Sa đi Làng Đại học… với tổng chiều dài 150km, bao gồm 220 xe buýt hoạt động.

Trước mắt phấn đấu đến năm 2010, đưa vào khai thác mô hình xe buýt thân thiện môi trường do Ngân hàng KFW của Đức tài trợ và triển khai. Giai đoạn sau năm 2020, sẽ ưu tiên phát triển những loại phương tiện có khả năng vận chuyển nhanh với số lượng hành khách nhiều như  tàu điện mặt đất, đường sắt trên cao, hoặc tàu điện ngầm. Riêng phương án phát triển tàu điện chạy trên đường ray, thành phố đang giao cho Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Văn Ga làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu việc tận dụng tuyến đường sắt hiện có để phát triển loại hình này.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ các tuyến xe buýt, thành phố cũng có kế hoạch phát triển mạng lưới xe ta-xi nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện nay, 6 đơn vị ta-xi đã có gần 500 xe đang hoạt động. Dự kiến đến năm 2020, sẽ có khoảng 1.650 phương tiện. Hy vọng cùng với sự nỗ lực trong xây dựng hạ tầng giao thông mà thành phố đã thực hiện tốt trong thời gian qua, hoạt động vận tải công cộng với kế hoạch phát triển đón đầu trên cơ sở nghiên cứu một cách khoa học, trong tương lai không xa, hệ thống giao thông công cộng sẽ từng bước thay thế dần các phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của một thành phố văn minh, hiện đại.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.