.
VẬN TẢI HÀNG HÓA ĐƯỜNG BỘ

Nhọc nhằn và bất ổn

.

Đà Nẵng có đầy đủ các loại hình giao thông gồm đường bộ, đường biển, đường sắt và hàng không. Đặc biệt, Cảng Đà Nẵng được coi là một trong những cảng nước sâu thuận lợi nhất của khu vực Đông Nam Á và gần đây, việc thông tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (Myanmar-Thái Lan-Lào-Việt Nam) đã mở ra cho Đà Nẵng triển vọng lớn, nhất là lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ.

Những chiếc xe vận tải nặng có rất ít tuyến đường nội thành được phép lưu thông, nên rất khó nhận hàng vào thành phố.

Lợi thế này đã được phát huy trong nhiều năm qua, đưa Đà Nẵng trở thành một trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất của khu vực và là một đầu mối giao thông quan trọng đặc biệt của hệ thống đường bộ Việt Nam, chiếm gần 90% sản lượng hàng hóa lưu thông qua thành phố. Đội ngũ những người làm công tác vận tải đường bộ cùng cơ sở vật chất và phương tiện vận tải của Đà Nẵng đã có vị trí đáng trân trọng so với các đơn vị vận tải đường bộ của cả nước.

Hiện cả thành phố có 8.268 ô-tô vận tải các loại, trong đó có 30% ô-tô vận tải nhẹ và gần 1.000 ô-tô tải siêu trường, siêu trọng (theo số liệu kiểm định đến hết ngày 31-10-2008).Thế nhưng, sản lượng vận tải trong 11 tháng của năm 2008 giảm trên 40% so với các năm trước, xu hướng này sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2009.
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó nguyên nhân quan trọng là sự suy giảm và khủng hoảng của kinh tế thế giới làm cho sản xuất bị đình trệ, sức mua giảm, dẫn tới nhu cầu vận chuyển hàng hóa giảm mạnh. Chẳng hạn như Công ty Xi-măng Hải Vân, mỗi năm phải nhập gần hơn 900 nghìn tấn clanh-ke và các phụ phẩm khác để sản xuất gần 800 nghìn tấn xi-măng. Phần lớn số hàng hóa này nhập về cảng Đà Nẵng rồi trung chuyển về nhà máy và khoảng chừng đó tấn xi-măng được vận chuyển đi tiêu thụ đến các nơi trong khu vực. Chỉ riêng việc vận chuyển hàng cho nhà máy đã giải quyết nguồn hàng ổn định cho gần 1.000 xe tải các loại. Nhưng từ một tháng nay, do sản lượng tiêu thụ ngày càng giảm nên nhà máy đã ngừng nhập clanh-ke, dự kiến phải sau tháng 3-2009 mới nhập trở lại.

Sản lượng hàng hóa qua cảng tuy có tăng so với các năm nhưng hàng trung chuyển qua cảng để đi các cảng quốc tế và nội địa khác đã chiếm tỷ trọng lớn (không có nhu cầu vận tải). Vì vậy, gần 1.000 xe tải phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa từ cảng về thành phố và các nơi khác cũng giảm nhiều. Ông Trần Viết Hòe, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng cho biết:  Hiện tại, việc vận tải hàng hóa từ Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng - hai tuyến đường dài chủ yếu của vận tải hàng hóa Đà Nẵng - đã tạm ngừng hoạt động, chỉ còn rất ít xe chạy với đơn hàng nhỏ lẻ. Đã thế, để có được hàng hóa vận chuyển, nhiều DN và chủ xe phải hạ giá cước xuống rất thấp, nhiều khi không có lãi, chỉ đủ khấu hao và trả lương cho lái xe.
 
Thực trạng này đang đẩy nhiều DN vận tải đứng trước bờ vực của sự phá sản, một số DN đang rao bán bớt phương tiện và thu hẹp phạm vi sản xuất. Bà Đào Thị Bích Trinh (Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng) còn cho biết: Các đơn vị cung cấp xăng dầu chậm điều chỉnh giá bán khi giá dầu thế giới giảm cũng gây ra nhiều khó khăn cho các DN, vì giá xăng dầu chiếm tới gần 40% cước phí vận tải. Một số DN tham gia vận chuyển vật tư, nguyên liệu cho các công trình lớn do không có sự điều chỉnh giá cước so với hợp đồng đã ký khi giá xăng dầu tăng, gây ra nhiều khó khăn cho DN.

Việc chậm xây dựng các bãi đỗ xe (trạm nghỉ, trạm trung chuyển hàng hóa đường bộ) cũng làm ảnh hưởng lớn đến lượng hàng hóa lưu thông qua Đà Nẵng. Do không có trạm nghỉ nên rất nhiều xe tải chạy trên tuyến quốc lộ 1A không dám nhận hàng về Đà Nẵng nếu không đủ chuyến, vì khi trả hàng phải dừng dọc đường sẽ bị công an phạt, tiền phí không đủ tiền phạt. Trong thực tế, trên 80% tuyến đường của thành phố đều cấm xe tải lớn, đã thế có nhiều tuyến đường được phép lưu thông và đỗ xe đến các tuyến đường khác phải qua một số tuyến đường cấm đi, nếu đi sẽ bị phạt.

Việc rất nhiều xe tải nặng về đêm đậu đỗ tùy tiện trên đường, gây mất trật tự giao thông và trật tự xã hội như hiện nay có nguyên nhân của việc không có trạm dừng và nghỉ của xe tải như đã nêu trên. Thực trạng này cũng làm ảnh hưởng đến việc làm của các chủ xe tải nhẹ (loại được lưu thông trong thành phố) vì không có trạm nghỉ cho xe tải lớn, không có trạm trung chuyển hàng hóa đường bộ thì dù có được ra vào các tuyến đường trong thành phố, các xe tải nhẹ cũng không có hàng để vận chuyển. Ngoài ra, việc kiểm tra, kiểm soát thiếu minh bạch của một số ít CSGT cũng gây khó khăn cho các lái xe và DN.

Những khó khăn hiện nay của các DN vận tải hàng hóa rất cần sự giúp sức của các cơ quan quản lý với các chính sách khuyến khích để tạo thuận lợi cho các DN vận tải hàng hóa thành phố lấy lại vị thế.         

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.