.

Vất vả với bình ổn giá

.

Bình ổn giá, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng sốt hàng, sốt giá... gần như là công việc vất vả nhất của những người làm công tác quản lý về thương mại.

Chi cục QLTT thành phố kiểm tra thị trường tại chợ Hòa Khánh.

Trách nhiệm của ngành thương mại cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng được đề cập rất nhiều trong năm 2008 là vấn đề quản lý và bình ổn giá cả. Cùng với các biện pháp quản lý vĩ mô của Nhà nước, ngành thương mại thành phố đã làm tốt công tác tham mưu, dự báo về thị trường cho lãnh đạo thành phố để bình ổn giá trên địa bàn.

Những tháng cuối của năm cũ và đầu năm mới là khoảng thời gian thị trường có nhiều xáo trộn nhất. Đầu tiên là bất ổn về thị trường hàng hóa Tết, với nhiều vụ gian lận trong kinh doanh, hàng hóa bị làm giả, làm nhái nhiều và tinh vi đến mức cơ quan chức năng khó để phân biệt. Thị trường rộ lên nhiều vụ sản phẩm SX trong nước và nhập khẩu có chất gây hại đối với người sử dụng như nước tương có chứa chất 3-MCPD, nước mắm chứa urê; dịch heo tai xanh, cúm gia cầm; trứng, sữa, thực phẩm, bánh kẹo, cà-phê có melamine; rau, quả có hóa chất gây hại...

Bên cạnh đó, cùng với nhiều thông tin đồn thổi thiếu gạo, thiếu dầu ăn đưa giá tăng ồ ạt; rồi giá gas, xăng dầu tăng vùn vụt; thuốc tây, các loại dịch vụ cứ âm thầm tăng giá… đã làm tăng cơn khủng hoảng về giá, tâm lý người dân hoang mang. Sức ép về giá cả cộng với tình hình khó khăn trong thu nhập của một bộ phận người lao động, công chức, khiến cho cuộc sống trở nên căng thẳng hơn so với những năm trước. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2008, theo thống kê của Sở Công thương, giá cả đã tăng vọt khoảng 20%. Hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các đại lý, kênh phân phối hàng hóa có lúc như chùng xuống bởi sức mua của người dân giảm mạnh.

Trước tình hình như vậy, bình ổn thị trường là một việc hết sức khó khăn và mất nhiều thời gian. Thế nhưng, phải ghi nhận những nỗ lực của ngành thương mại (từ tháng 3-2008 là Sở Công thương) trong việc hạn chế thấp nhất những cơn sốt giá. Dịp Tết Mậu Tý 2008, hơn 217 tỷ đồng tiền hàng của các doanh nghiệp đã góp phần đáng kể để giá cả không có đột biến cũng như xảy ra thiếu hụt, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu…

Các DN lớn như Siêu thị BigC, Chi nhánh Công ty TNHH Metro Cash & Carry Đà Nẵng, Công ty CP Bài Thơ, Chi nhánh Công ty XNK Intimex đã đưa ra lượng hàng giá trị  trên 47 tỷ đồng; các DN ngành thương mại như Công ty XNK Đà Nẵng, Công ty CP TM dịch vụ, Công ty CP Công nghệ phẩm trên 11 tỷ đồng. Các đơn vị cung ứng thực phẩm như Vissan tại Đà Nẵng, Đồ hộp Hạ Long, Công ty CP chăn nuôi; các cơ sở giết mổ gia cầm Quyền Chanh, Hà Sính-Kim Anh, Phú Mỹ Nông trên 14 tỷ đồng và hơn 3.000 hộ kinh doanh tại 5 chợ lớn 95 tỷ đồng…

Thông qua Công ty TNHH Đắc Vinh, ngành thương mại lập 9 điểm bán thịt heo ở các điểm cố định và bằng xe di động phục vụ khắp thành phố. Hoặc như thời điểm cuối tháng 4-2008, cơn sốt gạo trong nước đẩy giá gạo lên quá cao, ngay lập tức, thành phố đã có chỉ đạo kịp thời và ngành Công thương nhanh chóng cùng Công ty CP Lương thực Đà Nẵng tổ chức trên 10 điểm bán gạo tại các chợ lớn như chợ Cồn, chợ Hàn, Đống Đa, Hòa Khánh và An Hải Đông, đã tác động không nhỏ đến ổn định thị trường gạo tại thành phố, người dân lao động không còn phải mua gạo giá cao.

Sự vất vả của ngành Công thương trong năm 2008 còn thể hiện việc liên tục “đương đầu” với các nạn kinh doanh gas lậu, tư thương tăng giá phân bón, sắt thép, xi-măng… bất hợp lý, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Sở Công thương đã tăng cường ở mức cao nhất việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để sốt giá ảo xảy ra kéo dài. 11 tháng đầu năm 2008, Chi cục QLTT đã kiểm tra 2.354 vụ, xử phạt hơn 2 nghìn vụ vi phạm với gần 2,8 tỷ đồng.

Trong vòng 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8-2008), xử phạt 15 đơn vị kinh doanh xăng dầu vì gian lận trong đo lường, 17 cơ sở kinh doanh tân dược, tiêu hủy hàng trăm mặt hàng giả, hàng nhái, không xuất xứ... phần nào giữ vững sự ổn định cần thiết cho thị trường. Ngành Công thương đề xuất với lãnh đạo thành phố cho DN vay vốn ưu đãi nhằm mở rộng phát triển SXKD, hướng các nhà cung ứng hàng hóa tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm; đồng thời lập lại trật tự, văn minh thương mại, xây dựng phương án sắp xếp lại hệ thống chợ, gas, xăng dầu từ nay đến  năm 2020.

Một năm vất vả trong quản lý thương mại đã đem lại những kinh nghiệm quý cho ngành Công thương để bước sang năm 2009 tự tin hơn. Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, thành phố nên xây dựng quỹ bình ổn thị trường, tạo sự chủ động mỗi khi hàng hóa, cung-cầu có biến động. Cách này TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đã làm, trong khi thành phố của chúng ta vẫn là nơi tiêu thụ hàng hóa, thường chịu ảnh hưởng lớn những biến động từ các địa phương cung cấp hàng hóa.

Bài và ảnh: XUÂN DUYÊN

;
.
.
.
.
.