.

Chợ có nguy cơ “cháy hàng” trước Tết

.

(ĐNĐT) - Nhận định sức mua dịp Tết năm nay giảm, tiểu thương các chợ ở Đà Nẵng không dám nhập hàng. Hậu quả là họ có khả năng “cháy hàng” ngay từ trước Tết, trong khi đó, hệ thống siêu thị hàng hóa khá dồi dào. 

Khách hàng mua sắm tết ở chợ Hàn rất đông, trong khi lượng hàng dự trữ lại hạn chế. 

Vào chợ Hàn sáng 19-1, chúng tôi nghe chủ sạp Tuyết Dũng ở lô 47 nói với một khách hàng đang chọn mua thịt bò khô: “Nếu chị mua về ăn thì nên mua liền đi chứ ít bữa nữa không còn đâu”. Bình thường, có thể nghĩ đây là kiểu “làm giá” để bán hàng, nhưng lần này thì không. Do tâm lý e ngại hàng hóa đột ngột giảm giá sau thời điểm “mở cửa” nên đa số tiểu thương chỉ mua hàng vừa đủ, bán hết đợt này lấy đợt khác. Đến bây giờ, khi sức mua bắt đầu tăng lên thì hàng hóa dự trữ cũng cạn dần.

Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ Đà Nẵng Mai Phước Ba cho hay, so với mọi năm, lượng hàng Tết về 5 chợ lớn trên địa bàn chỉ mới bằng 80%. Đặc biệt, so với lượng hàng tiêu thụ năm ngoái, lượng hàng dự kiến cho 10 ngày trước Tết ở chợ Cồn như thịt, nem chả, trái cây, rau hành lagim giảm 10 – 20%; bánh mứt, hạt dưa giảm 20 – 30%; chợ Hàn cũng giảm 30%. Ở chợ đầu mối Hòa Cường, dự kiến lượng hàng trái cây về chợ từ ngày 24 đến 29 âm lịch giảm 30 tấn/ngày, lagim giảm 26 tấn/ngày…

Theo nhận định chung, lượng hàng dự trữ ở các chợ giảm là do sức mua trên thị trường năm nay yếu hơn mọi năm. Tuy nhiên, trong vai trò của một nhân viên bảo vệ suốt ngày đêm theo sát từng diễn biến tại chợ Hàn, anh Nguyễn Anh Tuấn lại cho hay, giá cả hàng hóa ở chợ, nhất là các mặt hàng thiết yếu của ngày Tết như bánh, mứt, kẹo… đang có dấu hiệu nhích lên, tuy chưa nhiều. Riêng hạt dưa thì đã có biến động giá rất lớn từ mấy ngày qua vì khan hiếm hàng.

Chị Hoa, chủ sạp ở lô 40 xác nhận: “Tuần trước, giá hạt dưa loại 1 bán ra 55.000 đồng/kg, vậy mà cách đây vài hôm đã tăng vọt lên 70.000 đồng/kg. Nguyên do là tình hình thời tiết biến động, mưa lũ trái mùa ở trong Nam nên lượng hàng đưa ra ít. Nhưng quan trọng là hồi đầu tháng, giá hạt dưa loại 1 lấy vào chỉ 51.000 đồng/kg vậy mà tụi tui không dám dự trữ nhiều, sợ bán không hết. Bây giờ giá đầu vào đã lên tới 66.000 đồng/kg cũng không có hàng để mua. Không riêng gì hạt dưa mà hoa, trái cây…, nói chung là các mặt hàng chịu ảnh hưởng của thời tiết đều có khả năng tăng giá đột biến trong những ngày sắp tới”.

Các tiểu thương bán hàng thực phẩm tươi sống cũng cho biết, do năm nay nhiều trại gà bị lỗ, không nuôi nhiều nên nguồn cung đang thiếu. Hiện giá gà thịt đã tăng, riêng gà Tam hoàng thả vườn tăng từ 45.000 - 50.000 lên 60.000 - 62.000 đồng/kg; gà ta tăng từ 80.000 - 90.000 lên 120.000 đồng/kg, tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường và tăng 10 - 15% so với Tết 2008. Không những thế, các hộ kinh doanh còn dự báo giai đoạn cao điểm từ 20 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng lượng cung sẽ không đủ cầu.

Mặc dù vậy, ông Mai Phước Ba vẫn mạnh dạn nhận định: “Tuy lượng hàng dự trữ ở các chợ giảm nhưng việc khan hiếm hàng phục vụ Tết năm nay khó xảy ra vì sức mua giảm”. Rất may là không phải ai cũng mang tâm lý khá chủ quan như vậy. Bởi “đói cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa”, dù khó khăn đến mấy thì mua sắm Tết vẫn là nhu cầu không thể thiếu của mọi nhà. Hiểu được điều đó nên ngược với các chợ, các siêu thị lớn trên địa bàn Đà Nẵng đều có kế hoạch tăng cường hàng hóa dự trữ từ 2 - 3 tháng trước, riêng lượng hàng thực phẩm ước tăng từ 30 – 50% so với ngày thường.

Siêu thị Intimex Pasteur dự trữ trên 2 tấn thịt gà, heo; 1 tấn cá, chủ yếu là cá thu và cá hồi. Siêu thị Intimex Nguyễn Hữu Thọ tuy mới khai trương song cũng trữ hàng thịt, cá, bánh mứt, kẹo các loại với số lượng khoảng phân nửa so với trụ sở chính. Ngoài ra còn có các loại nem, chả do các cơ sở của Đà Nẵng sản xuất; mặt hàng giò thủ năm nay được siêu thị nhập khẩu từ Pháp và một số nước châu Âu…

Đến đầu tháng 1-2009, Big C đã nhập 10 tấn thịt nguội eBon sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, 35 tấn thịt tươi, 30 tấn dưa hấu, bưởi, bắp cải… phục vụ Tết. Dự kiến, doanh số trong dịp này sẽ tăng 20% nên BigC có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng trên 50 tỷ đồng. Từ ngày 2 đến 20-1, tại đây khuyến mãi các đồ gia dụng, dệt may, hóa phẩm, thực phẩm khô với mức giảm 10 - 30%. Hiện đã có một số doanh nghiệp thông báo giảm giá 10% đối với mặt hàng gạo và 26% với dầu ăn tại BigC…

Có ý kiến cho rằng, cùng với việc Việt Nam chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, thời của các siêu thị đã tới, nhưng thời của các chợ truyền thống vẫn còn lâu mới qua. Điều đó còn cần được thời gian kiểm chứng, nhưng từ sự khác biệt giữa nhận định của nhà quản lý và những diễn biến thực tế cho thấy các chợ trên địa bàn Đà Nẵng vẫn đang được điều hành và hoạt động theo kiểu… rất chợ, cảm tính, thiếu tầm nhìn so với hệ thống siêu thị.

Trong kinh doanh ai cũng mong bán hết hàng, nhưng hết theo cái kiểu “sạch hàng” trước giờ cao điểm của dịp Tết thì chỉ là một sự đánh mất cơ hội. Cũng vì vậy mà có nhiều ý kiến cho rằng, sau thời điểm “mở cửa”, thị trường càng bị chi phối thì sức mua tại chợ càng giảm. Rất có thể trong vài năm tới, chợ truyền thống chỉ còn là nơi phục vụ hàng hóa mang tính thứ cấp, nhỏ lẻ.

Hải Châu

;
.
.
.
.
.