(ĐNĐT) - Chiều qua (16-1), 472 công nhân các phân xưởng may, dập và định hình giày thuộc Công ty TNHH Kim Quốc Bảo đã đồng loạt tụ tập tại khuôn viên sản xuất, phản đối chính sách tiền lương, trợ cấp nghỉ việc của doanh nghiệp (DN). Công nhân ở đây cho rằng họ đã bị bạc đãi về tiền công lao động và có nguy cơ bị tổn hại về chế độ đền bù mất việc theo Luật trong thời gian đến.
Mãi đến 19 giờ 30 cùng ngày, qua can thiệp và giải thích của đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng, các công nhân mới chấp nhận giải tán, nhưng vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận với các giải pháp xử lý, tháo gỡ bất đồng với DN đã được đưa ra.
Các công nhân tập trung phản ứng nhiều giờ trước cửa Văn phòng Công ty TNHH Kim Quốc Bảo. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ báo cáo của lãnh đạo Công ty Kim Quốc Bảo ký ngày 27-12-2008 gởi các cơ quan chức năng về tình hình khó khăn trong sản xuất, buộc DN phải thu hẹp sản xuất và tiến hành giải quyết chế độ nghỉ việc cho công nhân. Theo đó, 590 lao động của DN đến thời hạn hết hợp đồng lao động và 143 lao động khác có đơn xin thôi việc được DN áp dụng giải quyết các chế độ nghỉ hẳn theo luật định. Còn gần 500 lao động vẫn còn thời hạn hiệu lực về hợp đồng lao động, DN sẽ áp dụng chế độ trợ cấp thôi việc theo điều 42 Luật Lao động. Cả 3 dạng giải quyết nghỉ việc này đều sẽ giải quyết chậm nhất ngày 15-1-2009.
Sau khi thông tin đưa ra, tất cả công nhân đều cho rằng họ sẽ được giải quyết thôi việc kể từ ngày 15-1 và chính thức nhận tiền lương cùng các trợ cấp liên quan trong ngày 16-1. Song, theo công văn trả lời số 45 (ký ngày 13-1-2009) của Sở LĐ-TB-XH, Công ty Kim Quốc Bảo phải tiếp tục có trách nhiệm thực hiện hợp đồng với các công nhân vẫn còn thời hạn lao động do thời gian thông báo không đủ 45 ngày theo luật định. Nếu DN buộc công nhân thôi việc, thì phải áp dụng chế độ mất việc quy định tại điều 17 Luật Lao động. Trước đề nghị này, Công ty Kim Quốc Bảo quyết định tiếp tục ký hợp đồng lao động với gần 500 công nhân.
Do đó, DN chỉ tiến hành trả lương tháng 12-2008 cho các công nhân, không đề cập gì đến các chế độ thôi việc như thông tin trước đó. Điều này đã dẫn đến sự phản ứng của công nhân, cho rằng DN cố tình trì hoãn thực hiện thông báo đưa ra, không trả tiền chế độ nghỉ việc cho họ. Dù lãnh đạo DN đã lên tiếng đính chính, nhưng hầu hết công nhân đều bất bình không lắng nghe. Công nhân mong muốn DN phải minh bạch, nhất quán về chế độ lao động một khi đã ban hành, nhất là việc áp dụng chế độ nghỉ việc theo điều 17 do công nhân nghỉ việc do yêu cầu của DN chứ không phải theo điều 42 Luật Lao động. Khác biệt ở đây, là điều 17 quy định DN buộc công nhân nghỉ việc phải đền bù 1 tháng lương/năm làm việc; còn điều 42 quy định công nhân tự ý nghỉ việc, hay hết hạn lao động không được ký tiếp sẽ chỉ được nhận ½ tháng lương/năm làm việc.
Bà Bạch Yến Hoàng, phụ trách nhân sự, đại diện Công ty Kim Quốc Bảo cho rằng, đòi hỏi của các công nhân là thiếu thỏa đáng do DN vẫn tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với công nhân theo yêu cầu của cơ quan quản lý, và sẽ cố gắng tìm đủ đơn hàng cho công nhân an tâm làm việc đến hết tháng 6-2009. Nếu các công nhân vẫn đòi hỏi DN phải chi trả chế độ nghỉ việc, công nhân phải nộp đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động và chỉ được nhận các chế độ hỗ trợ theo điều 42 Luật Lao động.
Theo đó, trong ngày hôm nay 17-1, các công nhân chấp nhận dừng hợp đồng với DN có thể đến nhận chế độ nghỉ việc và sau ngày 20-1 đến nhận tiếp lương tháng 1-2009. Số công nhân không đến xem như tiếp tục ký hợp đồng với DN đến tháng 6-2009 với mức lương theo luật định, và chế độ nghỉ việc phù hợp sau đó, nếu công ty không tuyển dụng lại lao động nữa.
Thụy Bất Nhi