.

Để chợ có thể “sống chung” cùng siêu thị

.

Đã đến thời điểm nước ta mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ để các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài có thể tham gia. Trước mốc thời gian 1-1-2009, đã từng có ý kiến cho rằng, hội nhập là thời cơ để thúc đẩy thương mại hiện đại và cáo chung cho thương mại truyền thống. Thực tế không hẳn là như vậy.

Cách trưng bày hàng hóa bắt mắt, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết là những tiêu chí không thể thiếu để các tiểu thương bán lẻ có thể tồn tại trong thời buổi cạnh tranh thương mại hiện nay.

Hội nhập buộc chúng ta thúc đẩy phát triển mạnh mạng lưới bán lẻ hiện đại, nhưng các chợ và cửa hàng nhỏ lẻ chưa phải đã hết vai trò lịch sử. Trái lại, nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế của thương mại truyền thống, từng bước thay đổi những tập quán không phù hợp, thì đây sẽ là một kênh hỗ trợ hiệu quả trong cuộc chạy tiếp sức của ngành bán lẻ.

Không ít dự báo một bức tranh không mấy lạc quan cho sự phát triển của ngành bán lẻ trong nước, đặc biệt là với phương thức bán lẻ truyền thống như các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ. Đơn giản vì phương thức này ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu, trong đó điểm yếu lớn nhất là văn minh thương mại.

Sự ra đời của những cửa hàng bán lẻ tiện ích, siêu thị, cửa hàng đại lý của các công ty nước ngoài đã phần nào lấy bớt khách hàng của chợ. Để tồn tại, các tiểu thương phải giữ khách hàng bằng nhiều cách, mà trước hết phải thay đổi tư duy buôn bán nhỏ, trang trí cửa hàng đẹp và chuyên nghiệp hơn, đồng thời tăng vai trò tư vấn tiêu dùng cho khách hàng, phải chấp nhận bỏ vốn đầu tư nhiều hơn để tăng diện tích trưng bày, tăng nguồn hàng cung cấp từ nhiều nơi, tuyển nhân viên bán hàng giỏi, trang bị ngoại ngữ để có thể giao tiếp với khách hàng nước ngoài...

Lợi thế lớn nhất của các chợ là nó đã ăn sâu vào tập quán mua bán của người dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Ai cũng có thể đi chợ được - từ khách sang trọng, đến người bình thường, và cả người nghèo sau một ngày mưu sinh vất vả. Chợ còn là nơi trao đổi, gắn bó giữa người mua và người bán, mà người ta hay gọi là bạn hàng.

Họ quen biết nhau nhiều năm, thậm chí hàng chục năm, xem như người nhà, chia sẻ với nhau cả những chuyện không liên quan gì đến mua-bán, kể cả khi lỡ ra thiếu tiền, khách vẫn có thể mua hàng rồi lần sau đến trả. Chưa kể thói quen mua thức ăn hằng ngày của đa số gia đình… Những điều này, siêu thị không có. Mặt khác, chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ có mặt khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược.

Trong khi đó, siêu thị thường tập trung ở các khu trung tâm, không phải ai cũng đi siêu thị hằng ngày được. Ở siêu thị, thường những người thượng lưu, trung lưu đi mua sắm, còn người nghèo ít có nhu cầu bước vào siêu thị. Vì những lý do đó, tôi nghĩ rằng những ngôi chợ truyền thống không thể thiếu, cho dù đó là đô thị lớn.

Bởi vậy, cho dù thách thức đối với thị trường bán lẻ rất lớn, thì chợ và các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn có chỗ đứng riêng, nếu như có một sự thay đổi về nhận thức để tạo hình ảnh mới trong mắt người tiêu dùng. Đặc biệt, cần sớm từ bỏ những thói quen xấu, tập quán cố hữu, ví dụ như mê tín dị đoan của một số tiểu thương như người khách đầu tiên trong ngày mà không mua hàng, họ “đốt vía” ngay, nếu không kiềm chế được dễ to tiếng với khách; chưa bán mở hàng mà có người đến đòi nợ; kiêng mồng một Tết mà khách hàng nợ tiền hàng năm trước đến xông nhà…

Hay tệ nói thách, cân thiếu, đo thiếu, đong thiếu, không trả lại tiền thừa, tiền lẻ cho khách, giới thiệu hàng tốt nhưng giao hàng xấu, giao hàng không đúng hạn, bán hàng đã hết hạn sử dụng, đanh đá, chanh chua...

Bên cạnh đó, giá cả cũng đang trở thành điểm yếu của các chợ truyền thống, như khi có thiên tai, dịch bệnh, lập tức một số tiểu thương tự tiện nâng giá bán, trong khi các siêu thị vẫn giữ nguyên giá bởi có lượng hàng dự trữ.

Các chợ cũng nên dần học tập kinh nghiệm của siêu thị như hàng hóa phải niêm yết giá rõ ràng, sắp xếp hàng hóa bắt mắt, chất lượng bảo đảm, giá cả hợp lý, thái độ phục vụ nhiệt tình, chu đáo, xây dựng văn minh thương mại, sao cho “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, để người mua cảm nhận được rằng chợ xứng đáng là địa chỉ mua sắm tin cậy, là nơi phục vụ lâu dài và thân thiện cho bà con.

Bài và ảnh: QUỐC TÍN

;
.
.
.
.
.