.

Đổi mới thiết bị công nghệ để phát triển

.

Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã hơn 1 năm. Mặc dù đã được chuẩn bị từ lâu, song các DN vẫn bộc lộ nhiều yếu kém, thất thế trong quá trình hội nhập. Một số yếu kém dễ nhận thấy nhất là trình độ quản lý, công nghệ thiết bị và kinh nghiệm trên thương trường… Đặc biệt, với các DN thuộc ngành công nghiệp, điểm yếu nhất vẫn là công nghệ và thiết bị lạc hậu, mức tiêu hao nhiên liệu (điện năng, xăng dầu…) lớn, năng suất lao động không cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, mất lợi thế về cạnh tranh. Đây là nguyên nhân hàng đầu để hàng lậu của các nước trong khu vực tràn vào Việt Nam.

Nhờ việc đổi mới thiết bị nên chất lượng sản phẩm của Công ty cổ phần Dệt may 29-3 luôn ổn định, có uy tín với khách hàng.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, có rất ít (chưa tới 10%) các công nghệ của DN Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến. Phần còn lại hầu hết là các thiết bị và công nghệ lạc hậu hơn so với các nước từ 2 đến 3 thế hệ (kể cả các thiết bị và công nghệ vừa được đổi mới). Công nghệ sản xuất phổ biến là bán thủ công, nhất là ngành dệt may, hàm lượng chất xám còn ít. Đây là bất lợi lớn nhất của các DN trong quá trình hội nhập. Vì thế, vấn đề sống còn để tồn tại và phát triển là đổi mới công nghệ thiết bị nhằm hạ giá thành sản phẩm.

Theo đánh giá của các chuyên gia về đổi mới doanh nghiệp và của Sở Khoa học và Công nghệ, do nguồn tài chính còn hạn hẹp nên các DN công nghiệp chi đủ tiền để đổi mới các thiết bị với công nghệ trung bình, mức độ tự động hóa còn hạn chế. Các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như chế biến hải sản, chế biến nông - lâm sản vẫn sử dụng lao động qua đào tạo ngắn hạn là chủ yếu. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thọ Quang cho biết:
 
Hầu hết các sản phẩm hải sản của Việt Nam nói chung và của Đà Nẵng nói riêng đều là bán thành phẩm. Sau khi mua hàng, phải qua một công đoạn chế biến, họ mới đưa ra bán tại các siêu thị. Trong khi đó, đáng buồn là giá của sản phẩm nhập khẩu chỉ qua khâu chế biến rất ít, đã tăng từ 3 lần trở lên. Hầu hết lợi nhuận của sản phẩm từ Việt Nam vào túi các đối tác nước ngoài. Chưa kể một phần lợi nhuận khác do các DN Việt Nam tự cạnh tranh với nhau đã hạ giá bán, làm lợi cho các đối tác.

Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Thạch, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP ICTI Đà Nẵng cho biết : Các DN tại các KCN (kể cả DN 100% vốn nước ngoài) đều sử dụng công nghệ đã lạc hậu so với hiện tại, nên nước thải và rác thải công nghiệp thải ra môi trường hầu như không bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường. Do vậy, các DN phải xây dựng thêm các cơ sở xử lý nước thải, thậm chí có DN phải thuê các đơn vị chuyên môn xử lý chất thải rắn.

Đây cũng là một bất lợi nữa khi gia nhập WTO vì tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí rất quan trọng khi đưa sản phẩm vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, đây là 2 thị trường mà các DN của thành phố đang tập trung hướng tới. Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, công ty vẫn có sự tăng trưởng trong năm 2008 đầy khó khăn là do đã đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị từ nhiều năm trước để chuẩn bị cho việc gia nhập WTO. Vì vậy, công ty đã vượt qua mọi kỳ sát hoạch của các đối tác về điều kiện làm việc và môi trường, nhất là các đối tác của thị trường khó tính nhất là Mỹ.

Đối với các DN nhỏ, DN tư nhân trên địa bàn thành phố cũng đã có chuyển biến trong đầu tư đổi mới thiết bị. Tuy nhiên, do nguồn tài chính hạn chế nên chỉ mua sắm được các thiết bị công nghệ trong nước nhằm sản xuất các mặt hàng tiêu thụ nội địa, chưa có hướng và chưa dám tính đến việc đưa sản phẩm đi xuất khẩu.

Vấn đề quan trọng có tính sống còn hiện nay là phải đổi mới công nghệ thiết bị và từng bước chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn đã được cam kết của Chính phủ khi gia nhập WTO. Để làm được điều này, ngoài các chính sách ưu tiên của Nhà nước, của thành phố, các DN phải nỗ lực hơn nữa, nhất là huy động các nguồn lực để đổi mới công nghệ.

Sự phát triển của các DN sau khi cổ phần hóa nhờ huy động được các nguồn lực đổi mới thiết bị công nghệ được coi là kinh nghiệm quý để các DN khác định hướng cho việc xây dựng các kế hoạch trong tương lai. Thành phố cần nhanh chóng triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ và sử dụng hợp lý Quỹ phát triển khoa học công nghệ, tạo thuận lợi cho các DN phát triển.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.