.
Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2009:

Hàng Việt “đọ” hàng Thái

.
(ĐNĐT) - Hội chợ Xuân Kỷ Sửu 2009 của Đà Nẵng trở thành cuộc “đọ sức” thú vị giữa hàng Việt và hàng Thái sau khi VN chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.

Hơn 150 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đem về Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2009 hơn 300 gian hàng dệt may, da giày, đồ trang sức, mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm, dược phẩm, điện máy, hàng gia dụng, đồ gỗ… Đáng chú ý trong đó là sự xuất hiện của 70 doanh nghiệp Thái Lan với 100 gian hàng có tổng giá trị hàng hóa hơn 3 tỷ đồng.

Do vậy, đây không chỉ là hội chợ thường niên hầu như địa phương nào cũng tổ chức trước mỗi dịp Tết Nguyên đán mà còn được xem như một cuộc “đọ sức” khá thú vị giữa hàng Việt Nam và hàng Thái Lan. Sự xuất hiện khá hùng hậu của đoàn doanh nghiệp Thái Lan đã tạo sức ép không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, khiến họ phải đầu tư chu đáo hơn trong việc tham gia hội chợ để có thể giữ được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Đà Nẵng và miền Trung.

Khu gian hàng quốc gia Thái Lan.

Gian hàng của DN Việt Nam.


Đó cũng là cơ sở để Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Lê Viết Tươi mạnh dạn khẳng định, ngoài mục đích chính phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, hội chợ lần này còn là nơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, giao lưu, liên doanh liên kết, hợp tác làm ăn. Sâu xa hơn, góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, bình ổn thị trường, cải thiện đời sống nhân dân. 

Các loại kem, bót đánh răng của Thái Lan cũng thu hút được sự chú ý của khách hàng Việt Nam.

Ông Tổng Lãnh sự Thái Lan tận hưởng hương thơm của các sản phẩm mỹ nghệ từ cây dó bầu của DN Việt Nam.


Tổng Lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM Pravit Chaimongkol cho biết, sau thành công của lần tham dự đầu tiên năm 2008, đây là lần thứ hai đoàn doanh nghiệp Thái Lan có mặt tại Hội chợ Xuân Đà Nẵng với số lượng doanh nghiệp lẫn hàng hóa phong phú, đa dạng hơn hẳn. Ngoài mục tiêu xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp Thái Lan còn xem đây là cơ hội để đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước ngày càng bền chặt hơn.

Hiện Thái Lan xếp thứ 8 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 197 dự án tổng vốn 5,7 tỷ USD. Lượng khách du lịch Thái Lan sang Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó hơn 60% theo tuyến đường bộ vào miền Trung mà Đà Nẵng là trung tâm thu hút khách, sau đó lan tỏa ra các địa phương lân cận. Nhiều năm lại đây, thành phố này đã có quan hệ tốt với nhiều địa phương vùng Đông Bắc Thái Lan trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây như Nakhonphanon, Khonken, Mukdakhan… Sự hợp tác giáo dục giữa Đà Nẵng với Thái Lan cũng đang phát triển mạnh. 

.Các bạn trẻ thích thú với hàng lưu niệm của Thái Lan.

Người lớn tuổi thì chăm chú với các loại giống cây trồng do DN Việt Nam đưa ra.


Tại Hội chợ Xuân Đà Nẵng 2009, với lợi thế “sân nhà”, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tung ra chiêu khuyến mãi, giảm giá đến vài chục phần trăm để thu hút khách hàng. Ngược lại, ngoài vị trí thuận lợi ở khu vực trung tâm ngay cổng chính vào khu hội chợ mà Ban tổ chức ưu ái dành cho khách, các doanh nghiệp Thái Lan còn tỏ ra rất nhiệt tình, chu đáo và chuyên nghiệp trong cách tiếp thị, giới thiệu sản phẩm…

Các bạn trẻ chăm chú lựa chọn từng cái móc khóa xinh xắn của Thái Lan.

Nhưng lại không mấy quan tâm hàng bánh kẹo đặc sản đến từ Bến Tre.


Ngay trong ngày khai mạc, các gian hàng thủ công mỹ nghệ, vàng bạc đá quý, mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang, điện máy gia dụng… của Thái Lan đã thu hút sự chú ý của đông đảo người mua sắm, thậm chí là vượt trội so với các gian hàng Việt Nam dù hàng hóa, giá cả xem ra không đặc biệt hơn là mấy. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức lưu tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.

Nhân viên tiếp thị của Thái Lan tỏ ra rất năng động, nhiệt tình.

Nhân viên bán hàng của Việt Nam cũng ân cần không kém.


Ngược lại, ông Tổng Lãnh sự Pravit Chaimongkol và nhiều doanh nghiệp Thái Lan có mặt tại hội chợ tỏ ra rất quan tâm đến các mặt hàng nông sản, mỹ nghệ, may mặc, thiết bị… của doanh nghiệp Việt Nam. Ông Pravit Chaimongkol đã dành hàng chục phút tận hưởng mùi thơm và hỏi thăm kỹ các sản phẩm mỹ nghệ từ cây dó bầu của Công ty TNHH Sơn Hàn. Đến gian hàng của Công ty Rau Việt, ông ngạc nhiên trầm trồ với các loại rau mầm được trồng bằng công nghệ mới, chỉ sử dụng nước và không khí chứ không dùng đất, phân bón…

Quần áo may sẵn của các DN Thái Lan rất thu hút khách hàng.

Trong khi DN Việt Nam phải tung chiêu giảm giá 40% để mời gọi khách.


Hãy còn sớm để khẳng định sự “thắng – thua” giữa hàng Việt Nam và Thái Lan tại hội chợ lần này, song những ghi nhận bước đầu cũng có thể cho thấy, trong bối cảnh Việt Nam đã chính thức mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO, nếu các doanh nghiệp trong nước không nỗ lực bứt phá vươn lên thì rất có thể sẽ gặp bất lợi ngay chính trên sân nhà của mình.

Hải Châu

;
.
.
.
.
.