.
HỘI THẢO VỀ QUAN HỆ GIỮA NHẬT BẢN VỚI CÁC THÀNH VIÊN MỚI CỦA ASEAN

Phát huy lợi thế của Đà Nẵng trên Hành lang kinh tế Đông-Tây

.

Ngày 5-1, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á và Đại học Tokyo phối hợp với Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương Đà Nẵng (VAPEC) tổ chức Hội thảo “Quan hệ giữa Nhật Bản với các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam và hợp tác phát triển Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)”.
 

 Các đại biểu dự Hội thảo.

Hội thảo gồm  hai phiên, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và GS. Yasunobu Sato chủ trì phiên I: “Quan hệ Nhật Bản với các thành viên mới của ASEAN trong bối cảnh Đông Á”. Chủ trì phiên II: “EWEC và tác động đến sự phát triển và hội nhập của các tỉnh miền Trung Việt Nam” do GS.Furuta Motoo, Trưởng Đoàn học giả Nhật Bản và TS Nguyễn Sỹ Tuấn. Đến dự có các đồng chí Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố; đại diện các tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị và các học giả Việt Nam, Nhật Bản và Lào.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Dũng đã trình bày tham luận “Đông Á trong bối cảnh thế giới hai thập niên đầu thế kỷ 21”, trong đó khẳng định xu thế hòa bình, ổn định tiếp tục chi phối khu vực Đông Á, những yếu tố tích cực và thách thức đặt ra cho các nước trong khu vực trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đánh giá quá trình mở rộng hợp tác đa phương, song phương giữa khối ASEAN và các nước Đông Á vì lợi ích quốc gia và những dự báo về việc châu Á sẽ trở thành tâm điểm của thế giới. Tham luận của GS Furuta Motoo đã nêu vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ các thành viên mới của ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập khu vực qua đầu tư trực tiếp và tài trợ vốn ODA trên các lĩnh vực:

Hạ tầng cơ sở, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ hoàn thiện thể chế pháp luật. Năm 2005, khi làn sóng đầu tư thứ hai của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam bắt đầu, Việt Nam cũng đã thực hiện cam kết Khu vực mậu dịch tự do AFTA, lần lượt cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh.

Các công ty đa quốc gia Nhật Bản bắt đầu tin tưởng và mạnh dạn tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Mối quan hệ hai nước đã nâng lên tầm đối tác chiến lược. Giáo sư lấy làm tiếc việc Nhật Bản tạm dừng một phần ODA cho Việt Nam do vụ tham nhũng PCI. Hiện nay hai bên đã thành lập ủy ban hỗn hợp để thảo luận các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng liên quan đến ODA của Nhật Bản ở Việt Nam. Hai nước chỉ khôi phục lòng tin của người dân bằng cách xác minh sự thật chứ không phải bằng cách che giấu. Giáo sư cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng đình công của lao động Việt Nam trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhật Bản diễn ra không theo trình tự pháp luật.

Tham luận của TS Mai Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương Đà Nẵng và TS Hồ Kỳ Minh Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng nêu vai trò của EWEC đối với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông và khu vực Đông Bắc Á, khẳng định: Đây là nơi có thể đầu tư có hiệu quả do tiềm năng rất dồi dào của các quốc gia có EWEC đi qua. 6 lợi thế của Đà Nẵng với vai trò là điểm cuối, cửa ngõ ra biển Đông của EWEC.

Đó là kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay quốc tế, tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ; chất lượng nguồn nhân lực và nhiều năm liền trong nhóm địa phương có năng lực cạnh tranh hàng đầu ở Việt Nam. Năm 2008, thành phố đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.Hội thảo còn nhiều ý kiến khác bàn về sự đóng góp của Nhật Bản đối với phát triển kinh tế của Việt Nam, Lào, Campuchia từ sau chiến tranh lạnh; vai trò của Nhật Bản với EWEC…

Tin và ảnh: S.T

;
.
.
.
.
.