.

Không gian văn hóa đô thị

.

Sau 11 năm, từ thành phố trực thuộc tỉnh, Đà Nẵng đã vượt lên thành một thành phố trực thuộc Trung ương, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho cả miền Trung - Tây Nguyên, được xếp trong top đầu của đô thị Việt Nam. Đằng sau hào quang của những đổi thay kỳ diệu ấy, vẫn thấy thấp thoáng ít nhiều những điều chưa như mơ ước đang thúc giục công dân thành phố trăn trở, suy ngẫm trên chặng đường phía trước.

Đô thị mới và xung đột nội tại

Ở ĐÀNẴNG một diện mạo đô thị mới đang được hình thành. (Ảnh V.Phương)
Chỉ hơn trăm năm tuổi, trong chiều dài thời gian ấy, Đà Nẵng tích tụ và hình thành một lối sống, một nền văn hóa của các thời trước. Người ta nói đô thị là nơi hoài niệm các nền văn hóa, có thấy được cái xưa cũ mới có thể hành xử đúng đạo cho những quyết sách ngày nay. KTS Huỳnh Tòa quan niệm: “Nhìn nhận về Đà Nẵng với tư cách công dân của thành phố, là người có trách nhiệm thì phải nhìn một cách tổng quan, không phiến diện. Tất nhiên ta sẽ không đủ sức nhìn toàn bộ, nhưng cũng phải nhìn nhiều chiều mới thấy được hết”.

Trong mắt họa sĩ Đinh Gia Thắng, không gian đô thị Đà Nẵng hiện nay toát lên một dáng vẻ trẻ trung so với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đô thị khác ở hai đầu đất nước. Điều đáng nói nhất là Đà Nẵng có một không gian đô thị thoáng, sạch sẽ, tổ chức giao thông hợp lý. Đường Nguyễn Tất Thành và Sơn Trà - Điện Ngọc tạo nên nét đặc trưng của thành phố ven biển, là một trong những kiến trúc cảnh quan đẹp nhất khu vực miền Trung. Một số công trình kiến trúc mới mọc lên như nhà thi đấu đa năng, khu hội chợ triển lãm, một số cao ốc mới, v.v... tạo nên một diện mạo mới cho Đà Nẵng hướng tới một đô thị hiện đại.

KTS Phạm Phú Bình thì cho rằng, Đà Nẵng là thành phố được đánh giá tốt nhất trong cả nước về phát triển đô thị. Đà Nẵng có may mắn là phát triển không ào ạt, phần nào giữ được giá trị của đô thị gắn với thiên nhiên. Có đi nhiều nơi mới cảm nhận được Đà Nẵng không bị ùn tắc giao thông, nghĩa là chưa đến độ bị xung đột; nhà cửa, kiến trúc công trình nói chung tương đối tốt, không bị đi vào hình thức thái quá như các đô thị phía Bắc.

Những điểm nhấn văn hóa sẽ tôn vinh vẻ đẹp của không gian đô thị.

Phát triển đô thị bây giờ không có nghĩa là chỉ có nhà cửa mà còn môi trường, hạ tầng, không gian, các điều kiện để đô thị phát triển bền vững... Hiện nay, ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, các vấn đề xung đột đô thị đã và đang diễn ra gay gắt. Ông Bình phân tích: “Xung đột giao thông đã trở thành vấn nạn. Cứ đến giờ cao điểm là tắc đường, ngày càng tăng, làm lãng phí thời gian, bất tiện trong sinh hoạt.
 
Từ đó dẫn đến xung đột về hạ tầng mà thoát nước là một trong những vấn nạn. Chưa bao giờ Hà Nội mới mưa lớn đã ngập úng. Còn TP. Hồ Chí Minh thì triều cường, đến nay gần như hết nửa thành phố”. Đà Nẵng chưa bị áp lực đó, nhưng nếu không tỉnh táo thì sẽ bước vào “vết xe đổ” này - ông Bình cảnh báo. Thoát nước, giao thông, môi trường sống, làm việc bao giờ cũng bị sức ép của sự xây dựng, phát triển, nó gây cảm giác chật chội, bức xúc hoặc gây ra môi trường không thân thiện.

Điểm nhấn cho không gian đô thị

Đánh giá một đô thị là nhìn toàn bộ thực thể mà nó đang có. Trong cái nhìn của ông Huỳnh Tòa, Đà Nẵng có 3 lớp không gian. (1) Không gian vật thể gồm chủ yếu là các công trình kiến trúc ra đời trong 10 năm đã đủ đáp ứng phần lớn cho chức năng của một đô thị, chức năng hoạt động của con người đô thị. (2) Không gian kinh tế làm nền cho phát triển đô thị, làm nền cho phát triển kiến trúc. (3) Không gian văn hóa đô thị: Đà Nẵng thay đổi về xây dựng, kiến trúc, tạo ra bộ mặt kiến trúc đồng thời làm thay đổi không gian văn hóa.

Một đô thị gọi là phát triển đúng nghĩa phải có tính nhân văn, có tính văn hóa. Hồn văn hóa đô thị nằm trong các công trình kiến trúc đô thị mà ta quan tâm đến nơi đến chốn; nó tạo nên chiều sâu và sự lắng đọng; nó làm nền cho sự chiêm nghiệm của con người trước không gian và thời gian. Như bức tranh, không gian đô thị cũng phải có điểm nhấn.

Trong mấy thập kỷ tới, liệu xung đột giao thông có trở thành vấn nạn của Đà Nẵng?

Không gian văn hóa đô thị không phải là cái gì to tát, ghê gớm lắm. Ví như việc chuyển miếng đất hình lát kẹo đậu phộng ở chợ Tam Giác thành công viên, chuyện nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa văn hóa, dân sinh lớn: Giải quyết được nạn tắc đường, vừa mở ra độ lùi cho tầm nhìn thông thoáng, điểm xuyết nét xanh cho không gian đô thị. Thực tế này cho thấy Đà Nẵng hiện còn thiếu những điểm nhấn văn hóa - dân sinh.

Đà Nẵng là thành phố có một bề dày lịch sử - văn hóa mang nét đặc trưng của văn hóa Trung Bộ, nên theo Họa sĩ Đinh Gia Thắng, ngoài những điểm nhấn về kiến trúc mang đậm bản sắc riêng thì đô thị Đà Nẵng cần có không gian văn hóa như tượng đài về các danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa tiêu biểu, tượng nghệ thuật.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL thành phố cho biết, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng để xây dựng đề án quy hoạch tượng đài trên địa bàn. Riêng tượng đài ở các giao lộ lớn, cũng theo ông Thanh, hiện có ý kiến cho rằng, chúng che chắn tầm nhìn, ảnh hưởng giao thông nên Sở sẽ lựa chọn một số bùng binh lớn để thực hiện thí điểm.

 

KTS Huỳnh Tòa: Đà Nẵng đang tiến về phía trước bằng hai chân kinh tế và văn hóa, không dễ gì đều bước. Bởi ta còn nghèo, phải lấy phát triển kinh tế làm mũi nhọn, nhưng cứ nghĩ lấy cái phát triển đó để kéo cái văn hóa lên thì không phải. Văn hóa không phải là cái chạy theo sau mà phải đồng hành cùng kinh tế. 3 không gian vật thể, kinh tế và văn hóa phải đồng hành, không phải tạo cái này sẽ ra cái kia. Bởi ta sống là ta tiến hành đồng thời các hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực.

KTS Phạm Phú Bình:
Tôi rất mừng là Đà Nẵng có các dự án siêu thị, cao ốc ngay ở trung tâm. Ta dành hết các mảnh đất đắc địa cho các dự án này. Về thương mại là đúng, người ta khai thác kinh doanh sẽ hiệu quả hơn. Nhưng nếu ta không tỉnh táo thì khi chúng mọc lên, đô thị của ta sẽ chật chội ngay. Đà Nẵng không rộng, làm sao phải cân nhắc để định hướng cho các nhà đầu tư có những vị trí khoảng cách các cụm tổ hợp công trình hợp lý để thành phố giữ được độ thoáng.

Họa sĩ Đinh Gia Thắng:
Các tác phẩm điêu khắc ngoài trời cần có vị trí hợp lý, có tính gắn kết với kiến trúc đô thị để tạo nên chiều sâu, tạo nên phần hồn cũng như nét đặc trưng của một không gian đô thị lớn. Có thế, mới đọng lại trong nhãn quan khách du lịch về nét văn hóa kiến trúc khi tới Đà Nẵng.

 

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.