Thời tiết trở lạnh, mưa gió thất thường trong những tháng cuối năm đã làm cho người trồng hoa Tết ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) đứng ngồi không yên. Tuy mới đầu tháng chạp, nhưng nhiều luống hoa Tết nơi đây đã nở rộ, một số khác thì cành lá sum suê, “hứa hẹn” sẽ khoe hương sau Tết. Hơn lúc nào hết, vào thời điểm này, người trồng hoa ruột gan rối bời...
Chỉ tại ông trời
Anh Nguyễn Quang Sâm đứng buồn bã bên mấy luống hoa cúc vàng đông không “chịu” nở hoa trong dịp Tết. |
Tay cầm bình phun thuốc, mắt nhìn trời, anh Nguyễn Quang Cường, trú tổ 73, phường Hòa Cường Bắc than vãn: “Mấy năm trước, vào tháng 12 dương lịch trời bắt đầu nắng, không biết sao năm nay trời cứ mưa lạnh miết, làm người trồng hoa chúng tôi trở tay không kịp”. Theo anh Cường dự đoán, 1.000 chậu cúc vàng đông của anh, chỉ có khoảng 600 chậu kịp nở hoa đúng dịp Tết, 200 chậu mãn đình hồng, giỏi lắm nở không quá nửa.
Kế đó, vườn hoa của anh Nguyễn Quang Sâm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh Sâm buồn bã liệt kê cho chúng tôi biết: 60 chậu cúc pha lê, 400 chậu cúc vàng đông, 100 chậu hướng dương, 300/500 chậu hoa ly ly sẽ nở vào dịp sau Tết. Riêng 400 chậu hoa mãn đình hồng và 400 chậu mai thảo lan thì có khả năng nở kịp Tết. Vậy là, không chỉ thất thu mùa hoa Tết năm nay, nguy cơ nợ nần số tiền vay mượn gần 30 triệu đồng đầu tư trồng hoa của gia đình anh khó tránh khỏi.
Mặc dù thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, cùng với kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề, nhưng những người trồng hoa vẫn không thể đối phó với thiên nhiên thất thường của những tháng cuối năm. Để đối phó với thời tiết khắc nghiệt, trong quá trình chăm sóc hoa, nhiều nhà đã dùng hàng ngàn mét ni-lông che mưa, kể cả thắp điện liên tục 50 ngày đêm “sưởi ấm” cho hoa không bị lạnh. Nỗ lực vậy, nhưng vẫn có rất nhiều loài hoa đã không “chịu” nở đúng dịp Tết.
Vào thời điểm này, để vớt vát công sức và vốn liếng đã bỏ ra cho cả mùa hoa, nhiều hộ tích cực phun thuốc kích thích tăng trưởng cho búp, với hy vọng sẽ có một số hoa kịp nở trong dịp Tết. Tuy nhiên, theo họ nhận định, trong những ngày tháng chạp này, nếu trời nắng lên thì còn vớt vát được, ngược lại, mưa lạnh tiếp tục kéo dài thì hết phương cứu chữa...
Tết năm nay sẽ thất thu...
Vẻ mặt rầu rĩ đứng bên mấy luống hoa cúc vàng đông cành lá sum suê, anh Võ Ngọc Hòa, ở khu dân cư Tuyên Sơn, phường Hòa Cường Bắc than thở: Lấy hết vốn liếng gia đình được 10 triệu đồng, vợ chồng tôi vay mượn thêm gần 20 triệu của người quen để mua sắm chậu, phân bón... trồng 800 chậu cúc vàng đông và 100 chậu vạn thọ, hy vọng đến Tết sẽ kiếm lãi chút đỉnh. Nhưng thời tiết tiếp tục bất lợi thế này, may mắn lắm cũng chỉ khoảng 50% hoa cúc vàng đông nở kịp Tết, còn 100 chậu vạn thọ chắc chắn nở không kịp rồi. “Cả nhà trông đợi vào mùa hoa này để kiếm tiền lo sắm Tết, nhưng tình hình thế này, không biết lấy tiền đâu sắm đồ Tết cho vợ con”, anh Hòa buồn bã nói.
Không riêng gì trường hợp anh Hòa, hơn 50 hộ dân ở Hòa Cường Bắc đang rơi vào cảnh đứng ngồi không yên vì hoa Tết. Những năm trước đây, sau mỗi mùa hoa Tết, mỗi hộ cũng có lãi từ 20 đến 50 triệu đồng. Thấy vậy, năm nay nhiều hộ vay mượn thêm tiền, mở rộng diện tích trồng hoa, trong đó có hộ trồng đến 2.000 chậu hoa các loại. Với hy vọng cháy bỏng sẽ kiếm được nguồn thu nhập kha khá trong dịp Tết, nhưng thời tiết khắc nghiệt đã dập tắt mọi hy vọng của những người nông dân nghèo khó nơi đây. Lúc này, họ chỉ còn biết cầu mong: “Thị trường hoa Tết năm nay đắt đỏ, giá bán cao hơn những năm trước chút đỉnh, may ra bà con mới gỡ gạc được tiền vốn đã bỏ ra.”
Tuy nhiên, khi nhận định về thị trường hoa Tết năm nay, ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho rằng: Chơi hoa là thú vui tinh thần không thể thiếu của người dân trong dịp Tết. Theo dự báo của tôi, cũng như những mặt hàng thiết yếu khác, nhu cầu mua hoa trong dịp Tết năm nay sẽ tăng nhưng không đáng kể, do khó khăn về kinh tế của người dân từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu.
Bài vả ảnh: N.ĐOAN - X.DUYÊN