.

Nông nghiệp, nông thôn Hòa Vang trước vận hội mới

.

Tuy liên tiếp đối mặt với thiên tai và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhưng năm 2008, ngành nông nghiệp Hòa Vang vẫn giành thành tựu nổi bật. Tổng giá trị sản xuất 281 tỷ đồng, năng suất lúa hè thu 57,6 tạ/ha, cao nhất kể từ trước đến nay, sản lượng lương thực gần 37 nghìn tấn; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó đáng kể nhất là vùng lúa giống, rau an toàn, dưa hấu, bắp…

Chăn nuôi quy mô lớn là yêu cầu của nền nông nghiệp tiên tiến ở Hòa Vang. Ảnh: N.C

Nhiều mô hình áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã khẳng định ưu thế về hiệu quả kinh tế như: nuôi thỏ lai, trồng gấc, nấm ăn, nuôi cá nước ngọt, ươm gieo cây giống… Cơ giới hóa đã phổ biến trên đồng ruộng. Ngành nông nghiệp đã phát huy tiềm năng, từng khu vực chọn cây trồng, vật nuôi hợp lý. Ở các xã đồng bằng chú trọng thâm canh lúa, bắp, rau; 4 xã trung du đẩy mạnh trồng rau an toàn, nuôi cá nước ngọt; tại 4 xã miền núi trồng rừng cao sản.

Nghị quyết 26/NQ-TW của Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã mở ra vận hội mới cho sự phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, xây dựng nông thôn mới ở huyện thuần nông này. Cùng theo đó, Hòa Vang đang triển khai Đề án Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2008-2010 và Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn từ nay đến 2020. Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ KHKT, sản xuất nông sản chất lượng cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp đã và đang triển khai nhiều giải pháp trên cơ sở quy hoạch đã xác lập.

Cụ thể: về lĩnh vực trồng trọt, ưu tiên xây dựng vùng sản xuất lúa giống, đến năm 2010 là 180 ha và duy trì vùng sản xuất lúa cao sản 2.600 ha; diện tích trồng màu 150 ha, giảm 119 ha so năm 2008; diện tích trồng rau 800 ha, tăng 383 ha; đất trồng hoa 150 ha, tăng 95 ha so năm 2008. Canh tác ở Hòa Vang tập trung vào 3 loại cây trồng chính là lúa, rau và hoa. Đối với khu vực miền núi, huyện chủ trương nâng diện tích rừng sản xuất từ hơn 20 nghìn ha hiện nay lên 32.693 ha vào năm 2010, phấn đấu đến 2020 bảo đảm độ che phủ rừng 75%. Về nuôi trồng thủy sản, phát triển vùng nuôi cá nước ngọt theo quy mô thâm canh ở Hòa Khương, Hòa Phong, phấn đấu nâng diện tích ao hồ lên 550 ha vào năm 2020 (hiện nay 479 ha).

Sản xuất lúa cao sản vẫn là hoạt động chủ yếu của nông nghiệp Hòa Vang.

Chuyển đổi cơ bản từ chăn nuôi kiểu truyền thống sang chăn nuôi tập trung quy mô công nghiệp, trong đó chủ yếu là heo siêu nạc, gà và bò thịt. Quỹ đất bảo đảm cho lĩnh vực này khoảng 560 ha ở vùng trung du miền núi. Hệ thống thủy nông sẽ tiếp tục đầu tư  nâng cấp, bảo đảm 450 ha không chủ động được nước tưới hiện nay đủ nước vào năm 2010, sẽ xây mới trạm bơm điện ở thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến, Thạch Nham Tây xã Hòa Nhơn; xây mới đập dâng Cây Sanh ở Hòa Ninh; đập Hội Yên, Hố Mít ở xã Hòa Bắc. Về kinh phí đầu tư cho quá trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn 2 năm 2009-2010, huyện Hòa Vang dự toán 99,35 tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách Trung ương và thành phố 91,84 tỷ đồng, từ ngân sách huyện 6,1 tỷ đồng và các nguồn khác 1,34 tỷ đồng.     
     
Tuy vậy sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang đứng trước thách thức lớn là quá trình mở rộng đô thị đang tiến dần về các làng quê, đất canh tác bị thu hồi, nhường cho các dự án. Mặc dù huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất khá chi tiết, song sẽ khó bảo toàn khi thành phố chưa có quy hoạnh tổng thể về vùng sản xuất nông nghiệp. Ông Nguyễn Phú Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Không có quy hoạch ổn định bền vững, không ai mạnh dạn đầu tư, việc dồn điền đổi thửa sẽ gặp trở ngại, rất khó xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh.  Sản xuất nông nghiệp ở Hòa Vang chỉ có thể thoát ra khỏi kiểu manh mún, nhỏ lẻ hiện nay khi có quy hoạch bền vững từ thành phố. 

Ở Hòa Vang, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo và là nguồn thu nhập chủ yếu của hàng chục nghìn hộ nông dân. Phát triển nền nông nghiệp tiên tiến, xây dựng nông thôn mới ở địa phương này là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt không chỉ của Hòa Vang mà là của cả thành phố. Vì vậy, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững lâu dài ở Hòa Vang là vấn đề vô cùng cần thiết, thành phố cần triển khai sớm, để địa phương có cơ sở thực hiện Đề án CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

 
Những chỉ tiêu chủ yếu của huyện Hòa Vang trong năm 2009

Tổng giá trị sản xuất (GTSX) 825,5 tỷ đồng, tăng 11-12% so năm 2008; trong đó GTSX ngành Nông-lâm-thủy sản 296 tỷ đồng, tăng 5,5-6% so năm 2008; sản lượng lương thực quy thóc 37 nghìn tấn. GTSX Công nghiệp-Xây dựng 344,8 tỷ đồng, tăng 16-17%.

GTSX Thương mại-Dịch vụ 187,5 tỷ đồng, tăng 14% so năm 2008. Giá trị xuất khẩu đạt 805 nghìn USD, tăng 15% so năm 2008.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn 36,4 tỷ đồng, tăng 14,3 % so với dự toán thành phố giao năm 2009, trong đó thu cân đối qua ngân sách 32,7 tỷ đồng, các khoản thu để lại chi quản lý ngân sách 3,7 tỷ đồng.

Giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Xóa 164 nhà tạm cho hộ nghèo, giảm 1.500 hộ nghèo theo chuẩn mới.

Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 1,5%, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi đạt 1,5%, giảm tỷ suất sinh 0,45 phần nghìn. Hoàn thành việc gọi công dân nhập ngũ thành phố giao.    

 

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.