.

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

.

Hòa Tiến, là xã nông nghiệp của huyện Hòa Vang. Những năm gần đây sản xuất công nghiệp, TTCN ở đây phát triển mạnh. Cả xã có tới 14 doanh nghiệp, trong đó 2 công ty may mặc thường xuyên thu hút 500-600 lao động và hàng chục cơ sở gia công cơ khí, sửa chữa máy móc, thiết bị, sản xuất gạch và chế biến lâm sản.

Gia công quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Tiến Thắng ở xã Hòa Tiến.

Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của xã này đạt 15 tỷ đồng, gần bằng 1/3 giá trị nông-lâm-thủy sản (NLTS), nguồn thu chủ yếu của hàng nghìn hộ nông dân. Nhìn rộng ra trên địa bàn huyện Hòa Vang, đến nay có 77 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư 143 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.500 lao động, năm 2008 giá trị sản xuất đạt 114 tỷ đồng, gần bằng 50% giá trị của ngành NLTS, tăng 20,2% so năm 2007.

Ông Nguyễn Đình Anh, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho rằng: Phát triển CN-TTCN ở vùng nông thôn là xu thế tất yếu hiện nay. Trong khi đất canh tác ngày càng thu hẹp, lao động dồi dào, các doanh nghiệp CN-TTCN ra đời không chỉ làm ra nhiều của cải mà quan trọng hơn là tạo việc làm cho người lao động. Ở nông thôn có nhiều thuận lợi cho ngành kinh tế này phát triển, đó là mặt bằng rộng, giá đất rẻ, lao động tại chỗ đông…

Hiện Hòa Tiến đã quy hoạch vùng phát triển CN-TTCN đến năm 2020, các làng nghề và vùng sản xuất nông nghiệp. CN-TTCN hình thành tạo điều kiện cho TM-DV và NLTS cùng phát triển, nhất là cơ giới hóa nông nghiệp. Tính đến nay, xã Hòa Tiến có gần 100 máy móc nông cụ các loại, đảm nhiệm từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến. Năm qua, các cơ sở sản xuất gạch đã cho ra lò 16 triệu viên, 2 đơn vị may mặc làm ra 570 nghìn sản phẩm...

Thế mạnh của CN-TTCN ở Hòa Vang là sản xuất gạch tuy-nen. Với 6 nhà máy, tổng vốn đầu tư gần 100 tỷ đồng, hằng năm cho ra lò  40-50 triệu viên gạch, không chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn mà còn cung cấp cho các công trình ở đô thị. Các cơ sở này ra đời vừa mở ra hướng sản xuất lớn, vừa góp phần giải tỏa hàng chục lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Một trong những cơ sở làm ăn hiệu quả là Nhà máy gạch tuy-nen Đồng Nghệ ở xã Hòa Khương. Ông Nguyễn Văn Tân, Giám đốc nhà máy gạch này cho hay: Nhu cầu xây dựng rất lớn, gạch tiêu thụ khá thuận lợi. Hiện tại, nhà máy đang tạo việc làm cho gần 100 lao động là người địa phương, thu nhập 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng. 

 Tuy có bước khởi đầu khá lạc quan, nhưng CN-TTCN ở Hòa Vang vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng hiện có. Các doanh nghiệp trên địa bàn quy mô nhỏ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực khai thác đá, sản xuất gạch và nông-lâm-thủy sản. Đến nay, rất ít dự án có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp trên địa bàn huyện. Ông Huỳnh Minh Nhơn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay:

Hòa Vang rất nhiều tiềm năng để phát triển CN-TTCN như địa bàn rộng, giá thuê đất rẻ, giao thông thuận lợi, nhân lực dồi dào, dễ xử lý môi trường. Tuy vậy,  đến nay thành phố chưa có chủ trương quy hoạch khu công nghiệp trên địa bàn huyện để thu hút đầu tư. Hàng nghìn lao động ở địa phương này phải xuống các Khu công nghiệp Hòa Khánh, Hòa Cầm, kể cả Điện Nam-Điện Ngọc của Quảng Nam để kiếm việc làm. Nếu Hòa Vang cũng có khu công nghiệp, kinh tế của huyện sẽ nhanh chóng khởi sắc.

Hàng chục nghìn hộ nông dân tất bật quanh năm chỉ làm ra số của cải trị giá 281 tỷ đồng (năm 2008), trong khi chỉ 77 doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đạt doanh thu 114 tỷ đồng. Và như vậy, đầu tư phát triển CN-TTCN ở Hòa Vang là mục tiêu quan trọng để đẩy nhanh sự
nghiệp CNH-HĐH ở huyện thuần nông này.

Bài và ảnh: HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.