.

Ai thuê phòng trọ không?

.

Chưa bao giờ việc thuê phòng trọ lại dễ như thời điểm hiện nay, khi số công nhân mất việc ngày càng tăng. Nhà trọ vừa nhiều, lại vừa rẻ.

Phòng trọ ế

Hiện nay, với giá 250 nghìn đồng trở lên, công nhân có thể thuê một phòng trọ tươm tất.

Chị Võ Thị Hà, chủ cho thuê phòng trọ tại tổ 52 Đa Phước, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu chép miệng: “Thiệt tình chưa năm nào phòng trọ lại ế như bữa này”. Theo chị, khi một đoạn đường gần một phân xưởng được bít lại, giao thông khó khăn, đúng ra công nhân sẽ dồn lên trên khu vực nhà chị thuê phòng, nhưng “chừ vẫn chưa thấy ai tới”.
 
Mọi năm, tháng giêng bao giờ cũng là thời điểm khá căng thẳng về phòng ở, do lượng người lao động ăn Tết xong đổ ra thành phố rất nhiều. Song năm nay, đi một vòng quanh các khu chung quanh KCN Hòa Khánh, KCN Đà Nẵng, khu vực Trường THPT Nguyễn Trãi (quận Liên Chiểu), phòng trống vẫn còn không ít. Như chỗ chị Hà có tới 1/3 số phòng trống, ông N.N.B, chủ nhà số 26 Phan Văn Định (gần Trường THPT Nguyễn Trãi) thông báo trống 5/25 phòng.

Ông N.N.B khẳng định, tình trạng trên diễn ra ở hầu hết các khu trọ chung quanh. Còn chị Hà chỉ sang các dãy nhà cho thuê khác: “Bên kia, người ta cũng trả phòng cả rồi. Có nhà bị trả không còn một phòng. Có nhà bị trả tới 4 phòng trong một ngày”. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy người trả phòng chủ yếu là công nhân các ngành nhựa, may mặc, điện tử... khi công việc của họ bị mất trắng, hoặc có nhưng “làm 3 ngày nghỉ 3 ngày, không chịu tiền nổi nên họ về quê”, chị Nguyễn Thị Linh, trọ ở Đa Phước - phường Hòa Khánh Bắc, công nhân một công ty điện tử đang chờ việc giải thích.

Giảm giá phòng, vẫn không có người thuê

 

Trưng bảng “có phòng trọ” nhưng vẫn chưa có người tới thuê.

Nhiều chủ nhà trọ phải chọn phương án giảm giá, một việc hầu như chưa bao giờ xảy ra trong “lịch sử” cho thuê phòng trọ. Dù đã giảm 50 nghìn đồng/phòng/tháng, phòng trọ ở chỗ chị Hà vẫn chưa có người tới thuê lấp chỗ trống. Cuộc cạnh tranh giữa các khu trọ bắt đầu, vì công nhân có thể trả phòng để chuyển sang khu trọ khác “ngon” hơn (thoáng sạch và rộng rãi hơn - P.V) nhưng giá rẻ hơn hoặc bằng khu cũ.

Anh Ngô Văn Quế, sinh viên Trường Cao đẳng nghề Hoàng Diệu, trọ trên đường Phan Văn Định cho hay, anh đang thuê một nhà lớn có phòng ngủ - phòng khách - nhà bếp - toilet - sân chơi, với giá chỉ 250 nghìn đồng/tháng. “Trước đây cỡ nhà này phải là 400 nghìn đồng/tháng”, anh nói. Chị Hà dự tính hạ thêm tiền phòng nếu tình trạng trống trải này kéo dài thêm. Nhiều nơi trưng bảng “có phòng trọ” nhưng tình hình vẫn không khá hơn.

Những khu vực gần kề nhà máy, xí nghiệp, tuy không đến nỗi trống như những khu trên, nhưng giá cả không còn “nhảy” lung tung  như trước nữa, và dễ thuê hơn nhiều. 3 công nhân (đề nghị không nêu tên) đang ở nhà chờ hàng, trọ tại tổ 47 An Hải Bắc, quận Sơn Trà mách nước: “Với độ thải công nhân như hiện nay, đi tìm phòng cực kỳ dễ. Cứ đảo qua đảo lại một khu vài ngày, thể nào cũng có phòng vừa được trả”.
 
Nhóm cán bộ Đoàn Trường ĐH Duy Tân chuyên đi “săn” phòng trọ giúp sinh viên cũng cho biết: “Do công nhân bỏ phòng nhiều, nên kiếm phòng khu vực ngoài rìa thành phố dễ thở hơn nhiều so với các năm. Riêng quanh khu ĐH Duy Tân, chúng tôi kiếm được gần 90 phòng trọ “để dành” cho sinh viên, trong khi năm ngoái số phòng trống chỉ khoảng 60. Giá chỉ dao động 300-350 nghìn đồng/tháng, rẻ hơn năm ngoái 50-100 nghìn đồng/phòng”.

 

Ông Lê Minh Hùng, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - BHXH, thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

“Tính đến nay, do doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất, trên địa bàn thành phố có trên 2.500 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, trong đó 176 người nghỉ chờ việc, số còn lại chấm dứt hợp đồng lao động và hưởng trợ cấp mất việc.

Số công nhân này thuộc 6 công ty FDI chuyên sản xuất hàng may mặc, da giày, điện tử, bao gồm: Công ty TNHH Kim Quốc Bảo, Wei Xern Sing, TKR Việt Nam, VN Knitwear, Chi nhánh Công ty TNHH TTTI Đà Nẵng, Công ty khoáng sản Transcend. Trong 10 năm qua, Đà Nẵng chỉ có thiếu lao động, nhưng nay thừa quá nhiều.
 
Nhiều nơi không bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính cũng lợi dụng tình thế, “thay máu” bộ máy để tìm nguồn lao động rẻ hơn, hoặc tuyển lựa lớp có tay nghề cao nhưng giá thấp. Doanh nghiệp đang nắm quyền sinh sát trong tay, người lao động gần như không thể mặc cả, và phải chịu thiệt thòi”.

 

Bài và ảnh: HẰNG VANG

 


;
.
.
.
.
.