.

Chuyện giỏ trứng và ao nhà

.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, các thị trường lâu nay có nhu cầu nhập khẩu lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... phải cắt giảm các hạng mục hàng hóa nhập khẩu theo mức tiết kiệm chi tiêu của người dân sở tại. Ở Việt Nam, từ giữa năm ngoái, các doanh nghiệp kinh doanh hàng xuất khẩu đã nghĩ đến những phương án “giải nguy” trong thời điểm khó khăn này.

Đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ

Trong thời điểm khó khăn hiện nay, bán được hàng hóa, tìm ra thị trường và có việc làm cho người lao động là những bài toán khó.
Ông Vũ Đức Giang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt-may Việt Nam (Vinatex) dự báo, năm 2009, trong sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nhu cầu hàng hóa của thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sẽ giảm mạnh. Ngành dệt-may sẽ gặp không ít khó khăn, khi Mỹ, thị trường nhập khẩu hàng Việt Nam lớn nhất, sẽ cắt giảm trên 15% hàng nhập khẩu dệt-may.

Thực ra, đây là cơn dư chấn của sự bùng phát khủng hoảng kinh tế nổ ra hồi giữa năm ngoái, và ngay lúc đó doanh nghiệp xuất khẩu nào cũng lo “thủ thế” theo cách riêng của mình. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ Nguyễn Đức Trị, khi các đơn hàng có dấu hiệu sụt giảm thì doanh nghiệp đã lo đi tìm khách hàng mới, thị trường mới. Hiện Hòa Thọ đã có thêm khách hàng mới ở Nhật và Đài Loan, có thể bù vào sự sụt giảm từ các khách hàng cũ.

Theo ông Trị, lượng hàng của Tổng công ty trước đây xuất sang Mỹ chiếm 55%, châu Âu 35%, Nhật 15%. Nay, thị trường Mỹ chùng xuống, Tổng Công ty CP Hòa Thọ tập trung vào Nhật. Thị trường Nhật hiện đang có nhiều triển vọng, sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) có hiệu lực từ ngày 1-12-2008, các dòng thuế nhập khẩu vào Nhật, trong đó có hàng dệt-may đã giảm xuống mức 0%. Thêm nữa, hiện đồng Yen Nhật đang tăng giá nên hàng nhập khẩu vào Nhật so với USD tương đối rẻ.

Công ty Hữu Nghị đang cố gắng đưa sản phẩm lô-gô Hunex vào thị trường nội địa.

Tín hiệu khả quan cũng đến với Công ty Cổ phần SXTM Hữu Nghị Đà Nẵng - doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu100%, thị trường chính là châu Âu. Theo nhận định của ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc công ty, trong năm 2008 tình hình giá nguyên-phụ liệu cao làm tăng giá thành và giảm sức bán ra, công ty vừa giữ bạn hàng cũ, vừa phát triển thêm mới. Trong những tháng cuối năm 2008, công ty may mắn có thêm khách hàng Mỹ. Năm 2008, bình quân công ty xuất 100 nghìn đôi giày mỗi tháng. Riêng tháng 1-2009 đã xuất khoảng 140 nghìn đôi, con số này chưa phải là nhiều so kế hoạch 2009, nhưng trong tình hình hiện nay như thế cũng rất khả quan rồi.

Qua sóng gió, các doanh nghiệp xuất khẩu mới nhận ra một điều rất đơn giản là để giảm rủi ro trong kinh doanh, đừng bao giờ quá phụ thuộc vào một vài “ông lớn” nào đó - đừng bao giờ bỏ trứng vào một giỏ - mà nên có nhiều “ông lớn” như thế. Một số doanh nghiệp phía Nam vừa qua đã phải đóng cửa vì không xem điều đó là chân lý trong cuộc sống. Có người đã nhận định, khi mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có sau một loạt tập đoàn tài chính sụp đổ và nhiều tập đoàn khác đang trong tình trạng bên bờ vực phá sản tại Mỹ, thì không ai có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra!

Về tắm ao nhà

Nhiều doanh nghiệp dệt-may, da giày đã xem thị trường trong nước là mục tiêu trong những năm qua. Người tiêu dùng Việt Nam không còn lạ gì với hàng dệt-may của Việt Tiến, Nhà Bè, Thái Tuấn... hay hàng da giày của Asia, Biti’s... Thế nhưng, một số doanh nghiệp có tiếng tăm trên thị trường thế giới lại không được mấy người trong nước biết đến! Vì sao?

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt-may thêu đan TP.Hồ Chí Minh, phân tích tại buổi giao lưu trực tuyến “Cơ hội từ khủng hoảng” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng ngày 6-2-2009: “Trước đây, do thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều thuận lợi nên việc đầu tư chăm sóc thị trường nội địa chưa được thực sự chú trọng. Qua những khó khăn đối với thị trường xuất khẩu hiện nay, tôi tin chắc một điều là các doanh nghiệp dệt-may sẽ có dịp rà soát lại định hướng và chiến lược thị trường”.

Song song với việc tìm khách hàng xuất khẩu mới, Dệt-may Hòa Thọ mở rộng thêm mạng lưới bán lẻ trong nước.

Dệt-may Hòa Thọ, trong một chiến lược lâu dài, đã đeo đuổi thị trường nội địa gần 5 năm nay. Thị trường xuất khẩu, khi có được khách hàng thì với năng lực 7 nghìn công nhân, Hòa Thọ có thể làm ngay được khoảng một vài triệu USD mỗi tuần là chuyện thường. Nhưng thị trường nội địa thì không phải chuyện một sớm một chiều. Doanh thu nội địa của Hòa Thọ trong năm 2008 chỉ 16 tỷ đồng, tròm trèm khoảng 1 triệu USD. Tuy nhiên, ông Trị đánh giá, qua quá trình xây dựng lâu dài như thế, nay bắt nhịp với thị trường thế giới sút giảm thì đây là cơ hội của Hòa Thọ nhằm giải quyết mặt hàng, thị trường, lao động ngay trong nước.

Đối với Công ty Hữu Nghị, song song với xuất khẩu, những năm trước công ty vẫn có kế hoạch hướng đến thị trường nội địa, nhưng do tình hình tài chính của công ty lúc đó không cho phép. Đến nay, sau khi cổ phần hóa, Hữu Nghị không thể bỏ qua thị trường đầy tiềm năng này. Nhưng không dễ, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi các doanh nghiệp giày da khác cũng nhắm vào đó. “Chắc chắn cạnh tranh sẽ khốc liệt. Nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ vượt qua và cố gắng vươn lên đưa sản phẩm với lô-gô Hunex vào thị trường nội địa, để bù đắp sự hụt hẫng từ xuất khẩu” - ông Anh lạc quan.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mức tiêu dùng hàng cao cấp nói chung sẽ giảm. Các doanh nghiệp, song song với việc chú trọng xây dựng mạng lưới bán lẻ sản phẩm, đã lấy việc phân khúc thị trường bình dân làm trọng điểm, bởi một khi sức mua giảm mạnh, cần có sản phẩm phù hợp để kích cầu. Sản phẩm của Dệt-may Hòa Thọ đã có mặt ở khắp 54 siêu thị trên cả nước của Vinatex. Còn giày Hữu Nghị, với thương hiệu Hunex sẽ được giới thiệu với khách hàng Đà Nẵng trong nay mai. Chủ trương của cả hai là giữ vững chất lượng và giảm giá sản phẩm đến mức có thể để tăng sức cạnh tranh.

Đã đến lúc các doanh nghiệp xuất khẩu quay về với khách hàng nội địa. Trâu chậm uống nước đục, trong cuộc đua “về tắm ao nhà” này, không có cơ hội cho sự chần chừ, chậm lụt. Và, thị trường trong nước sẽ khởi sắc hơn, nếu chính quyền địa phương có những chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ khó khăn chung.

 
Trong lúc chờ làm hàng xuất khẩu

HTX Mây tre An Khê (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) ra đời hơn 30 năm nay, chủ yếu làm hàng xuất khẩu và bán mây nguyên liệu. Ngoài hơn 40 xã viên gắn bó rất lâu với HTX, còn có 250 lao động làm thường xuyên tại HTX và gấp đôi số đó làm việc ở nhà. Thời hoàng kim của HTX là năm 2005, xuất khẩu hàng hóa có giá trị đến 150 nghìn USD. Năm 2008, đầu năm tỷ giá USD quá thấp, cuối năm khủng hoảng kinh tế, HTX chỉ hợp đồng được 40 nghìn USD; qua đầu năm 2009, con số này còn thấp hơn.

Chủ nhiệm HTX Trần Bá Tượng cho biết, để giải quyết khó khăn trước mắt, HTX đưa ra 3 giải pháp. (1) Triển khai sản xuất một số mặt hàng nội địa trong lúc chờ hàng xuất khẩu. (2) Nếu có đơn hàng nào huề vốn cũng nhận làm để giải quyết việc làm cho người lao động, duy trì sản xuất. (3)

Đưa sản phẩm đến hai đầu đất nước để tìm khách hàng, bán với giá có lãi chút ít. Với chủ trương dù khó khăn đến mấy cũng phải có thu nhập ít nhiều để giữ chân người lao động, HTX hiện tạm thời chuyển sang làm hàng gia công và hàng trang trí nội thất.

Hiện HTX chưa làm hàng xuất khẩu, nhưng qua phán đoán thị trường, ông Tượng vẫn lạc quan khi một số đơn vị liên hệ với HTX để làm hàng xuất khẩu. HTX đang đàm phán với họ về đơn giá, “biết là khó khăn chung, nhưng cũng phải giữ cho tiền lương người lao động không quá thấp so với công sức họ bỏ ra” - ông Tượng khẳng định.

V. P. Q

 

VĂN THÀNH LÊ

 

;
.
.
.
.
.