.

“Cởi trói” cho doanh nghiệp

.

Nhằm ngăn chặn đà lạm phát và suy thoái kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tạo nhiều việc làm cho người lao động, Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất vay. Đây là chủ trương đúng đắn và kịp thời để DN ổn định và phát triển sản xuất. Tuy vậy, việc các DN cần vốn tiếp cận với nguồn vốn này không dễ, chỉ vì  ngân hàng đề ra các quy định quá ngặt nghèo, các đơn vị có nhu cầu vay, nhất là lĩnh vực chế biến hải sản xuất khẩu không thể đáp ứng được. Và như vậy, nguồn vốn đến các DN này còn xa vời.     

Vốn luôn là yếu tố có ý nghĩa quyết định để thu mua nguyên liệu phát triển
sản xuất.

Công ty CP PROCIMEX có truyền thống về chế biến hải sản xuất khẩu ở Đà Nẵng. Năm 2008, công ty đạt kim ngạch xuất khẩu 8,5 triệu USD. Thế mạnh của DN này là sản phẩm cá ngừ hấp chín xuất sang thị trường Trung Đông và châu Phi. Cũng như các DN hoạt động cùng lĩnh vực, vốn luôn là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự tăng trưởng của công ty. Hiện tại, DN đang rất thiếu vốn lưu động, ít nhất là 10 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu.

Tiếp nhận chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vay, lãnh đạo công ty đã khẩn trương liên hệ vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng CP Xuất nhập khẩu Việt Nam tại Đà Nẵng (EXIMBANK). Tuy vậy, trở ngại về thủ tục vay làm cơn khát vốn của DN chưa được giải tỏa. Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc công ty cho biết: Với những quy định về thủ tục vay ngân hàng nêu ra thì DN đành bó tay. Chắc chắn không đơn vị nào hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản xuất khẩu thực hiện được.

Theo ông, ngân hàng yêu cầu muốn vay được vốn từ gói kích cầu của Chính phủ, DN phải xuất trình phiếu chi thanh toán mua nguyên liệu do chính chủ phương tiện ký nhận. Số vốn vay tương ứng với tổng số tiền từ các phiếu chi đó. Điều này DN không thể thực hiện được do ít khi chủ tàu đứng ra bán hải sản cho công ty mà thường là các đầu nậu.

Hơn nữa, việc thu mua hải sản phải gom từ rất nhiều tàu, nhiều địa phương mới đủ sản lượng đáp ứng cho chế biến, không thể lặn lội đến hàng trăm chủ phương tiện xin chữ ký của họ được. Đó là chưa nói, nhiều chủ tàu không hề quan tâm đến việc đánh bắt, nói chi đến việc giám sát bán hải sản. Có khi họ cho thuê tàu và việc đánh bắt bán hải sản do người khác đảm nhiệm. Nói tóm lại, quy định như vậy thì vốn của ngân hàng khó đến với DN.

Khi đặt vấn đề: Liệu có giải pháp nào “cởi trói” cho DN mà vẫn bảo đảm các quy định cần thiết của ngân hàng, ông Điểm cho rằng: Thủ tục vay vốn phải rõ ràng, minh bạch là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ có thể thực hiện bằng cách, các hóa đơn mua hàng và phiếu chi người được chủ tàu ủy quyền ký là đủ, kèm theo đó là bản kê 04 của cơ quan thuế. Có như vậy, DN mới lập đủ thủ tục vay vốn và mới có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn từ gói kích cầu của Chính phủ.

Trao đổi với nhiều chủ DN khác, chúng tôi cũng nhận được nỗi trăn trở tương tự. Ai cũng cho rằng, ngân hàng quy định ngặt nghèo như vậy cứ như đánh đố DN. Nếu không có giải pháp thông thoáng, thuận lợi hơn về thủ tục, chắc chắn nguồn vốn đó mãi vẫn nằm trong két của ngân hàng và các DN sẽ bơi giữa vô vàn khó khăn.

Ông Thái Hội, Giám đốc Công ty TNHH Thái An cho rằng: Nguyên liệu luôn là vấn đề sống còn của hoạt động chế biến hải sản. Muốn có nguyên liệu, bên cạnh sự năng động nhạy bén, xây dựng mạng lưới thu mua ở nhiều địa phương, yếu tố quan trọng nhất là phải dày vốn để thanh toán nhanh gọn, sòng phẳng. Trong khi hoạt động này nợ gối đầu, nếu không giải quyết tốt khâu vốn, có khi nguyên liệu nhiều mà vẫn bó tay. Nhận thông tin về chủ trương hỗ trợ lãi vay của Chính phủ, chủ DN như “mở cờ trong bụng”. Tuy vậy, với các quy định quá nhiêu khê của ngân hàng, tiếp cận được nguồn vốn đó vô cùng khó.

Năm 2008, Chính phủ ban hành Quyết định 289 về hỗ trợ dầu cho ngư dân. Cứ theo quy định ban đầu, không mấy tàu tiếp cận được với nguồn hỗ trợ này. Trước những bất cập và ràng buộc khắt khe đó, các bộ ngành đã tháo gỡ bằng việc ban hành các  văn bản liên quan, từ đó gần như 100% chủ phương tiện đã nhận được hỗ trợ từ Chính phủ.

Với những khó khăn nêu trên, thiết nghĩ, ngành ngân hàng và các cơ quan hữu quan sớm điều chỉnh các quy định về thủ tục vay, “cởi trói” cho DN để nguồn vốn từ gói kích cầu của Chính phủ thực sự là liều thuốc hữu hiệu kích thích sản xuất phát triển, góp phần ngăn chặn hiệu quả đà suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU               

;
.
.
.
.
.