.
DOANH NGHIỆP TRƯỚC CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU, HỖ TRỢ:

Bài 1: Doanh nghiệp phấn khởi nhưng còn thấp thỏm

.

(ĐNĐT) - Theo dõi thông tin sản xuất Đà Nẵng gần 2 tuần qua, có thể thấy các DN địa phương trước các giải pháp chủ trương kích hoạt sản xuất, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng được Chính phủ đưa ra đều biểu lộ phấn khởi. Song, đa số DN vẫn còn dè dặt bởi với họ, không đơn giản vận dụng những điều kiện cơ hội ấy là được.

Hỗ trợ lãi suất sẽ giúp giảm bớt áp lực chi phí vốn đầu tư ban đầu cho các DN.


4% lãi suất ngân hàng được hỗ trợ, là thông tin chính mà các DN đã bàn thảo nhiều trong những ngày qua. Hầu hết đều đánh giá cao cơ hội sẽ giảm nhanh các chỉ số tài chính đầu vào của DN qua động thái này.

Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, nếu xét riêng ở một DN, chỉ số hỗ trợ này chỉ có mức tương đối, vì một khi DN đã thuận lợi hay quá khó khăn, có thêm một mức giảm chi tài chính cũng không có ảnh hưởng nhiều. Với mức lãi hiện nay, DN vay 1 tỷ đồng, qua hỗ trợ sẽ được giảm tương đương 40 – 60 triệu cho mỗi tháng.

Nhưng về tổng thể, nếu DN nào cũng được hỗ trợ, sự tiết giảm chung ở mỗi sản phẩm bán ra qua đó lại là một con số rất lớn. Mà một khi hàng hóa bán ra đều được khích lệ giảm giá thành, tâm lý tiêu dùng trong xã hội sẽ được cổ vũ, giúp cơ hội sản xuất của DN tăng lên, tiến đến giải quyết tốt nhu cầu việc làm, giải ngân các dự án đầu tư…

Ngoài ra, với những chủ trương trực tiếp hỗ trợ DN sản xuất xuất khẩu, giãn giảm thuế thu nhập DN, và các gói kích cầu cụ thể khác trong từng lĩnh vực đầu tư mà Chính phủ đang xem xét, cơ hội để các DN tìm lại lợi thế cạnh tranh, ưu tiên đầu tư cho sản xuất hàng hóa cũng sẽ cải thiện. Ngay các ngân hàng cũng có thêm điều kiện đưa vốn vay đến với DN, mạnh dạn ủng hộ DN vay sản xuất, các đối tượng xã hội vay tiêu dùng, tích cực đi đến kích hoạt các xung lực chống giảm phát hàng tiêu dùng, lạm phát hàng nhu yếu phẩm…

Tuy nhiên, theo các DN, họ vẫn thực sự âu lo về đầu ra kích cầu tiêu dùng, về cơ hội tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trước bối cảnh chi tiêu giảm sút hiện nay. Theo các DN sản xuất hàng tiêu dùng Đà Nẵng, mấy tháng trước vốn vay chịu lãi suất cao, song DN vẫn dám vay vì vẫn bán được hàng, xoay vòng vốn. Còn bây giờ, vốn vay có, ưu đãi Nhà nước có, lãi suất bình quân ở các ngân hàng đều giảm, thậm chí chỉ bằng 1/3 thời điểm mùa hè 2008, nhưng các DN vẫn ngại không dám tiếp xúc nguồn vốn.

Một phần họ dè dặt từ diễn biến thị trường chung, liệu các sản phẩm dù đã giảm giá được người tiêu dùng chấp nhận hay không, và nguồn lực tài chính tại DN có đủ đảm bảo không bị những tác động đầu vào khác từ bên ngoài ảnh hưởng không. Mặt khác, các DN chưa tin tưởng cơ chế hỗ trợ sẽ được vận dụng tốt ở mọi mặt. Chỉ đơn giản trước yêu cầu của Ngân hàng cần DN chứng minh rõ tính khả thi cho các dự án vay vốn đầu tư, các DN có đủ tự tin để bảo đảm các chi tiết kinh doanh trong bối cảnh sắp đến? Theo đó, khả năng giải ngân, chấp nhận cho vay ở các ngân hàng vẫn sẽ hạn chế. Các ngân hàng có quyền từ chối DN vay một cách dễ dàng.

Hoạt động sản xuất của các DN được kích thích bằng các gói hỗ trợ của Chính phủ.


Với các cơ chế vay vốn hỗ trợ khác, như thành phố Đà Nẵng dùng vốn ngân sách nhàn rỗi cho DN ứng vay ngắn hạn, vay lãi suất thấp, các nhóm DN dân doanh, cổ phần… cũng cho rằng không có cơ hội tiếp cận. Đồng thời, việc giám sát, kiểm tra những dự án vay có nhận ưu đãi lãi suất của Chính phủ với các DN sẽ nảy sinh nhiều công đoạn thủ tục rườm rà, nếu không chặt chẽ sẽ nảy sinh tiêu cực, còn quá nghiêm túc lại không thuận lợi cho DN tham gia.

Thực trạng đáng nói của các DN sản xuất Đà Nẵng, là có thời kỳ hoạt động sản xuất được ưu tiên khích lệ phát triển nhóm DN công nghiệp vệ tinh, để đón những dự án đầu tư lớn từ bên ngoài. Hệ quả là số nhà máy quy mô, ứng dụng công nghệ làm ra các sản phẩm bổ trợ, thiết bị vật tư tăng lên, trong khi các dự án hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm lại giảm xuống. Thậm chí một số thương hiệu hàng tiêu dùng nổi tiếng của Đà Nẵng qua đó còn bị mai một, phải chuyển qua hoạt động tập trung cho xuất khẩu, rời bỏ mảng thị phần nội địa. Do đó, khi hiện nay, ảnh hưởng suy thoái kinh tế bên ngoài khiến các đầu mối đầu tư xuất khẩu bị đình đốn, mảng tiêu dùng nội địa trở nên quan trọng, thì không phải DN nào cũng kịp xoay chuyển để nắm chắc tình hình.

Tất cả cho thấy, các DN Đà Nẵng đều hiểu cơ hội thay đổi, góp sức chấn hưng lại các hoạt động kinh tế đầu tư của họ, thông qua các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ rất khả thi. Nhưng họ vẫn còn cần bổ sung năng lực cũng như cần có thêm nhiều điều kiện bổ trợ khác nữa, tương hỗ với chiến lược kích cầu, mới vận dụng được cơ hội đó.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.