.
DOANH NGHIỆP TRƯỚC CÁC GIẢI PHÁP KÍCH CẦU, HỖ TRỢ:

Bài 2: Những kiến giải cần thiết

.

(ĐNĐT) - Để nắm chắc được cơ hội từ các giải pháp kích cầu, các DN Đà Nẵng cho rằng các cấp quản lý cần có những góc độ kiến giải hữu hiệu hơn về tình hình sản xuất, hoạt động của họ trong thời gian đến, lắng nghe, ghi nhận những phản ảnh thực trạng của họ. Đồng thời, về phía mình, chính các DN cũng phải tích cực vận động thay đổi. 

        >>> Bài 1: Doanh nghiệp phấn khởi nhưng còn thấp thỏm

Các DN ở mỗi nhóm sản phẩm, lĩnh vực khác nhau sẽ cần nhận được những giải pháp hỗ trợ kích cầu khác nhau.


Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may 29/3 cho rằng, dù sử dụng giải pháp kích cầu nào cũng phải có sự phân biệt đúng tình cảnh của từng nhóm đối tượng DN nhận hỗ trợ để áp dụng. Cụ thể với gói hỗ trợ lãi suất, các DN đang băn khoăn vì nhu cầu cần vốn khác nhau, làm sao các ngân hàng thấy được hướng nhu cầu ấy để chấp nhận cho vay.

Một DN xuất khẩu sẽ cần vốn lưu động mở LC để triển khai sản xuất, trong khi 1 DN sản xuất hàng công nghiệp vệ tinh lại rất cần tháo gỡ số vốn ứ đọng và lãi vay với các hợp đồng đã vay từ trước trong tình cảnh đầu ra khó khăn. Một DN làm thiết bị công nghiệp cần nguồn vốn đầu tư dài hạn cho các dự án cung ứng quy mô, còn DN làm hàng tiêu dùng lại có thể chỉ ưu tiên có vốn vay xoay vòng vốn lưu động…

Những khác biệt này rõ ràng sẽ dẫn đến sự “phân biệt” giữa các nhóm DN với nhau. Ông Lê Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam nói, các ngân hàng sẽ ứng xử ra sao với 1 dự án cần vay vốn lớn của DN làm thiết bị, gia công công nghiệp và 1 dự án chỉ cần ít vốn làm hàng tiêu dùng? Rõ ràng tính khả thi cho các nhóm hàng tiêu dùng sẽ cao hơn, trong khi thực tế hiệu quả dài lâu của các dự án công nghiệp lại tốt hơn. Nếu không có sự rà soát để hỗ trợ hợp lý với các gói kích cầu khác nhau, nhà quản lý địa phương và các ngân hàng sẽ lúng túng trước tình cảnh các DN cùng kêu ca về nhu cầu của mình.

Thứ hai, các DN sản xuất cùng đang lo nỗi lo đầu ra sản phẩm, sự tích cực hơn của thị trường tiêu dùng. Điều này đòi hỏi phải có sự can thiệp đồng bộ “ở nhiều mặt trận” do các cấp quản lý điều hành. “Nên tập trung đánh đúng vào túi tiền của bà nội trợ” là một góc nhìn được nhiều DN đề xuất. Theo ông Ngô Việt Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện miền Trung, thị trường Tết vừa qua là một biểu hiện mâu thuẫn thiếu sự can thiệp điều tiết, khi các loại hàng hóa tiêu dùng công nghệ giảm giá mạnh, địa ốc đóng băng, thì các loại hàng hóa tiêu dùng nhu yếu phẩm vẫn tiếp tục tăng. Tại Đà Nẵng, thực phẩm, các loại nhu yếu phẩm đầu vào vẫn đang ở mức cao.

Giá các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn còn cao, đã trì níu sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường chung.

Vậy tại sao sắp đến, đích nhắm từ hỗ trợ lãi suất, kích cầu tiêu dùng không nhắm đến khu vực hàng nông sản, buộc các nhà cung cấp gas, xăng dầu… phải tính toán có giá cả cân bằng hơn. Một khi thị trường tiêu dùng hàng ngày giảm nhiệt, áp lực chi tiêu trong mỗi gia đình hạ xuống, các nguồn nhu cầu khác sẽ tự động được điều chỉnh lên. Ông Chính luận giải, đây là chi tiết “thật như đùa”, bởi tự mỗi gia đình sẽ có điều chỉnh cán cân tiêu dùng khác hơn khi “bà nội trợ” yên tâm về chi tiêu hàng ngày. Người ta không thể mạnh dạn mua tủ lạnh mới, xe máy giá trị… khi bó rau, con cá ngoài chợ vẫn giữ giá ở mức cao được.

Ngay trong lĩnh vực bất động sản, dù đang đóng băng, nhưng các khu vực đất có giá trị thương mại, đất dân cư vẫn giữ mức cao. Người dân không đủ tiền mặt hay cơ hội để tiếp cận những nguồn nhà đất như vậy được. Vậy tại sao không thể có những giải pháp vận động, hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng mạnh dạn chấp nhận giảm chi phí, tăng cường giao dịch nhà đất, tạo dòng chảy “đất giá rẻ” để kích thích nhu cầu xã hội. Một khi có các khu vực đất giảm giá hợp lý, nguồn nhu cầu xây dựng lại tái thiết, hoạt động sản xuất ở các ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, nội thất… cũng tăng lên. Nguồn lao động xã hội từ đó lại được kích hoạt chứ không thể án ngữ chờ đợi như trong 2 tuần vừa qua đã chứng minh. Mà những chiến lược thay đổi này, rõ ràng không thể chỉ có DN hay một địa phương chủ động làm mà được.

Theo các DN, những kiến giải phân tích như vậy đang đặt ra nhiều gói giải pháp cụ thể hơn cho mỗi nhóm DN, mỗi thành phần kinh tế hay lĩnh vực đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sự lắng nghe, vận dụng để có chính sách hỗ trợ linh hoạt, hiệu quả của nhà quản lý trước vấn đề này thật sự cần thiết. Song, cơ sở của các vấn đề là chính các DN phải tự vận động, tích cực hơn như thế nào để mọi lợi thế hay bất lợi không chỉ là điều nói suông.

Về vấn đề này, ông Ngô Việt Hải tự ví dụ, những đơn vị như DN ông trong năm qua đã rất chủ động có các gói giải pháp cải tổ hiệu quả. Nhất là về cung cách quản lý, DN chủ động phân chia trách nhiệm quản lý, hiệu quả hành động đến tận tổ sản xuất, giao thực quyền điều hành cho các xí nghiệp. Mỗi cá nhân lãnh đạo phải tự phụ trách, tổ chức tốt phạm vi quản lý của mình, chủ động tính toán, đưa ra các kế hoạch cụ thể, ký kết với các khách hàng cụ thể để tìm nguồn tài chính tốt nhất. Tư tưởng ỷ lại, tập trung quyền hành vào một cá nhân lãnh đạo cao nhất hay bộ phận kinh doanh DN theo đó bị xóa bỏ. Đây là nguyên nhân để Cơ điện miền Trung trong năm khó khăn 2008 lại đạt mức vượt lên, phát triển sản xuất tăng gấp 10 lần các năm trước.

Những mô hình tự cải tiến quản lý như vậy, rõ ràng là điều các DN Đà Nẵng cần cùng ghi nhận, để mạnh dạn có được phương án tái tổ chức, bố trí lại lực lượng sản xuất, khai thác tốt nguồn nhân lực lao động trong tay và mở rộng các cơ hội thị trường từ nội lực. Theo ông Huỳnh Văn Chính, có được sự tích cực tự thân vận động, các DN mới có thể tự tin hơn và sáng tạo hơn trước các cơ hội hỗ trợ kích cầu từ Chính phủ, cùng mang lại một xung lực mới cho toàn cảnh nền kinh tế sản xuất địa phương và quốc gia.

Thụy Bất Nhi

;
.
.
.
.
.