.

Gói kích cầu - lợi cả đôi đường

.

Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để SXKD đã thực sự là một “cú hích” quan trọng nhằm vực dậy nền kinh tế đất nước hiện nay. Theo Quyết định này, trong năm 2009, Chính phủ hỗ trợ 4% lãi suất nhằm giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì SXKD và tạo việc làm.

Công ty Cơ khí Hà Giang rất cần sự hỗ trợ về lãi vay để phát triển sản xuất

Ngày 23-1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã có Quyết định 127 về việc hạ lãi suất cơ bản của đồng Việt Nam. Theo đó, mức lãi suất cơ bản mới sẽ là 7%/năm và có hiệu lực vào ngày 1-2. Như vậy, lãi suất cho vay tối đa của các NHTM cũng giảm mạnh, từ 12,75%/năm xuống còn 10,5%/năm. Cả 2 quyết định này không những có lợi cho các DN đang khát vốn, thiếu vốn mà có lợi cho cả ngành ngân hàng.

Vì vậy, ngay sau đó, hầu hết các ngân hàng đã tiến hành các thủ tục sẵn sàng cho DN và các thành phần kinh tế khác vay vốn theo chủ trương trên. Đi đầu là các Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Công thương… Bà Nguyễn Thị Ngân, Tổng Giám đốc Công ty CP phát triển Công nghệ và Tư vấn đầu tư Đà Nẵng (ICTI) phấn khởi nói: “Đây là sự hỗ trợ hiệu quả, tích cực để ICTI nói riêng và các DN khác vượt qua khó khăn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nâng cao vị thế cạnh tranh khi hòa nhập”.
 
Bà cho biết, ICTI luôn phải hoạt động với trên 60% vốn lưu động là vốn vay ngân hàng, nên hằng năm lãi suất phải trả cho ngân hàng cũng khá lớn, ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận và đầu tư phát triển. Bà Phạm Thị Xuân Nguyệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết: Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được coi là một trong những “cứu cánh” cho không riêng gì Công ty CP Dệt may 29-3 mà còn cho hầu hết các DN dệt may khác, khi phải hoạt động với trên 80% vốn lưu động là vốn vay ngân hàng.
 
Việc hỗ trợ gần một nửa lãi suất vay ngân hàng của Chính phủ là sự hỗ trợ đầy hiệu quả. Do vậy, các DN phải tranh thủ và tích cực sản xuất để được hưởng lợi từ quyết định nói trên, phục hồi và phát triển sản xuất.

Mặc dù vậy, việc vay vốn ngân hàng về cơ bản các thủ tục cũng không thay đổi, tức là vẫn phải thế chấp tài sản và các khoản khác như cũ, vì đây là một nguyên tắc có tính pháp lý đối với ngân hàng để thu hồi nợ và bảo toàn vốn. Trong đó, một số ràng buộc mà DN phải chấp hành khi vay vốn được nới lỏng hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là phá vỡ các nguyên tắc khi vay vốn mà ngân hàng đã đặt ra từ lâu nay. Cụ thể, nếu DN không có hợp đồng mua bán hàng, không có hợp đồng xây lắp, thi công công trình… sẽ không có đủ các điều kiện để vay được vốn.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Công thương Liên Chiểu cho biết: Về cơ bản, các thủ tục, điều kiện tín dụng cho vay của ngân hàng đối với DN không có gì thay đổi. Để thực hiện Quyết định 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Công thương Liên chiểu đã tổ chức một bộ phận giúp các DN nằm trong đối tượng được hưởng ưu đãi nhanh chóng hoàn tất các thủ tục khi vay vốn.

Đồng thời, thành lập một tổ công tác chuyên hỗ trợ, thẩm định đối với các DN khi vay và các thủ tục được hưởng ưu đãi để thông báo cho DN vay và giải ngân một cách nhanh nhất. Đến ngày 16-2, ngân hàng này đã làm thủ tục và cho vay với trên 10 DN theo quy định, hầu hết là các DN nhỏ và vừa. Ông Nguyễn Văn Bưởi còn cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm, nhưng việc huy động vốn cũng được triển khai nên luôn có đủ vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN.

Sau khi được hưởng lãi suất ưu đãi, các DN vẫn phải tích cực tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Mặt khác, để Quyết định nói trên thực sự là đòn bẩy kinh tế, các cấp, các ngành liên quan cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là ngành ngân hàng, để các DN nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, mỗi DN cũng phải tự nghiên cứu quyết định và các văn bản hướng dẫn, có kế hoạch vay và sử dụng vốn hợp lý phát triển sản xuất.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.