.

Hòa Xuân - mùa cau ế

.

Dân gian có câu “Được mùa cau, đau mùa lúa…”. Không biết tính chính xác của câu ca đó có đúng với thời điểm này hay không, nhưng về Hòa Xuân (Cẩm Lệ) đầu năm, nhiều nông dân than trời vì mùa cau ế. Hàng trăm buồng cau hái xuống, quả bán được, quả đổ đi, quả còn trên cây thì rực đỏ…

Đâu rồi thời 750 nghìn đồng/buồng cau?

Bao nhiêu công sức trồng ra mà không thu hoạch được.

Buông lời thở dài, ông Kiều Văn Chín, trú tại tổ 8, phường Hòa Xuân, kể: “Tui không nói ngoa, đây là chuyện có thật trong vườn cau nhà ông anh tui. Dạo đó (năm 2006) cau được giá, buồng hái xuống nặng trĩu, quả chi chít. Cả nhà ngồi đếm hơn hai trăm rưỡi quả, tính ra được bảy trăm rưỡi ngàn, mừng hết sức”.

Đó là chuyện của hơn hai năm về trước. Trong vườn nhà những nông dân ở Hòa Xuân, hàng trăm cây cau trổ buồng liên tục mà vẫn không đủ bán. Không cần mang ra chợ, hàng trăm tấn cau được các công ty ở Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế thu mua xuất đi Trung Quốc. Giá bán sỉ cho những người đi thu mua lẻ khoảng 3.500 đồng/trái, có lúc 1kg cau tươi được bán với giá 20 nghìn đồng. Trung bình một cây cau trổ ra 5-6 buồng, mỗi buồng tương đương 5-7kg. Như vậy, một cây cau khỏe mạnh sẽ cho thu hoạch 20 - 30kg cau tươi. Những mùa được giá, hộ nào cũng bỏ túi vài triệu đồng.

Ngoài hộ ông Kiều Niệm, Kiều Văn Chín, còn có hộ ông Kiều Viết Khang, Phạm Phú Khuê, Huỳnh Đức Thìn có thu nhập cao từ cau. Ông Chín cho biết: “Buồng non, buồng vừa đều được cứa sạch trơn. Năm 2006-2007, bà con trồng cau trúng đậm nhất. Họ (người mua) ồ ạt tới, không trả giá kì kèo, mang nài vô chân, rồi tự trèo lên hái. Tụi tui nghe nói, cau mua về xuất khẩu sang Trung Quốc làm chi đó, nhưng hơn năm nay không thấy họ tới mua nữa”. Và, đã vài năm rồi, người dân Hòa Xuân không còn nhắc đến cau như là một cây có giá trị nữa.

“Trầu cau ngắm cảnh”

Phơi thì phơi rứa thôi chứ biết làm chi”.

Ông Kiều Niệm, trú tại tổ 7, khu vực Cổ Mân đang “sở hữu” gần 100 cây cau trong vườn nhà. Trở đi trở lại mấy miếng cau phơi khô trước hiên nhà, ông nói: “Phơi thì phơi rứa thôi, chứ để làm chi, ai mua mà bán. Mấy cụ già bữa ni mấy ai ăn trầu nữa mô mà cho. Răng mà không xót, trồng và chăm bón cả 5 năm trời mới cho thu hoạch, tới khi trổ buồng thì không bán được. Chừ để mà ngắm cảnh cho vui”.
Theo những hộ trồng cau, từ lúc ươm hạt cho đến khi bán trái phải 5-6 năm. Không quá công phu nhưng phải sửa soạn cho chúng như chăm những chồi non yếu ớt.

Đáng lẽ ra từ tháng 9, 10 dương lịch đến sau Tết trở đi, người trồng cau phải vui vì những tháng này là mùa thu hoạch chính. Thế nhưng… Chỉ tay lên cây cau chừng 6-7 năm tuổi, trái đỏ rực, anh Trần Thu (trú tổ 15) không giấu vẻ xót xa: “Có ai mua mô mà bán. Rụng tả tơi cả vườn mà có ai hỏi han chi. Giá rẻ quá, nhiều khi không muốn bán. Tiếc quá, đổ đi không đành mà đem ươm thì lấy đất mô mà trồng. Nhưng rồi đành trồng lại bán 5 nghìn/cây giống cũng được”. Để vớt vát lại công sức, hộ anh Trần Thu chuyển sang ươm giống cau cảnh. Loại cau tứ quý (4 mùa) anh cung cấp cho các nhà vườn, biệt thự với giá vài triệu đồng/cây.

Nói tới cây cau, có lẽ chỉ Hòa Xuân là phường còn lại diện tích cau lớn nhất, nhì thành phố. Là cây ngắn ngày, không quá khó trồng và chiếm ít diện tích trồng trọt nên dù xót xa với công sức, mất đi nguồn thu, dù không phải là chính, nhưng nhiều nông dân vẫn cương quyết không chặt đi với hy vọng những mùa sau, biết đâu cau được giá trở lại. Nghe niềm lạc quan của nông dân mới thấy trồng cây chờ ngày hái quả thật lắm gian nan.

 
Theo ông Phạm Đức Cấn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Xuân:

“Hiện toàn phường có hơn 1.000 cây cau cho trái. Nhà trồng ít cũng trên dưới 50 cây, nhà nhiều thì 200 - 300 cây. Sản lượng trung bình khoảng 25 tấn, với giá thấp như năm nay, chừng 1.500 đồng/kg, chỉ cho thu nhập 40 triệu đồng/năm”.

 

Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.