(ĐNĐT) - Đúng 9 giờ 25 phút ngày 26-2, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh phát lệnh hợp long cầu Thuận Phước, chiếc cầu dây võng số một Việt Nam.
Hầu như tất cả mọi người đều lặng im, hướng ánh mắt về vị trí dầm cầu cuối cùng từ từ nâng lên ngang với bề mặt cầu. 1 phút, 2 phút… rồi 5 phút, dầm cầu thứ 69 - dầm cuối cùng của cầu Thuận Phước được đặt đúng vào vị trí. Đồng loạt tất cả mọi người vỗ tay reo vui mừng sự kiện cầu Thuận Phước chính thức hợp long, nối đôi bờ sông Hàn nơi cửa biển.
Đến chia vui với chính quyền và nhân thành phố nhân sự kiện này, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Truởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Trần Văn Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành thành phố; cán bộ, kỹ sư, công nhân Viêt Nam và Trung Quốc cùng đông đảo người dân thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh phát lệnh hợp long cầu Thuận Phước. Ảnh: V.Phương |
Chúc mừng sự thành công của công trình với lãnh đạo và công nhân Công ty Cầu 7 Trung Quốc, đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao sự nỗ lực của tập thể chuyên gia, kỹ sư và công nhân đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thành tốt công trình, bảo đảm kỹ thuật và mỹ thuật. Đồng chí mong rằng trong thời gian đến, không những Công ty Cầu 7 mà còn có nhiều công ty giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường của Trung Quốc sẽ đến với Đà Nẵng và nhiều địa phương khác để thực hiện những công trình mới.
Các đồng chí lãnh đạo thăm cầu Thuận Phước sau lễ hợp long. Ảnh: Thục Yên |
Thay mặt công ty, ông Hoàng Cường, Giám đốc Công ty Cầu 7 Trung Quốc, cám ơn sự quan tâm của Trung ương và thành phố Đà Nẵng trong suốt quá trình thi công cầu vừa qua. Ông Cường cũng khẳng định, trong quá trình thi công cầu Thuận Phước, nếu không có sự hợp tác và hỗ trợ tích cực này, đơn vị khó có thể thành công. Công ty Cầu 7 sẽ quyết tâm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành những phần việc còn lại, sớm thỏa ước mơ được đi lại trên chiếc cầu dây võng của thành phố Đà Nẵng.
Đông đảo người dân thành phố cùng chung niềm vui ngày cầu Thuận Phước hợp long. Ảnh: V.Phương |
Niềm vui ngày cầu Thuận Phước hợp long cũng lan tỏa trong cộng đồng dân cư thành phố, nhất là đối với bà con thuộc hai phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) và Thuận Phước (quận Hải Châu). Ở tuổi 77, dù đi lại rất khó khăn nhưng từ sáng sớm, bà Lê Thị Bòng, trú tổ 40 phường Thuận Phước, đã có mặt tại cầu để chờ đợi giây phút hợp long. Bà tâm sự: “Tôi già rồi, cứ sợ không có dịp đi trên chiếc cầu này. Vậy mà giờ đây được đứng ngay trên chiếc cầu này, thật hạnh phúc”.
Còn ông Nguyễn Thành Quân ở phường Thọ Quang tỏ ra nuối tiếc vì không được lên giữa cầu, nhưng cũng không giấu được niềm vui: “Theo dõi cầu từ khi mới khởi công, nhiều lúc tôi cũng “giận” vì thấy tiến độ chậm quá. Nhưng sáng nay đọc Báo Đà Nẵng mới hiểu vì sao, thế là tôi nói đứa cháu chở qua đây để xem cho biết. Chừ thì Thọ Quang hay Phước Mỹ gì chỉ cần vài phút là qua đến Thuận Phước thôi”. Ông cười mãn nguyện.
Cầu Thuận Phước đã hợp long. Ảnh: Thục Yên |
Gần như là người cuối cùng rời cầu sau lễ hợp long, ông Phạm Giác, công nhân Công ty Xây dựng 623, cứ cười suốt khi trò chuyện với chúng tôi: “Tôi có mặt tại công trình này đúng vào thời điểm đang thi công hố trụ phía đông. Thú thực, vài chục năm trong nghề, vậy mà chưa bao giờ tôi thấy nản như những ngày đầu làm việc tại đây. Cả trăm con người cùng những thiết bị rất hiện đại, vậy mà có thời điểm công việc gần như không tiến được bao nhiêu. Vì thế, giờ đây đứng trên cầu này, nhìn những nhịp cầu nối thẳng qua bên kia sông, làm sao không mừng cho được”.
Đà Nẵng, ngày cuối tháng 2 thật đẹp với nắng vàng, gió nhẹ. Rất nhiều người nán lại chụp hình kỷ niệm chiếc cầu dây võng như dải lụa vắt qua cửa sông Hàn, chiếc cầu minh chứng cho lòng quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố, sự nỗ lực không biết mệt mỏi của những người thi công trên công trường và cả sự gửi gắm, kỳ vọng của người dân thành phố Đà Nẵng về sự phát triển mạnh mẽ của quê hương trong thời gian tới.
Trần Luân Sơn