.

Kết nối đường đến tương lai

.

Vậy là kể từ ngày 26-2-2009, người dân bán đảo Sơn Trà đã có thêm một niềm vui mới, khi dáng dấp cây cầu Thuận Phước đã trở thành vạch cung hoàn chỉnh và chính thức công bố hợp long. Cánh cửa giao thông ở hai bờ sông Hàn theo đó đã mở rộng thêm, kéo theo hàng loạt vấn đề giao thương, tiện ích xã hội, phát triển hạ tầng đô thị sẽ gia tăng nhanh chóng.

Lễ hợp long cầu Thuận Phước (26-2- 2009). Ảnh: VĂN PHƯƠNG

Một lần nữa, câu chuyện phát triển đô thị biển Đà Nẵng lại trở thành đề tài sôi nổi trên nhiều diễn đàn truyền thông. Nhất là về giấc mơ lộ trình du lịch ven biển miền Trung, động lực thay đổi kinh tế du lịch Đà Nẵng, quả đã biến thành hiện thực.

Còn nhớ cách đây 9 năm, tại một hội thảo bàn về du lịch miền Trung, Tổng cục Du lịch lúc đó đã phác thảo dáng dấp vành đai con đường ven biển chạy dọc các tỉnh duyên hải miền Trung. Trong đó, khả thi nhất là đoạn đường chạy từ Huế vào Lăng Cô, vượt đèo Hải Vân xuôi vịnh Đà Nẵng qua Sơn Trà vào đến tận Hội An. Đã có người cho rằng ý tưởng đó thật hay song khó làm được, vì địa hình ven biển không dễ dàng.

Thế rồi theo thời gian, người ta đã chứng kiến hầm Hải Vân khai thông, đường Nguyễn Tất Thành nên hình, xích dần khoảng cách từ Lăng Cô vào biển Thanh Bình. Rồi tuyến đường ven biển Sơn Trà chuyển động, nối dài vào tận bãi tắm Hà My, rút ngắn cự ly từ Hội An ra bãi Rạng. Còn bây giờ, đến lượt cầu Thuận Phước hợp long, nối liền khoảng cách 1.850 mét qua cửa vịnh Đà Nẵng, đã chấm dứt mọi băn khoăn còn lại với phác thảo ngày nào.

Một ngày không xa, du khách sẽ dạo qua Đà Nẵng từ tầm nhìn ven bờ biển, hứng thú chạy xe một mạch từ Lăng Cô vào Hội An không phải qua nội thị, mặc sức thưởng ngoạn sóng và gió đại dương từ các resort, bãi tắm bên đường. Bến cảng Tiên Sa sẽ không chỉ gói gọn với những tàu hàng, mà còn hẹn ước được với mọi tuyến hải trình du lịch, du khách có thể an tâm không phải mất công vòng vào cầu Sông Hàn như trước.

Cửa biển Đà Nẵng sẽ có thêm điểm nhấn tham quan mới, từ đài tháp cao 92 mét của cầu Thuận Phước phóng mắt về những phố Đà Nẵng lên tầng ở phía sông Hàn, và cả một đô thị Mặt Trăng Xanh sẽ nên hình cuối vịnh. Đặc biệt, cả một hệ sinh thái cảnh quan nguyên sinh núi Sơn Trà với những điểm nhấn khai thác lữ hành, du lịch sẽ thêm gần với người dân Đà Nẵng, cho phép Đà Nẵng mạnh dạn nghĩ đến những cơ hội thay đổi môi trường du lịch nơi đây.

Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng thổ lộ rằng, khó có thể nói hết ngay những bất ngờ mà nhịp cầu Thuận Phước trải ra trước mắt các đơn vị lữ hành, khai thác du lịch địa phương. Điều họ cần làm ngay sau sự kiện hợp long cầu Thuận Phước, là hãy định hình những suy nghĩ mới để không bỏ qua cơ hội cho mình.
 
Chí ít ra, ngay từ tháng 3 đến, Đà Nẵng đã có quyền đặt tour du lịch mới từ Sơn Trà đi Bà Nà trong vòng vài mươi phút, để bắt đầu chào gọi khách gần xa. Du khách sẽ chỉ cần lên bến Tiên Sa là có xe đưa thẳng đến cầu An Lợi, ngồi cáp treo đi thẳng lên ngang đỉnh Núi Chúa. Với biên độ khoảng cách hơn 450 mét không gian thẳng đứng như vậy, ai có thể từ chối không dám thử một lần? Mà đã như vậy, hành trình dọc đường đi, Đà Nẵng nên có bao nhiêu điểm cơ hội chào đón bất ngờ khác?

Đà Nẵng đã phác họa tầm nhìn sức mạnh cho ngành du lịch và khai thác kinh tế biển từ du lịch non 10 năm qua. Những đầu tư để khơi thông tiềm lực giao thương, chính trị-xã hội của thành phố ít nhiều đều liên quan đến mũi nhọn kinh tế tương lai này. Vì thế, với 960 tỷ đồng đầu tư nhịp cầu vượt biển Thuận Phước, thành phố thực sự nâng tầm cơ hội du lịch địa phương thêm một bước, nâng tầm nhìn khai thác kinh tế Đà Nẵng thêm một tầm cao đầy hãnh diện và tự tin. Con đường vươn lên thành tâm điểm kinh tế và giao thương miền Trung của Đà Nẵng thực sự đã “hợp long” cùng giấc mơ của người Đà Nẵng!

THỤY BẤT NHI

;
.
.
.
.
.