.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ

Cầm cự trong năm 2009

.

Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, năm 2009 được dự báo là sẽ rất khó khăn cho ngành công nghiệp (CN) Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới là thị trường chủ yếu của các DN tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài như Nhật, Mỹ và châu Âu (EU) đều tiết giảm chi tiêu, hạn chế tiêu dùng.

Ngành Giày da vẫn là một ngành công nghiệp chủ lực của thành phố hiện tại, cũng như lâu dài. TRONG ẢNH: Một trong nhiều dây truyền thu hút nhiều lao động  của Công ty Hữu nghị Đà Nẵng.

Đặc biệt là dệt may, giày da, hải sản và một số mặt hàng tiêu dùng khác là mặt hàng chủ lực của ngành CN thành phố, chiếm tới gần 70% lao động của ngành này. Theo đánh giá của Bộ Công thương, tháng đầu năm 2009, sản lượng của ngành CN sụt giảm từ 25% đến 49% so với tháng 1-2008, ở nhiều địa phương trọng điểm CN của cả nước, trong đó có Đà Nẵng.

Do dự báo được xu thế này và để hạn chế hậu quả của khủng hoảng, hầu hết các nước trên thế giới đã chi hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ USD để kích cầu và hỗ trợ cho các ngân hàng, các tập đoàn kinh tế lớn của mình nhằm cứu vãn và phục hồi nền kinh tế. Trong đó ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã có hàng loạt các giải pháp hữu ích như miễn giảm thuế cho các DN, hỗ trợ nhiều gói kích cầu lớn... nhằm hạn chế hậu quả của khủng hoảng và giữ vững ổn định sản xuất.
 
Tuy nhiên, do các DNCN sản xuất hàng xuất khẩu của VN phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nước ngoài nên những giải pháp tích cực của Chính phủ và của thành phố cũng chỉ giải quyết được phần nào khó khăn trước mắt cho các DN mà thôi. Thị trường lao động ế ẩm vào những ngày đầu năm đã phần nào phản ánh bức tranh toàn cảnh không mấy khả quan của ngành CN năm 2009, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Do các khu kinh tế lớn như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh... - nơi thu hút nhiều lao động của khu vực miền Trung - cắt giảm lao động nên một lượng lớn lao động đổ về Đà Nẵng. Tuy nhiên, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại các KCN phải ngừng sản xuất, sa thải công nhân như Công ty Giày da Kim Quốc Bảo với 1.400 lao động đã chính thức đóng cửa (trước Tết Kỷ Sửu giảm 740 công nhân, còn lại 660 công nhân sau Tết Kỷ Sửu cũng nhận được thông báo công ty ngưng hoạt động hẳn), hoặc trước Tết Công ty TNHH Knitwear (KCN Hòa Khánh ) chuyên sản xuất mặt hàng dệt kim cũng thông báo ngưng hoạt động và gần 900 lao động sẽ lâm vào tình cảnh mất việc…
 
Một số doanh nghiệp trong nước tuy có việc làm, nhưng cũng chỉ bảo đảm việc làm cho công nhân của mình, nên cũng không thu hút được số lao động dôi dư này. Một số DN có khả năng thu hút thêm lao động do có thêm đơn hàng mới như Công ty CP Giày Hữu Nghị, Công ty CP Dệt may 29-3 và một số DN chế biến hải sản khác nhưng do hạn chế về tay nghề mà nhiều công nhân có nhu cầu việc làm lại không đáp ứng được yêu cầu của DN. Vì vậy có một nghịch lý là các DN trên thông báo tuyển lao động, nhưng vẫn không tuyển đủ, còn nhiều người lao động vẫn không có việc làm.

Ông Trần Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Giày Hữu Nghị cho biết, mặc dù hiện công ty có đủ việc làm cho công nhân và nhiều đơn hàng gấp phải tuyển thêm lao động, tuy nhiên ông Sơn cũng cho biết là thị trường còn rất nhiều bất trắc, không thể nói trước được điều gì. Theo ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 thì việc tuyển dụng lao động của công ty trong thời gian vừa qua là do có đơn hàng gấp đến hết tháng 5-2009, nhưng những tín hiệu khả quan cho ngành dệt may nói riêng và ngành CN nói chung trong năm 2009 vẫn phải chờ sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Đây cũng là nhận định chung của lãnh đạo các DN thành phố đang có đủ việc làm cho công nhân.

Việc xúc tiến mạnh mẽ kích cầu và hỗ trợ của Chính phủ các nước có nền kinh tế lớn tuy chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhưng với việc giá xăng dầu trở lại bình thường như trước khi có khủng hoảng và việc giảm giá hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng... cho thấy khả quan nhất về sự phát triển ổn định trong năm 2009 là các DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, nhất là các ngành hàng thuộc lĩnh vực vật liệu xây dựng, bởi theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, năm 2009 sẽ là năm của ngành xây dựng, do rất nhiều vật tư chính là xi-măng, sắt thép, gạch... đã giảm giá mạnh và tồn kho nhiều.

Chẳng hạn như giá thép đã giảm gần 40% so với giữa năm 2008, vì thế nhiều công trình bị hoãn lại của các năm trước và các công trình đang thi công dở dang, kể cả của Nhà nước và tư nhân, sẽ được khởi công hoặc xây dựng trở lại trong năm 2009. Thậm chí, để tiêu thụ hết lượng xi-măng tồn kho và tạo điều kiện cho ngành này phát triển, Chính phủ đã chỉ đạo cho ngành giao thông vận tải nghiên cứu làm đường bê-tông thay cho việc làm đường có thảm nhựa như hiện nay.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho các DNCN của thành phố ổn định sản xuất trong thời gian chờ hiệu quả từ các chính sách của Chính phủ đối với nền kinh tế, ngoài việc nỗ lực của các DN trong việc tìm kiếm các thị trường mới thì sự hỗ trợ của thành phố, của ngành ngân hàng... như giãn nợ và các chính sách ưu đãi khác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ngành CN vượt qua cuộc khủng hoảng đầy khó khăn này.

Về lâu dài, cần có đổi mới trong công tác đào tạo, ưu tiên cho các lĩnh vực đào tạo công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật và các ngành mà sản phẩm có hàm lượng chất xám cao để tránh việc sa thải công nhân (lao động phổ thông, hoặc lao động đào tạo ngắn hạn) một cách tùy tiện như hiện nay của nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài, gây nhiều bất ổn cho thị trường lao động.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

 

;
.
.
.
.
.