.
SAU TẾT

Hàng ăn uống giá cao

.

Sau Tết, các hàng ăn uống mở cửa chưa nhiều và thực khách buộc phải trả tiền cao gấp rưỡi, gấp đôi,  ngày thường. Điều đáng nói, cũng như những năm trước, qua thời điểm Tết, nhiều quán ăn lợi dụng hình thành khung giá mới.

Dịch vụ ăn uống “hốt bạc” trong dịp Tết!

Thực đơn của những quán cà-phê, phòng trà, bar giải trí... trên địa bàn thành phố trong mấy ngày vừa qua không có gì thay đổi. Chỉ khác ở chỗ, các chủ quán dán thêm một thông báo nho nhỏ trên list thực đơn: “Thông báo giá tính tiền trong dịp Tết.” Cà-phê Phố Xưa (đường Phan Đình Phùng) công khai giá thức uống đắt hơn trước Tết từ vài ngàn đến hơn 10 nghìn đồng mỗi loại. Nhẹ nhất như cà-phê đen đá cũng 24 nghìn đồng/ly.

Những món bình dân phục vụ các bạn trẻ như ốc hút từ 20-25.000 đồng tăng lên 60.000 đồng/dĩa (ốc hương) và 15-20.000 đồng tăng lên 50.000 đồng/dĩa (ốc nhảy). So với mấy địa chỉ ăn uống khác, những quán này còn khá “tử tế” với khách hàng vì đồ uống được niêm yết giá. Hàng ăn uống bán rong tại các khu vui chơi cho trẻ em không có giá cố định, người bán thản nhiên xem mặt thu tiền của các cháu. Mồng 5 Tết, khu vực Công viên 29-3, một đĩa bánh lọc trần tăng gấp đôi với 12 nghìn đồng, một ổ bánh mì có nhân 10 nghìn đồng, nước ngọt 8 nghìn đồng/chai.

Tranh thủ mở hàng sớm từ ngày mồng 4 Tết, nhiều quán nhậu trên đường 2-9, Hải Phòng, Sơn Trà - Điện Ngọc không ngần ngại nâng giá đồ ăn từ 15-30 nghìn đồng/món. Ví dụ, một đĩa xà lách  trộn trước Tết chỉ 35-40 nghìn đồng, giá mới là 60 nghìn đồng. Các loại thức ăn hải sản tăng gần gấp đôi vì sau Tết, nhiều tàu thuyền chưa ra khơi đánh bắt.
 

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 năm 2009 tăng khoảng 0,32% so với tháng 12-2008. Trong đó, 3 nhóm hàng được coi là có mức tăng cao nhất gồm thuốc lá, đồ uống giải khát, mũ nón - giày dép. Thực phẩm và dịch vụ ăn uống có mức tăng khoảng 0,39%.

Nhận định của nhiều nhà kinh tế trong nước, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 này không cao lắm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người dân không mạnh tay chi tiêu  trong dịp Tết cổ truyền 2009.

Một đĩa tôm hấp 200 nghìn đồng/kg, cá mú 300-350 nghìn đồng/kg. Không nhiều quán bún, mì, phở phục vụ ăn sáng, nên một tô bún giò, xương thường ngày 12-15 nghìn đồng, nay tăng lên 20-30 nghìn đồng/tô. Một khách hàng chép miệng than phiền đắt đỏ, nhân viên phục vụ quán bún chả cá trên đường Lý Thái Tổ nói ngay: “Mấy ngày Tết, quán ăn đều đóng cửa nghỉ hết. Ít người bán thì giá phải cao để bù lại tiền trả công phục vụ chứ”.

Lác đác một vài quán cơm phục vụ sinh viên đã hoạt động. Những sinh viên về ăn Tết cùng gia đình nay quay trở lại trường loay hoay tìm quán cơm bụi. Giá cả được đà tăng đáng kể. Thông thường một suất ăn bình dân chỉ khoảng 10 nghìn đồng, nhưng sau Tết cũng từng đó cơm, đồ ăn nhưng giá 20 nghìn đồng. Chị chủ quán cơm gần Trường Đại học Kinh tế, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, giải thích:

“Chợ đầu năm không mấy người bán nên đồ đắt lắm em ơi. Chị đâu dám mua nhiều, chỉ mua đủ phục vụ sinh viên là chính, sợ tụi nó không có chi mà ăn. Thôi, ráng chờ mấy ngày nữa, đồ ăn rẻ là chị giảm giá liền”. Tuy nhiên, lời hứa của chị chủ quán không biết đến bao giờ mới thành sự thật khi giá thịt, cá biển, cá đồng y nguyên như ngày 29, 30 Tết. Giá dịch vụ ăn uống và một số dịch vụ khác sau Tết nhìn chung chưa giảm. Tuy nhiên, giá sẽ giảm dần nhưng rất khó trở lại khung giá cũ.   


Bài và ảnh: DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.