.

Sửa ô-tô - nghề đang thịnh

.

Tách ra từ HTX dịch vụ vận tải ô-tô đường bộ Liên Chiểu hơn 3 năm nay, tuy nhiên HTX ô-tô Liên Chiểu đã có vị trí khá vững chắc trên thị trường sửa chữa ô-tô tại thành phố Đà Nẵng. Ông Trần Nhật Ninh, Chủ nhiệm HTX tự tin cho biết: “Chúng tôi liên tục tuyển thêm thợ, nhưng vẫn không làm kịp yêu cầu của khách hàng.
 

Lắp đặt thùng mới cho xe tải tại HTX ô-tô Liên Chiểu.

Hiện nay, HTX có 47 thợ với đủ các trình độ, từ thợ hàn, thợ máy đến kỹ sư cơ khí, kỹ sư thủy động lực… Với đội ngũ thợ hiện có, HTX nhận làm tất cả các yêu cầu của khách hàng, từ sửa chữa đơn giản như phần lạnh, sơn, tút thân xe đến đóng mới thùng xe, đại tu, lúc nào cũng có trên 20 xe đang sửa chữa. Nhờ vậy, doanh thu của HTX liên tục tăng, khởi đầu chỉ hơn 1 tỷ đồng thì đến năm 2008 vừa qua, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng”.

Nhận định về thị trường sửa chữa ô-tô trên địa bàn, ông Trần Nhật Ninh cho biết: “Hơn 5 năm trước, chúng tôi đã nhìn ra vấn đề này, vì thế mới quyết định tách ra khỏi HTX dịch vụ vận tải ô-tô đường bộ Liên Chiểu để trở thành đơn vị chuyên thực hiện dịch vụ sửa chữa ô-tô. Đơn giản vì tại thành phố Đà Nẵng và các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng  Ngãi và Thừa Thiên-Huế, số lượng ô-tô đăng ký mới liên tục tăng hằng năm.
 
Trên thực tế đã chứng minh nhận định này của chúng tôi là chính xác”. Theo một thợ cơ khí của HTX này, chỉ riêng việc sửa chữa thùng xe bị hư hỏng do TNGT, hoặc va quệt trong lúc tập lái cũng đem đến cho HTX rất nhiều công việc. Riêng phần đại tu, sửa chữa động cơ thì gần như sôi động suốt cả năm.

Dịch vụ sửa chữa ô-tô đang phát triển. Ông Nguyễn Văn Thành - người đang chuẩn bị mở thêm một ga-ra sửa chữa ô- tô trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cho hay: 30 năm trong nghề sửa chữa ô-tô, chưa bao giờ ông lại có nhiều khách hàng như hiện nay. Cơ sở sửa chữa ô-tô của ông tại KCN Hòa Khánh luôn trong tình trạng quá tải vì khách hàng quá đông.
 
Chính vì vậy, ông quyết định mở thêm một cơ sở nữa trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để cho người con trai quản lý. Với quy mô vừa phải, mỗi cơ sở sửa chữa ô-tô chỉ cần đầu tư khoảng 1 tỷ đồng, vừa nhà xưởng và thiết bị là có thể hoạt động được. Cái cần nhất là tay nghề của đội ngũ thợ, nhưng điều này thì ông không lo. Nếu có lượng khách ở mức độ trung bình, chỉ cần hai năm là lấy lại vốn. Còn từ năm thứ ba trở đi, bảo đảm mỗi tháng trừ hết các chi phí, ít ra cũng kiếm được trên 30 triệu đồng.

Cũng xuất phát từ điều này mà hiện nay rất nhiều cơ sở sửa chữa ô-tô có thâm niên trong nghề tại thành phố Đà Nẵng đang gặp phải vấn đề “chảy máu” thợ có tay nghề cao. Nhiều người có vốn đã lập cơ sở sửa chữa ô-tô, nhưng lại thiếu thợ lành nghề nên sử dụng cách tăng lương để thu hút thợ có tay nghề về cơ sở mình. Theo ông Đinh Văn Bảy, một chủ cơ sở chuyên sửa hệ thống lạnh cho xe ô-tô, đầu năm 2008, lương thợ chính 1,8 triệu đồng (bao ăn trưa, nếu làm sau 17 giờ, mỗi tiếng đồng hồ trả 30 nghìn đồng), nhưng hiện nay, một thợ sửa điện lạnh ô-tô có tay nghề, lương ít nhất mỗi tháng phải từ 2,2 triệu đồng trở lên.

Những năm gần đây, trên địa bàn thành phố mỗi năm có thêm hàng chục nghìn xe ô-tô đăng ký mới. Đó là chưa kể một lượng lớn xe từ các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế thường đưa đến Đà Nẵng để sửa chữa. Đây có thể nói là điều kiện cần để nghề sửa chữa ô-tô tại thành phố phát triển. Vấn đề còn lại nằm ở chính bản thân các cơ sở sửa chữa ô-tô là phải biết tranh thủ cơ hội để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sửa chữa, chứ không đơn thuần chạy theo việc mở thêm cơ sở mới.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.