.

Bức tranh sáng nông thôn Đà Nẵng

.

Tôi trở thành hướng dẫn viên du lịch không chuyên kể từ năm 2000 - hồi mấy người cùng quê chọn Đà Nẵng là điểm đến trong hành trình về phương Nam. Tôi đưa những người lần đầu tiên đến Đà Nẵng rong ruổi 2 ngày hết phố xá về đồng quê rồi ngược núi lên Bà Nà - Núi Chúa. Đến đâu, ai nấy đều tròn mắt ngạc nhiên trước sự bề thế của thành phố Đà Nẵng trẻ trung và năng động. Thế rồi, từ đó đến nay, năm nào cũng vài ba chuyến đưa các đoàn từ quê vào Đà Nẵng thăm thú đó đây.

Tại Công ty May mặc xuất khẩu ở xã Hòa Tiến.

Gần cuối tháng 3 năm nay, tôi may mắn được đoàn cán bộ ở một huyện trung du xứ Nghệ nhờ đưa tham quan học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế trang trại và xây dựng nông thôn theo hướng đô thị ở Đà Nẵng. Được dịp “trổ tài”, tôi cùng họ bám địa bàn huyện Hòa Vang, từ các xã đồng bằng đến trung du, miền núi. Điểm đến đầu tiên là xã Hòa Tiến. Xe vừa rẽ qua đường ĐT 605 chừng trăm mét, mọi người đã yêu cầu dừng lại.

Tôi chưa hiểu ra chuyện gì, họ đã nói: “Nông thôn sao mà có đường rộng thênh thang, thẳng tắp, thảm nhựa phẳng lỳ như vậy. Còn dàn đèn đường cao áp nữa chứ”. Ai nấy trầm trồ khen con đường nông thôn quá đẹp. Từ con đường ấy, họ phóng tầm mắt về các làng quê thanh bình, trù phú của xã Hòa Châu và các cánh đồng xanh ngắt như thảm lụa. Một người nói: “Nghe danh về Đà Nẵng từ lâu, nay mới thấy ở đây không chỉ phố xá hiện đại, quy củ mà nông thôn cũng khang trang, bề thế”.

Tôi liền giải thích: “Đây là bước khởi đầu quá trình đô thị hóa nông thôn. Con đường này vừa hoàn thành cách đây không lâu. Không chỉ đường này mà nông thôn Đà Nẵng còn nhiều con đường cũng to đẹp không kém. Riêng ở địa bàn huyện Hòa Vang này, ít nhất 300km đã thâm nhập nhựa và bê-tông hóa. Lớn nhất phải kể đến đường ĐT 602 từ Hòa Khánh đi Bà Nà rộng 15m vừa hoàn thành”.

Đoàn dừng khá lâu ở khu chăn nuôi tập trung của thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến. Tại trang trại chị Ngô Thị Chúc, ai nấy ngỡ ngàng khi biết rằng đàn heo 700 con ấy là của một gia đình và chỉ có 3 người chăm sóc. “Trại này thuộc diện quy mô nhỏ. Ở Đà Nẵng, có trại tổng đàn lên tới 6.000 con cơ đấy. Nếu tính từ 500 con trở lên, ở thành phố này có tới 14 trang trại như vậy”, tôi giúp họ thêm thông tin về lĩnh vực chăn nuôi. “Còn gia cầm, nuôi 27-30 nghìn con gà đẻ trứng/trại cũng nhiều”. Một số người lấy sổ ghi chép, có người đưa máy ảnh kỹ thuật số ra bấm.

Nông dân xã Hòa Tiến trồng cây làm thuốc.    
Rời Hòa Tiến, tôi dẫn đoàn ngược Phú Túc. Chả là họ muốn biết đời sống đồng bào Cơtu và lên thăm khu du lịch sinh thái Suối Hoa. Xuôi đường 14B, vừa chớm địa bàn xã Hòa Phong, mọi người dừng lại. Cảnh sắc và kiến trúc của Trung tâm Hành chính huyện Hòa Vang níu chân họ. Tại thôn Phú Túc, lần đầu tiên đến nơi đồng bào Cơtu sinh sống, không ít người thích thú trước cảnh sắc nơi đây.

Những ngôi nhà đúc san sát hai bên đường nhựa phẳng lỳ. Không ai nhận ra đó là làng của người dân tộc thiểu số. Chỉ khi nhìn thấy nhà rông truyền thống uy nghi mới giúp họ tin Phú Túc chính là thôn của đồng bào Cơtu, bởi tại đó, mọi người đều nói tiếng Kinh, nhà xây như của người Kinh dưới xuôi, nhiều nhà có ti-vi, tủ lạnh, xe gắn máy. “Không ngờ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở đây khá như vậy”.  Nhiều người bộc lộ nỗi niềm sau mấy chục phút ghé qua thôn Phú Túc, xã Hòa Phú.

Hơn 30 phút đến với Khu du lịch sinh thái Suối Hoa, nhưng ai nấy trong đoàn đều vỡ ra nhiều điều về kinh tế trang trại ở Đà Nẵng. Không ít người ngạc nhiên khi nghe ông chủ trang trại cho biết đã đầu tư 15 tỷ đồng để xây dựng cơ ngơi vừa là trang trại vừa du lịch sinh thái. Hiện tại ở đây đang nuôi 200 con heo rừng và lai rừng, trồng 30ha keo lai, 1ha tre lấy măng và cơ sở hạ tầng khu du lịch sinh thái đủ khả năng đón tiếp 5-6 nghìn khách/ngày, tự sản xuất điện sinh hoạt.

Một trang trại nuôi heo rừng ở xã Hòa Ninh.

Vòng qua Bà Nà, theo đường nhựa xuyên qua những cánh rừng keo xanh tốt, ai nấy lại trầm trồ khen kinh tế rừng của Đà Nẵng. Đến trại đà điểu của Công ty TNHH Minh Hưng, mọi người dừng lại khá lâu xem loài vật có nguồn gốc từ châu Phi này...

Nông thôn Đà Nẵng - bức tranh sáng, đó là câu của ông trưởng đoàn nói với tôi khi chia tay. Ông không khỏi ngạc nhiên khi tôi cung cấp thêm một số thông tin về nông thôn Hòa Vang như: 100% hộ được dùng điện lưới quốc gia, 100% trung tâm hành chính xã tầng hóa, 100% trường học, trạm y tế xây dựng cơ bản khang trang, khoảng 97% nhà ở xây dựng cơ bản, toàn bộ mạng lưới giao thông nông thôn đã thâm nhập nhựa và bê-tông hóa. Chỉ trong 5 năm (2003-2008) đã xây mới 1.937 ngôi nhà thuộc chủ trương xóa nhà tạm và giảm 5.695 hộ nghèo. Hiện tại trên địa bàn huyện thuần nông này chỉ còn 743 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,1% (theo chuẩn cũ)...
 
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.