.

Cần quản lý tốt các điểm giữ xe

.

Thời gian gần đây, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Kỷ Sửu, người dân ở Đà Nẵng rất bức xúc trước việc các điểm dịch vụ giữ xe thu tiền cao gấp nhiều lần so với giá quy định. Nhất là vào các dịp lễ hội, các chủ bãi giữ xe ngang nhiên tăng giá để móc túi khách hàng theo kiểu “đục nước béo cò”. Vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng chưa có đơn vị hữu trách nào ra tay kiểm tra, xử lý.

Vào thời điểm “nhạy cảm” lòng đường cũng trở thành nơi giữ xe... giá cao.

Trong những ngày Tết vừa qua, bất cứ ai khi có công chuyện hoặc vui chơi, mua sắm ở khu vực chợ Cồn, chợ Hàn, Big C, Công viên 29-3, Trung tâm triển lãm... đều phải chịu chi trả một khoản phí giữ xe đến 5.000 đồng/xe máy loại thường; 8.000 đồng đến 10.000 đồng/xe máy tay ga; 30.000 đồng đến 50.000 đồng/ô-tô tùy theo lớn nhỏ...

Nếu có ai đó tỏ ý khó chịu hoặc thắc mắc về giá giữ xe thì ngay lập tức nhận được câu trả lời từ phía những người giữ xe rằng: “Chỉ những ngày đặc biệt mới có giá như thế này...”, hoặc là “Tết nhất, chúng em đấu thầu chỗ giữ xe này đâu có rẻ như ngày thường...”. Thực tế như vậy, nhưng ở nhiều điểm giữ xe, mọi người vẫn thường thấy trưng lên tấm bảng niêm yết giá quy định chỉ 500 đồng/xe đạp và 1.000 đồng/xe máy.
 
Những ngày gần đây, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát ở nhiều điểm giữ xe thường xuyên tại các chợ và bệnh viện. Làm khách đi gửi xe ở những điểm giữ xe này, chúng tôi đều phải trả giá giữ xe cao gấp 2 đến 3 lần so với giá quy định. Một người giữ xe ở Bệnh viện Đà Nẵng cho hay: “Giá niêm yết là một việc, còn thu tiền là một việc, thời buổi đắt đỏ này 1.000 đồng/xe máy thì ăn cái chi? Với lại làm cực khổ thế này chứ mất một chiếc xe của khách là công toi...”.

Việc tăng giá giữ xe gấp 2 đến 3 lần giá quy định cũng chỉ được các chủ bãi áp dụng vào ban ngày. Nếu ai đó có nhu cầu gửi xe qua đêm thì giá cả còn tăng gấp nhiều lần so với giá quy định. Nhiều người cảm thấy rất bực bội vì chuyện ép giá này, thế nhưng do cần kíp công việc nên đành chấp nhận.

Mới đây, khi lượt trận thứ nhất của giải bóng đá V-League 2009 khai cuộc trên Sân vận động Chi Lăng giữa đội chủ nhà SHB Đà Nẵng với CLB Xi- măng Hải Phòng, thu hút gần 2 vạn khán giả đến xem, và đương nhiên đây là cơ hội tốt để cho những người dân sinh sống quanh sân vận động chăng dây làm dịch vụ giữ xe trên các vỉa hè. Họ ngang nhiên thu tiền giữ xe 5.000 đồng/chiếc trước sự bức xúc của người gửi. Vấn đề này đã được nhiều bạn đọc gọi điện thoại đến đường dây nóng của Báo Đà Nẵng để phản ánh…

Nên chăng, vào những thời điểm như Tết nhất, lễ hội, các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý một cách nghiêm khắc để vừa bảo vệ quyền lợi cho người dân, vừa răn đe, hạn chế được những hành vi lợi dụng để bắt chẹt khách hàng.

Trong năm 2009 này, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ diễn ra nhiều lễ hội lớn, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham dự và thưởng ngoạn. Cận kề với thời điểm này là lễ kỷ niệm 34 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng và Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Đương nhiên đây cũng là cơ hội để cho những chủ bãi giữ xe tăng giá và những người dân ở gần những bãi đất trống chăng dây làm dịch vụ giữ xe với giá... trên trời.

Theo chúng tôi, chính quyền địa phương các cấp cần có phương án quản lý các điểm giữ xe nơi công cộng, như bố trí cho lực lượng đoàn viên thanh niên cơ sở hoặc giao cho lực lượng Thanh niên Xung kích phụ trách thêm việc giữ xe cho du khách. Những người được phân công công việc này đều phải có phù hiệu đàng hoàng, giá giữ các loại xe sẽ được niêm yết công khai và tuân thủ nghiêm túc.
 
Làm được việc này, một mặt các lực lượng này có thêm kinh phí chi dùng cho hoạt động đoàn thể của mình, mặt khác, du khách khi đến Đà Nẵng để thưởng ngoạn hội thi pháo hoa hay nghỉ ngơi du lịch sẽ mang về nguyên cảm giác hài lòng khi họ đến một đô thị lớn, với nếp sinh hoạt văn minh, văn hóa của cộng đồng.
 
Bài và ảnh: BẢO THY

 

;
.
.
.
.
.