.

Chăn nuôi quy mô lớn, bao giờ?

.

Mỗi năm thị trường thành phố Đà Nẵng tiêu thụ gần 20 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm và trên 40 triệu quả trứng, trong khi chăn nuôi tại chỗ chỉ đáp ứng khoảng 25-30%. Mấy năm gần đây, tổng đàn gia súc, gia cầm ở Đà Nẵng liên tục giảm.

Những trang trại chăn nuôi gà

Theo điều tra của Sở NN&PTNT, năm 2008, tổng đàn trâu bò trên địa bàn thành phố chỉ còn trên 18 nghìn con, tổng đàn heo gần 56 nghìn con và tổng đàn gia cầm trên 381 nghìn con, giảm hơn 30% so 4 năm trước. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi giảm từ 83,8 tỷ đồng (2004) xuống còn trên 40 tỷ đồng năm 2008. Nguyên nhân sự sụt giảm này do phạm vi chăn nuôi thu hẹp, dịch bệnh, lũ lụt gây thiệt hại; giá thịt, trứng diễn biến bất lợi cho người chăn nuôi, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, sức cạnh tranh với thực phẩm nhập khẩu thấp...

Từ thực tế trên, các chủ trang trại quy mô lớn đã cho rằng: chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so trồng trọt và chỉ có thể phát triển quy mô tập trung với các trang trại lớn mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu về thịt, trứng ngày càng tăng của thị trường. Từ cơ sở này, Sở NN&PTNT chủ trương đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Các luận chứng được Sở này đưa ra là:
 
Tuy phạm vi nuôi chỉ ở huyện Hòa Vang và một số phường vùng ven của các quận khác, song tiềm năng về mặt bằng để phát triển chăn nuôi ở Đà Nẵng rất lớn. Đặc biệt, thị trường của thành phố gần 1 triệu dân là thuận lợi cho chăn nuôi quy mô lớn phát triển. Bên cạnh đó, sát địa bàn thành phố, ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm chất lượng cao luôn đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu người nuôi.
 
Các lĩnh vực bổ trợ khác như chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thú y, giết mổ khá đồng bộ... Hiện tại trên địa bàn thành phố có 14 trang trại quy mô từ 100 đến 6.000 con heo/trang trại, 54 trang trại nuôi gia cầm quy mô 2.000 con trở lên và chưa có trang trại nuôi bò thịt, bò sinh sản nào.

Trang trại chăn nuôi gia cầm Hòa Phú ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh là cơ sở phát triển theo quy mô công nghiệp nhiều năm nay, với tổng đàn 27 nghìn con, trong đó có 20 nghìn gà đẻ. Gà được nuôi trong phòng lạnh do đó hạn chế thấp nhất dịch bệnh và ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Văn Ba, chủ trang trại này hạch toán: Mỗi ngày thu 17-18 nghìn quả trứng.
 
Cứ tính giá thấp nhất 1 nghìn đồng/quả cũng có nguồn thu 17 triệu đồng. Trừ chi phí 70%, lãi ròng trên 5 triệu đồng/ngày. Bà Ngô Thị Chúc ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến (Hòa Vang), chủ trang trại nuôi 700 con heo/lứa cho hay: So trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn nhiều nếu cùng vốn đầu tư. Nuôi heo nhanh thu lãi. Trừ hết chi phí, lãi 55-60 nghìn đồng/con, mỗi năm nuôi 2 lứa thu lãi 70-80 triệu đồng/năm.

 và heo quy mô công nghiệp.

Có thể nói, chăn nuôi quy mô lớn không chỉ là cơ hội làm giàu cho nông dân mà thị trường luôn dồi dào thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay các trang trại quy mô lớn ở Đà Nẵng chưa nhiều. Cản trở lớn nhất để chăn nuôi phát triển là chưa có quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, chưa có chính sách cụ thể về đất đai lập trang trại và khó khăn về vốn đầu tư.
 
Vừa qua, Sở NN&PTNT đã có hội thảo chuyên đề phát triển chăn nuôi và đã đề ra một số giải pháp như quy hoạch vùng nuôi, vốn vay, con giống, vệ sinh an toàn thực phẩm... Tuy nhiên tất cả chỉ mới dừng lại ở chủ trương mà chưa triển khai thực tế. Người chăn nuôi vẫn chưa biết xây dựng trang trại ở đâu, vay vốn từ nguồn nào...

Chỉ tiêu đến năm 2010, Đà Nẵng có tổng đàn bò 74 nghìn con, đàn heo 311 nghìn con và đàn gia cầm 3,6 triệu con mà Sở NN&PTNT đề ra liệu có thành hiện thực, khi mà hiện nay hoạt động chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ? Ngay từ bây giờ, Sở NN&PTNT và các địa phương cần biến chủ trương thành hiện thực.

HOÀI NAM     

;
.
.
.
.
.