(ĐNĐT) - Nhân kỷ niệm 34 năm giải phóng TP Đà Nẵng và Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế 2009, từ ngày 24 đến 29-3 tại Công viên 29-3 sẽ diễn ra Festival “Làng nghề Việt”, quy tụ hơn 60 làng nghề tiêu biểu đại diện cho 3 miền Bắc – Trung – Nam trong mục tiêu trở thành một festival thường niên 2 năm một lần quy tụ tại Đà Nẵng.
Làng nghề Việt trước cơn nguy khó
Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta hiện có hơn 2.000 làng nghề với khoảng 1,4 triệu hộ gia đình nông thôn (11 triệu lao động) tham gia sản xuất. Mức thu nhập bình quân của người dân làng nghề cao gấp 3 – 4 lần so với làm nông thuần tuý.
Sản phẩm gốm Bát Tràng sẽ góp mặt trong Festival “Làng nghề Việt” tổ chức tại Đà Nẵng. |
Năm 2008, theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu từ làng nghề đạt khoảng 1 tỷ USD. Hàng thủ công mỹ nghệ được coi là 1 trong 10 mặt hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam, đồng thời giải quyết được số lượng lao động lớn, nhất là ở khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh đang xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như hiện nay, rất nhiều làng nghề Việt đang lâm vào tình trạng điêu đứng vì sản phẩm không tiêu thụ được. Theo dự đoán của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, năm 2009 sẽ có khoảng 5 triệu lao động làng nghề thất nghiệp (tính cả số nhân công làm việc theo thời vụ). Trong đó, các ngành nghề chịu ảnh hưởng nhiều nhất là gốm sứ, mộc, gỗ, mây tre đan lát…
Tại cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chủ trì mới đây, Bộ NN-PTNT đã đề ra 4 giải pháp nhằm vực dậy làng nghề. Đồng thời đề nghị các hiệp hội ngành nghề tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng và thực hiện đề án xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường trong thời gian sớm nhất cho các làng nghề. Chính phủ cũng quyết định trích 25% (tương đương 4.000 tỷ đồng) trong số 17.000 tỷ của gói kích cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề…
Có thể nói, việc tìm lời giải cho bài toán duy trì sự ổn định và phát triển các làng nghề trước cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu là hết sức cấp bách và cần thiết, nhất là việc mở rộng trao đổi lộ trình phân bố gói kích cầu của Chính phủ cho làng nghề một cách hợp lý và hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, Festival “Làng nghề Việt” do Tạp chí chuyên đề Đô thị và Phát triển miền Trung thực hiện với sự bảo trợ của UBND TP Đà Nẵng cùng sự phối hợp của Hiệp hội Văn nghệ Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Hội Làng nghề dân gian Việt Nam được xem là một sự chung tay góp sức rất có ý nghĩa nhằm góp phần vực dậy các làng nghề trước cơn suy thoái.
Đây là một hoạt động văn hóa nhằm mục đích bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, giới thiệu các làng nghề Việt nổi tiếng. Đồng thời, là nơi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và giao lưu, tạo điều kiện để làng nghề bảo tồn và phát triển, tạo thêm những nghề mới, làng nghề mới hình thành trong tương lai. Festival “Làng nghề Việt” còn là ngày hội văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, tạo điều kiện cho nhân dân vui chơi thưởng ngoạn, hiểu được cái hay, cái đẹp, cái hồn của văn hoá Việt.
Cuộc hội tụ của các làng nghề độc đáo
Toàn bộ lễ hội sẽ được chia làm 5 khu vực, trải khắp không gian rộng lớn của Công viên 29-3 Đà Nẵng. Tại khu làng nghề, các sản phẩm truyền thống của Đà Nẵng như đá mỹ nghệ Non Nước, chiếu Cẩm Nê, nghề đan lưới Thọ Quang sẽ có dịp sánh vai cùng những sản phẩm nổi tiếng như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Bàu Trúc; đồ đồng Phước Kiều, Phú Xuân; sơn mài Thạch Thất, Thủ Dầu Một, mộc Đồng Kỵ, Kim Bồng, Tiên Sơn; lụa Vạn Phúc, Mã Châu; mây tre Hà Nam, Trà Vinh; thổ cẩm Tây Bắc, Đông Giang; tranh Đông Hồ, Làng Sình, nón Làng Chuông, Huế, Gò Găng… hay cây cảnh Nam Định, các sản phẩm từ chất liệu sừng của Hà Nam.
Du khách sẽ tận mắt chứng kiến các nghệ nhân đá mỹ nghệ Non Nước trổ tài tại Festival "Làng nghề Việt". |
Ở khu làng ẩm thực, bánh khô mè Cẩm Lệ, nước mắm Nam Ô… sẽ có dịp “so tài” cùng rượu Làng Vân, Bàu Đá, Gò Đen; mè xửng Huế, bánh tráng dừa Bình Định, kẹo dừa Bến Tre, bánh phồng tôm Sa Đéc, nước mắm Nha Trang, Phú Quốc, Liên Thành…
Trong khi đó, món bánh tráng thịt heo Khuê Trung sẽ góp hương vị cùng các món hấp dẫn khác như phở Nam Định, chả cá Lã Vọng, bún bò Huế, bánh cuốn Thanh Trì, mì Quảng, cơm gà Tam Kỳ, bê thui Cầu Mống, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh xèo Bà Xiểm, có lóc nướng trui Sài Gòn…
Trong khu vực dành cho “không gian quê nhà”, khách tham quan sẽ được tận hưởng vẻ đẹp thâm trầm, sâu lắng từ cây đa, bến nước, sân đình của làng quê Bắc Bộ, tiếng dân chài Trung Bộ hay chợ nổi Hậu Giang (Nam Bộ). Tại đây, du khách cũng sẽ được thưởng thức các chương trình múa rối nước của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cùng nặn tượng bột, tò he... với các nghệ nhân Hà Tây, Hội An.
Hàng đêm, du khách sẽ được những màn biểu diễn chèo, hát bội, cải lương của gánh hát sân đình trong khu văn nghệ; ban ngày lại được thưởng thức tiếng hát bến sông với các làn điệu quan họ Bắc Ninh, ca Huế, hò xứ Quảng, dân ca Nam Bộ…
Đặc biệt, đến với Festival “Làng nghề Việt”, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến màn trình diễn của các nghệ nhân làng nghề như nặn - vuốt gốm, chạm khắc gỗ, tạc tượng đá, đúc đồng, nặn tò he, tượng bột, thêu, ren, đan lát, dệt lụa, làm bánh, in - vẽ tranh dân gian, viết thư pháp, ký hoạ…
Cũng trong khuôn khổ festival này, sẽ diễn ra cuộc hội thảo “Mỗi làng một nghề” giai đoạn 2006 – 2015. Trong đó tập trung làm rõ những điều kiện và tính khả thi của việc phát triển các làng nghề mới; phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên đường công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn…
Chưa thể nói chỉ qua một cuộc festival đã có thể vực dậy các làng nghề Việt đang trong cơn khó khăn. Tuy nhiên, sự nỗ lực của những người tổ chức Festival “Làng nghề Việt” đã phần nào cho thấy sức sống tiềm ẩn, bền bĩ của các làng nghề, không chỉ tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội mà góp gìn giữ, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc Việt vốn đã khẳng định được sự trường tồn trải qua bao thăng trầm, biến cố của lịch sử.
Hải Châu