Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN)“mở cửa” dịch vụ cho vay tiêu dùng, hiện nhiều NH đã công bố sẽ dành hàng nghìn tỷ đồng cho chương trình này, thậm chí có không ít NH còn thông báo cho khách hàng vay vốn tối đa lên đến 500 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản. Thế nhưng, mọi chuyện đâu có dễ như NH công bố.
Công bố mạnh mẽ...
Sau khi NHNN “mở cửa” cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo lãi suất (LS) thỏa thuận nhằm kích thích tiêu dùng trong thời kỳ nền kinh tế toàn cầu đang suy giảm, lập tức, hệ thống Ngân hàng Liên Việt (LienVietBank) trên toàn quốc đã tung ra hạn mức cho vay tiêu dùng lên đến 500 triệu đồng. Theo thông báo của LienVietBank, cán bộ, nhân viên của các tổ chức, DN có thể vay vốn mà không cần tài sản bảo đảm và không cần bảo lãnh trả thay của nơi khách hàng đang công tác có thể vay vốn tối đa lên đến 500 triệu đồng, thời hạn cho vay không quá 36 tháng.
Tiếp đó, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng công bố thực hiện “Cho vay tín chấp tiêu dùng”. Khách hàng không cần tài sản thế chấp nhưng vẫn có thể được hưởng mức LS cho vay thấp, hạn mức vay tối đa lên đến 300 triệu đồng hoặc 12 lần thu nhập hằng tháng của khách hàng; thời hạn vay tối đa lên đến 48 tháng.
Ngoài ra, một số NH khác còn mạnh dạn công bố sẽ đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng như Habubank sẽ dành khoảng 2 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho các khách hàng cá nhân vay vốn tiêu dùng, cải thiện đời sống. SEABank cho vay với hạn mức tối đa từ 300 - 500 triệu đồng/khách hàng, thời gian giải quyết hồ sơ tối đa chỉ 2 ngày. Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu (EximBank) cũng tuyên bố dành khoảng 3.700 tỷ đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải có tài sản thế chấp.
... Cho vay chặt chẽ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng nhưng khách hàng phải có tài sản thế chấp thì vấn đề về thủ tục vay vốn cũng như mức LS hiện nay không có gì trở ngại giữa NH và khách hàng. Thế nhưng, dịch vụ cho vay tiêu dùng với mức tối đa lên đến 500 triệu đồng mà không cần phải thế chấp tài sản, dường như có rất ít khách hàng đủ điều kiện để vay được vốn như NH đã công bố.
Theo ông Lê Văn Hiển, Giám đốc Chi nhánh SHB Đà Nẵng, trong điều kiện cho vay kinh doanh gặp khó khăn do nền kinh tế còn nhiều biến động thì việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng sẽ tạo cho NH tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Mặc dù cho vay tiêu dùng theo hình thức tín chấp sẽ có nhiều rủi ro, nhưng nếu biết chọn lọc khách hàng thì đây vẫn là thị trường tiềm năng và tạo cơ hội cho NH xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Cũng theo ông Hiển, đến thời điểm này, tại Đà Nẵng, SHB đã giải ngân cho gần 10 cá nhân vay vốn từ 100 - 300 triệu đồng theo hình thức vay tín chấp. Ngoài ra, SHB cũng đẩy mạnh cho vay hỗ trợ LS theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, mức LS tối đa cho vay hỗ trợ LS được SHB áp dụng là 6,5% năm (đã trừ 4% LS hỗ trợ), mức thấp nhất là 2%/năm đối với DN xuất nhập khẩu và cam kết bán ngoại tệ cho NH.
Có thể khẳng định rằng, sau khi NHNN phát đi tín hiệu mở cửa dịch vụ cho vay tiêu dùng, đến thời điểm này, tại Đà Nẵng có rất ít khách hàng được vay vốn theo hình thức tín chấp, thậm chí có NH công bố thực hiện mạnh cho vay tín chấp nhưng lại không mấy quan tâm đến dịch vụ này. Trong vai một khách hàng đi tìm kiếm cơ hội được vay vốn theo hình thức tín chấp tại một số NH trên địa bàn thành phố mới thấy để được NH giải ngân khoản vốn vài trăm triệu đồng tín chấp không phải là chuyện đơn giản.
Bởi lẽ, ngoài thủ tục hồ sơ, giấy tờ mà các NH yêu cầu khách hàng phải chứng minh đã làm cho nhiều khách hàng phải thất vọng. Bên cạnh đó, mặc dù một số NH công bố LS cho vay tín chấp là 10,5%/năm, nhưng trên thực tế, nhiều NH lại đưa ra cách tính LS trên tổng vốn gốc trong suốt thời hạn vay. Chẳng hạn, một khách hàng A vay 100 triệu đồng của NH theo hình thức tín chấp, LS được tính 10,5%/năm, thời hạn vay 4 năm.
Sau một năm, khách hàng này đã trả được một số tiền cả lãi và gốc theo quy định của NH. Số dư nợ của khách hàng đã giảm dần nhưng phía NH vẫn tính LS trên tổng số tiền gốc vay ban đầu là 100 triệu đồng. Với cách tính kiểu này, không biết LS sẽ tăng lên đến đâu so với mức LS ban đầu mà NH đưa ra là 10,5%/năm?
Với cách tính LS và các điều kiện cần và đủ mà một số NH đưa ra để áp dụng cho dịch vụ vay tín chấp như trên, quả là rất khó để khách hàng có thể tiếp cận được nguồn vốn vay này. Phải chăng, NH công bố cho vay tín chấp mạnh mẽ là một hình thức quảng bá thương hiệu, thu hút khách hàng để phát triển các loại dịch vụ khác?
Trọng Hùng
.
.
Không dễ vay vốn tín chấp
Thứ Sáu, 20/03/2009, 08:19 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
- Cần chấn chỉnh về mặt trách nhiệm !
- Hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước tham dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2009
- Nhiều hoạt động quảng bá công trình Cáp treo Bà Nà
- Hơn 200 đại biểu trong và ngoài nước sẽ tham dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2009
- Mời thầu xây lắp hạng mục công trình chính
- Tiến độ cầu Trường Định chậm - Vì sao?
.
.
.
.
.