.

Lãi suất tiền gửi sẽ tăng đến đâu?

.

Sau khi lãi suất (LS) cơ bản được điều chỉnh giảm xuống 7%/năm, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt hạ LS cho vay và kéo mức LS huy động của các kỳ hạn xuống khá thấp (trung bình khoảng 5-6%/năm). Thế nhưng mức LS  này chỉ được áp dụng trong khoảng thời gian ngắn, và hiện tại không ít NH rục rịch tăng LS tiền gửi lên hơn 8%/năm.

Tăng, nhưng chưa mạnh

NH điều chỉnh tăng LS tiền gửi, nhưng mức tăng không đáng kể.TRONG ẢNH: Khách hàng đến giao dịch tại Eximbank Đà Nẵng..

Đến thời điểm này, làn sóng tăng LS huy động ở tất cả các kỳ hạn được nhiều NH triển khai áp dụng. Bên cạnh đó, các NH còn đưa ra nhiều hình thức khuyến mại như gửi tiền có quà tặng, gửi tiền có thưởng tiền trên số tiền gửi… Với tất cả các “chiêu” khuyến mại và nâng LS tiền gửi lên mức khá cao so với thời điểm trước, các NH vẫn chưa lôi kéo được người dân tham gia gửi tiền nhiều.

Một khách hàng tên Thúy (trú tại phường Hòa Khánh Bắc), cầm trong tay 100 triệu đồng đi gửi tiền tiết kiệm tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đông Á nói: “Trong thời buổi khó làm ăn, có tiền bây giờ cũng chẳng biết đầu tư vào đâu cho sinh lời. Nghe tin các NH tăng LS huy động nên gửi tiền vào NH để bảo đảm an toàn về nguồn vốn. Thay vì chọn gửi tiền ở kỳ hạn dài, tôi quyết định gửi ở kỳ hạn 3 tháng để phòng khi LS huy động tiếp tục tăng sẽ không bị thua thiệt”. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, cách đây hơn 1 tuần, trần LS tiền gửi được không ít NH nâng lên mức 8%/năm thì ở thời điểm này đã bị phá bỏ khi Ngân hàng TMCP  Sài Gòn – Hà Nội (SHB) áp dụng LS huy động tối đa lên mức 8,1%/năm. Riêng LS tiền gửi cuối kỳ lần lượt được nâng lên mức 7,8%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, 7,9%/năm cho kỳ hạn 4 tháng, 8,05%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,1%/năm cho kỳ hạn 9 tháng. Tương tự, bắt đầu từ ngày 27-2, Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) cũng nâng mức LS cho kỳ hạn 12 tháng lên 7,5%/năm, cao hơn tới 0,5%/năm LS tiết kiệm thường...

NH sợ khách hàng rút tiền?

Theo các NH, việc áp dụng biểu LS huy động mới một phần nhằm thu hút khách hàng và người dân đến gửi tiền, mặt khác nhằm chia sẻ với người gửi tiền trong tình hình khó khăn như hiện nay. Cùng quan điểm, ông Lê Vinh Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Đà Nẵng phân tích: Việc NH đồng loạt tăng LS tiền gửi là do bắt đầu từ ngày 1-3-2009, mức dự trữ bắt buộc được điều chỉnh giảm xuống còn 3% trên tổng số dư tiền gửi đối với các NHTM  Nhà nước, NH cổ phần đô thị, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
 
Ngoài ra, một số NH khác như NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngân hàng cổ phần nông thôn, quỹ tín dụng, ngân hàng hợp tác, mức dự trữ bắt buộc còn 1%. Như vậy, việc tăng LS tiền gửi trong thời điểm này cũng dễ hiểu, bởi khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm, hoạt động kinh doanh của NH sẽ tốt hơn và NH sẽ chia sẻ với người gửi tiền để thu hút và giữ chân khách hàng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng LS huy động để thu hút thêm nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN theo chương trình hỗ trợ LS 4%/năm.
 
Khác hẳn với quan điểm của ông Quang, Giám đốc một NH trên đường Nguyễn Văn Linh cho rằng: Những NH tăng LS tiền gửi hiện nay chủ yếu là các NH đã giảm mạnh LS huy động ở thời điểm trước, vì vậy, nếu các NH không tăng LS bằng các NH khác đang áp dụng thì người gửi sẽ rút tiền từ NH này chuyển sang gửi NH khác, và rất có thể làn sóng “đua” tăng LS huy động sẽ diễn ra.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý SJC Đà Nẵng, việc các NH tăng LS tiền gửi một phần là do sự điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, mặt khác không loại trừ do ở thời điểm trước, khi LS tiết kiệm giảm mạnh đã có không ít khách hàng rút tiền khỏi NH để đầu tư vào các kênh khác như vàng, ngoại tệ…

Vậy LS huy động sẽ tăng đến đâu để thu hút được người dân tham gia gửi tiền? Về vấn đề này, theo các NH thì mức tăng LS huy động có thể sẽ còn tăng lên nữa, nhưng mức tăng không lớn. Bên cạnh đó, mức tăng LS huy động sẽ tùy thuộc vào hoạt động của từng NH. Như vậy, có thể nhận định rằng, việc một số NH đồng loạt tăng LS tiền gửi để bảo đảm cân bằng giữa đầu ra và đầu vào của nguồn vốn, đồng thời đẩy mạnh chương trình hỗ trợ LS 4%/năm theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.