.

Lệch lãi suất huy động tiền đồng và ngoại tệ

.

Hơn 1 tháng qua, lãi suất (LS) tiền gửi giữa tiền đồng Việt Nam và đồng USD đã có sự đảo chiều mạnh. Đối với LS huy động bằng đồng Việt Nam tiếp tục được không ít ngân hàng (NH) điều chỉnh tăng lên mức 8,4%/năm (kỳ hạn 12 tháng), trong khi đó, LS huy động đồng USD lại đang trên đà giảm xuống. Vậy đâu là nguyên nhân?

LS huy động USD sẽ còn giảm?

Một số NH điều chỉnh LS huy động bằng đồng Việt Nam lên mức 8,5%/năm.

Theo bà Trần Thị Kim Ngân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Đà Nẵng: Sở dĩ các NH buộc phải cắt giảm LS huy động đồng USD ở thời điểm này là do nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ ở một số NH có khả năng dư thừa. Trong khi đó, LS huy động tiền đồng Việt Nam rất có thể sẽ được điều chỉnh tăng thêm vì hiện tại đầu ra của đồng vốn ở các NH đang có xu hướng tăng trở lại.

Bên cạnh đó, hàng loạt các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh cho vay hỗ trợ LS theo Quyết định 131 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phát triển dịch vụ cho vay tiêu dùng nhằm kích thích nền kinh tế. Những yếu tố trên đã buộc các NH phải tăng LS để đáp ứng cung - cầu giữa đầu ra và đầu vào của nguồn vốn.

Đến thời điểm này, hầu hết các NH đã giảm mạnh LS huy động bằng USD, trong khi đó phần lớn các NHTMCP có quy mô vừa và nhỏ liên tục tăng LS tiền đồng Việt Nam để thu hút khách hàng đến gửi tiền. Riêng 1 tháng qua, NH Sài Gòn (SCB) đã công bố 3 lần cắt giảm LS huy động vốn bằng ngoại tệ. Hiện mức LS tiền gửi bằng USD cao nhất tại SCB chỉ còn 2,5%/năm đối với kỳ hạn 60 tháng, giảm đến 0,4%/năm so với LS cũ áp dụng trước đó; kỳ hạn 12 tháng còn 2,3%/năm; 1 tháng còn 1,6%/năm; 3 tháng còn 2%/năm...

Ngoài ra, SCB cũng khuyến khích khách hàng vay vốn bằng ngoại tệ của NH sẽ được áp dụng mức LS khá thấp. Đối với vốn vay bằng USD và euro, LS cho vay ngắn hạn tại SCB còn 4,5%/năm; cho vay trung, dài hạn có LS 4,7%/năm.

Tương tự, LS tiền gửi USD cao nhất tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiện chỉ còn 2,6%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng; NH Đông Á (DongA Bank) 2,4%/năm; NH TMCP Á Châu (ACB) là 3,2%/năm. Vậy vì sao các NH liên tục giảm LS huy động bằng ngoại tệ trong thời gian qua? Ông Trần Trọng Vinh, Phó Giám đốc Chi nhánh NH Đông Á Đà Nẵng cho rằng:

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ cắt giảm mạnh LS nhằm cứu vãn nền kinh tế khỏi suy thoái, điều này đã tác động không nhỏ đến thị trường tiền tệ của nhiều nước trên thế giới (trong đó có Việt Nam). Trong nước, các NH đang đẩy mạnh thực hiện cho vay hỗ trợ LS nhằm tạo điệu kiện cho DN sớm tiếp cận nguồn vốn vay với mức LS thấp.

Qua đó có thể nhận định rằng, khi chính sách bù LS chỉ áp dụng cho khách hàng vay vốn bằng đồng Việt Nam thì ngay cả các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng chẳng dại gì đi vay ngoại tệ, vì vay tiền đồng được bù LS sẽ có lợi hơn. Những tác động trên buộc các NH phải cắt giảm LS huy động ngoại tệ, đồng thời giảm LS cho vay đối với ngoại tệ để đẩy mạnh ngoại tệ cho vay nhằm giảm áp lực trả lãi cho khách hàng đã gửi ở NH vào thời điểm trước.

LS huy động bằng đồng Việt Nam sẽ còn tăng?

Trong khi đó, LS huy động bằng ngoại tệ ở các NH đang có xu hướng giảm mạnh.

Trái chiều với LS huy động đồng USD, LS huy động bằng đồng Việt Nam tiếp tục được các NH điều chỉnh tăng lên trong thời gian gần đây, hiện tại đã có không ít NH huy động vốn với mức LS 8,5%/năm (kỳ hạn gửi tiền 12 tháng). Mới đây, NH TMCP Việt Á (VietABank) tiếp tục tăng LS huy động tiền đồng Việt Nam từ 0,2-0,5%/năm cho các kỳ hạn tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Cụ thể, LS kỳ hạn gửi 1 tuần là 5%/năm; 2 tuần 5,5%/năm; 3 tuần: 6,0%/năm; 1 tháng 7,2%/năm… và 36 tháng là 8,5%/năm.

Bên cạnh việc điều chỉnh tăng LS huy động, một số NH còn tung ra các chương trình khuyến mãi, tặng lãi suất kèm quà tặng, nhằm thu hút khách hàng gửi tiền. Chẳng hạn như NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai Chương trình khuyến mãi “Kỳ hạn vàng - cơ hội vàng” trên toàn hệ thống. Tham gia chương trình này, nếu khách hàng đến gửi tiết kiệm tại Sacombank, ngoài LS theo quy định, còn được tặng thưởng LS từ 0,06%/năm đến 0,36%/năm (tùy theo kỳ hạn gửi, số tiền gửi của khách hàng).

Vậy LS huy động giữa tiền đồng Việt Nam và ngoại tệ sẽ “chạy” theo hướng nào trong thời gian tới? Một cán bộ của NH Nhà nước Đà Nẵng nhận định: Ngay từ đầu năm 2009, hàng loạt các NH giảm mạnh LS tiền gửi, và rất có thể tiền gửi từ dân cư, tổ chức, DN… đã có dấu hiệu chậm lại. Vì vậy, một số NH buộc phải tăng LS huy động để bảo đảm tính thanh khoản, và rất có thể trong thời gian tới, LS huy động bằng đồng Việt Nam sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng lên, tuy nhiên mức tăng lên bao nhiêu còn tùy thuộc vào từng NH. Riêng đối với LS huy động bằng ngoại tệ chắc chắn sẽ còn giảm, bởi hiện nay nhu cầu vay vốn của DN chủ yếu bằng đồng Việt Nam để được hưởng lợi từ gói kích cầu của Chính phủ.

Bài và ảnh: TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.