.

Mua bán trả góp: Thị trường còn bỏ ngỏ

.

Sau thời gian ngắn thực hiện chủ trương gói kích cầu của Chính phủ, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt liên kết với một số cửa hàng bán lẻ, đưa ra dịch vụ mua bán trả góp. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn còn nhỏ lẻ, dù đây là hình thức mua bán được đánh giá là phù hợp với mặt bằng thu nhập của người dân hiện nay.

Trả trước 50% giá trị sản phẩm

Lời mời gọi bán xe máy trả góp với lãi suất thấp và chỉ cần trả 50% giá trị xe được xem là hình thức kinh doanh nhằm kích cầu tiêu dùng hiện nay.

Trái ngược với những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại, nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn không vì thế mà giảm xuống. Chị Trần Thị Thanh Mỹ, chuyên viên Hợp tác Quốc tế và Đào tạo thuộc CPE Corporation đến liên hệ mua xe Attila Elizabeth có giá 27 triệu đồng với hình thức trả góp tại Công ty TNHH Quốc Tiến, 97-99 Tôn Đức Thắng thì được nhân viên tư vấn ở đây cho biết, để mua xe với hình thức trả góp, đầu tiên chị Mỹ phải có hộ khẩu Đà Nẵng, chứng minh có thu nhập ổn định, trả trước 50% giá trị xe, số tiền còn lại NH cho trả góp (được thế chấp bằng chính chiếc xe mình mua), thời hạn trả góp từ 12 - 24 tháng tùy theo nhu cầu của khách, lãi suất từ 1,15%/tháng/số dư nợ giảm dần…
 
Thủ tục không quá khó cho một người có công việc ổn định như chị Mỹ. Được biết, Công ty TNHH Quốc Tiến hiện liên kết với NH Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh Tân Chính, 336 Lê Duẩn để hỗ trợ hình thức vay vốn cho người có nhu cầu. Đây cũng là cách mà một số NH trên địa bàn thành phố thực hiện để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân khi tình hình kinh tế đang rơi vào khó khăn như hiện nay. Chị Mỹ cho biết, với mức lương khoảng 3 triệu/tháng, chị chỉ có thể tiết kiệm 1 triệu mỗi tháng, như vậy phải sau 2 năm chị mới có đủ số tiền để mua xe. Nhưng với hình thức này, chị vẫn có thể sở hữu được chiếc xe mà vẫn không quá cập rập trong thời gian trả nợ.

Với hình thức kinh doanh trả góp, từ ngày 15-2 đến nay, Công ty TNHH Quốc Tiến đã nhận được trên 150 hợp đồng mua xe máy trả góp. Theo anh Hồ Công Dũng, Cửa hàng trưởng thuộc Quốc Tiến, chỉ trong vòng một tháng, số lượng khách hàng đến mua xe đã tăng gấp đôi so với trước. Các dòng xe được lựa chọn chủ yếu là xe tay ga có giá từ 25 triệu (trên 80%), xe Honda dưới 20 triệu (trên 20%)… Mỗi tháng Quốc Tiến tiêu thụ khoảng 300 xe máy. Một con số không nhỏ trong tình hình thị trường mua bán đang lắng lại như hiện nay.

Tuy nhiên, những người đến mua xe phần lớn là cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang..., còn các đối tượng có thu nhập thấp như công nhân lại không chiếm nhiều thị phần. Để tìm hiểu vấn đề này, một cán bộ đang công tác tại Agribank Chi nhánh Tân Chính cho rằng, dù đã hỗ trợ một phần lãi suất và hình thức thế chấp cũng đơn giản hơn nhưng vẫn không thu hút được người đến vay là công nhân bởi 2 lẽ: Thứ nhất, phần lớn công nhân không có hộ khẩu Đà Nẵng. Thứ hai, mức thu nhập của công nhân hiện chưa đến 2 triệu/tháng. Mức này chưa được xem là mức thu nhập ổn định… Chính điều này đã làm công nhân dù rất muốn vẫn khó có thể tiếp cận được các NH để vay vốn. Ngược lại, NH cũng không thể “phá luật” để hỗ trợ cho vay tiền mua xe…

Khai thác thị trường tiềm năng, câu chuyện không dễ

 Anh Hồ Công Dũng, Cửa hàng trưởng Công ty TNHH Quốc Tiến đang tư vấn trả góp cho khách hàng.

Dù giai đoạn hiện nay được xem là thời của mua hàng trả góp nhưng xem ra thị trường này ở Đà Nẵng vẫn chưa được khai thác. Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng, chính nhu cầu tiêu dùng thấp của người dân đã làm “phá sản” mô hình kinh doanh trả góp của các công ty bán lẻ. Hiện nay, các NH như Techcombank, Đông Á, Navibank, An Bình, Agribank… đều có hình thức cho vay thực hiện nhu cầu đời sống của người dân, cho vay mua sắm nhà ở, phương tiện vận chuyển phục vụ sản xuất và đời sống…
 
Trong đó, người vay phải có thu nhập ổn định và có khả năng tài chính để trả nợ khoản vay. Riêng khách hàng là người hưởng lương chỉ cần có xác nhận của cơ quan quản lý lao động về các khoản thu nhập của mình. Nhìn chung, thông qua gói kích cầu của Chính phủ, ngoài vấn đề lãi suất được giảm đáng kể, những thủ tục khác cũng không quá phức tạp như trước.

Có thể thấy rằng, hình thức mua bán trả góp thường tập trung vào những mặt hàng có giá trị lớn như ô-tô, xe máy hoặc laptop… Theo NH Á Châu, thủ tục vay vốn để mua ô-tô khá đơn giản. Khách hàng chỉ cần có hộ khẩu, chứng minh có thu nhập ổn định và khả năng trả tiền đúng hạn, có tài sản thế chấp, cầm cố bảo lãnh. Nhu cầu vay vốn không vượt quá 70% trị giá tài sản bảo đảm do NH định giá. Sau đó, hằng tháng khách hàng phải trả góp theo một mức cố định.

Ví dụ khách hàng vay 500 triệu đồng trong vòng 50 tháng thì mỗi tháng phải trả số tiền cố định là 10 triệu đồng cùng với lãi suất. Nhưng so với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vay tiền mua xe ô-tô ở Đà Nẵng hiện nay không nhiều, nếu không muốn nói là đang chững lại. Mặt khác, nhu cầu mua xe của những ông chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ khó có thể thực hiện được do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính. Vì thế, phần lớn các hãng xe ô-tô trên địa bàn hiện nay không có hình thức mua bán trả góp.

Công ty TNHH Vi tính Thiện Trang, 39 Phan Thanh lâu nay vẫn là địa chỉ tìm đến của những người có nhu cầu mua laptop. Bởi lẽ, đây là một trong số rất ít những công ty vi tính có dịch vụ mua bán trả góp. Một số công ty kinh doanh máy tính lớn như Phi Long hay Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tiến Thịnh sau một thời gian kinh doanh đã không duy trì được hình thức tưởng chừng rất dễ khai thác này. Chị Trần Thị Thu Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Vi tính Thiện Trang cho biết, rất nhiều khách hàng trẻ tuổi khi biết đến hình thức hỗ trợ này đã đến công ty tìm hiểu thông tin.
 
Tuy nhiên, phần lớn người có nhu cầu là sinh viên nên chưa hội đủ điều kiện để vay vốn. Đó là chưa kể đến những người có công việc ổn định phần lớn đã được công ty trang bị laptop phục vụ cho công việc nên nhu cầu này không nhiều. Hoặc những người có thu nhập thấp thì không chọn dòng sản phẩm laptop mà chọn máy tính để bàn… Vì thế, mua bán trả góp là hình thức kinh doanh tưởng là tiềm năng nhưng chưa mang lại lợi ích thực sự cho cả hai phía doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hay nói cách khác, ở Đà Nẵng, một thị trường tiềm năng còn đang bị bỏ ngỏ.

Tiểu Yến

 

;
.
.
.
.
.