Khi nền kinh tế phát triển, khâu tiếp thị giờ đây đã trở thành chuyện thường ngày, nhất là ở những thành phố lớn. Xung quanh chuyện tiếp thị là bao vấn đề đáng phải bàn.
Khi tiếp thị đến...
Tiếp thị thời nay thật là phong phú. Bạn đang ngồi trong quán cà-phê, bỗng xịch một cái, từ trong chiếc ô-tô túa ra cả chục cô, áo váy cũn cỡn, đỏ rực, chia nhau đến tận từng bàn mời hút thuốc miễn phí. Đã hút thì phải mua cả bao mà không hút thì cũng đừng mong được yên. Các em sẽ kiên trì đứng bên cạnh bạn để giới thiệu sản phẩm, ngắt quãng cuộc chuyện trò của bạn. Nhiều người vì thế đành phải mua cho xong chuyện.
Sinh viên đi học, tới cổng trường thế nào cũng gặp một vài người dúi vào tay tờ giấy photocopy giới thiệu các sản phẩm như mỹ phẩm, usb, sim hack... với nội dung vô cùng hấp dẫn. Nhưng đọc kỹ ra sẽ thấy một vài lỗi chính tả hoặc câu cú cụt lủn.
Lại đến chuyện ăn uống mới càng lạ. Khách chưa dừng xe đã có cả chục người tóm tay kéo vào quán. Đến khi xe dừng hẳn thì kẻ dắt xe, người dìu vào giống như đang áp giải...Chuyện tiếp thị ngoài đường không thiếu, nhưng “ghê gớm” hơn phải là tiếp thị tại gia. Đang ngủ trưa, có tiếng gõ cửa, chuông reo. Chủ nhà lật đật chạy ra là anh tiếp thị dầu gội đầu. Có nhà không chịu mở cửa thì... “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, anh ta chạy sang nhà hàng xóm hỏi “nhà bên cạnh là ai nhỉ?”.
Thế là một giọng lanh lảnh vang lên: “Anh A ơi”, “Chị B có nhà không ạ?”. Nghe thấy réo tên mình như vậy, đố ai dám để khách đứng ngoài cổng mà eo éo. Mà đã để khách vào là phải nghe phát chán về khuyến mãi, giảm giá, lợi ích. Chủ nhà “ngáp ruồi” chán ra thì được nhận một gói dầu gội đầu, một cái bàn chải đánh răng con con... lại còn được hẹn lần sau gặp lại.
Khiếp, khiếp... tiếp thị
Nhân viên tiếp thị phần lớn là những người đang tìm việc làm hoặc sinh viên đi làm thêm. Vì vậy, chuyện quấy quá có thể thông cảm được. Tuy nhiên, lẫn trong đó có những kẻ lấy chiêu bài tiếp thị để lừa bịp người dân.
Có kẻ lợi dụng tiếp thị để bán hàng dởm bằng cách đánh vào lòng tham của con người với hình thức bốc thăm trúng thưởng. Mà đã bốc là trúng. Mua một chiếc đồng hồ, được thêm một chiếc, bạn lại chỉ phải trả tiền một chiếc, người mua cảm thấy mình là người may mắn. Nhưng cuối cùng thì cái giá đó lại “trên trời”, còn hai chiếc đồng hồ thì sau một thời gian ngắn chẳng kim nào quay được.
Rồi “bán sim hack nhắn tin, chát miễn phí cho tất cả các mạng trong nước và quốc tế. Giá chỉ từ 150.000 đồng – 350.000 đồng. Số lượng có hạn, có bảo hành...”. Nghe quảng cáo thế, sinh viên ta không thể bỏ qua. Đặc điểm của sim hack là không được phép gọi nhưng nhắn tin thì... vô biên. Đó là quảng cáo, còn trong thực tế thì có sim dùng được 3 ngày, có sim được 1 tuần và sau đó nó... “lăn đùng” ra, tài khoản 0 đồng, và cái gọi là “nhắn tin miễn phí” cũng đi luôn.
Có những nhân viên tiếp thị đeo cả thẻ trên ngực, có dán ảnh và đóng dấu hẳn hoi, mang theo lỉnh kỉnh các thứ đồ, hàng thật có, hàng giả có. Khi gặp khách nào thì mang ra loại hàng cho phù hợp. Gặp những bạn nữ thì: gel tẩy tế bào chết, thuốc trị mụn... đem lại làn da mịn màng, trắng sáng... với giá rẻ. Dùng xong, chưa thấy đẹp lên tý nào thì nhẹ là dị ứng, nặng chút nữa thì ra nắng là ửng đỏ và bỏng rát lên... Gặp những người đàn ông cảm thấy thương vợ nhưng vợ vắng nhà là có “đồ lót thượng hạng”. “Tiền là phụ. Miễn sao chị nhà có được niềm vui”. Nghe những lời bùi tai như thế, ông chồng nào lại đi tiếc một vài trăm để đổi lấy niềm vui cho vợ.
Lại có những kẻ chuyên đóng giả các nhà tu hành đi bán hương, đũa, tăm tre, mang theo cả giấy tờ này nọ, do chính quyền kia, nhà chùa này giới thiệu, cả số điện thoại để liên lạc với mục đích là quyên tiền cho trẻ em nghèo, người già không nơi nương tựa... Thế nhưng, khi gọi điện đến thì số điện thoại không tồn tại, cũng chẳng có cơ quan, đoàn thể, chùa chiền nào cử đi cả?
Bên cạnh đó còn có những kẻ trộm cắp đóng vai tiếp thị. Đi tiếp thị, gặp lúc cả nhà người ta đi vắng, chỉ có người già và trẻ con ở nhà thế là tung ra quà tặng miễn phí để giới thiệu sản phẩm. Loáng một cái, khi hai vị tiếp thị kia ra khỏi cửa, không mất cái điện thoại thì cũng mất cái điều khiển ti-vi, thậm chí tủ cũng bị cạy mà không ai hay. Có nhà mất của mà vẫn thốt lên câu: “Sao nó tài thế nhỉ !”
Thay cho lời kết
Tiếp thị cũng là một nghề. Tiếp thị là rất tốt, cần khuyến khích. Nhưng nếu tiếp thị theo những kiểu trên thì cần phải xem xét lại và có biện pháp xử lý thích đáng. Người dân nên cảnh giác, chớ nên ham của rẻ mà “tiền mất tật mang”.
Hồng cẩm
.
.
Muôn nẻo... tiếp thị
Thứ Sáu, 20/03/2009, 08:29 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.