.

Thu hút các ngành công nghệ cao vào KCN

.

Thu hút các chuyên gia giỏi, các cơ sở sản xuất mà sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vào các KCN là một mục tiêu quan trọng của thành phố. Đến nay, vấn đề này vẫn là một bài toán khó cho các nhà quản lý và Ban Quản lý các KCN và chế xuất.

Sau khi được chuyển về khu công nghiệp, Công ty Cao su Đà Nẵng đã có điều kiện đầu tư lâu dài để phát triển.TRONG ẢNH: Một công đoạn sản xuất lốp ô-tô của công ty.

Hiện thành phố có 6 KCN đã đi vào hoạt động, thu nhận 179 DN trong và ngoài nước với gần 50 nghìn lao động. Về cơ bản đã lấp đầy khoảng 85% diện tích đất trong các KCN. Mỗi năm, các DN này đem về cho thành phố khoảng trên 100 triệu USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Các DN trong các KCN đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của thành phố.
 
Tuy nhiên, những DN mà sản phẩm chứa đựng hàm lượng chất xám cao chưa nhiều, hầu hết là sản xuất các mặt hàng tiêu dùng đơn giản để xuất khẩu. Hầu hết các công đoạn sản xuất chỉ là khâu lao động thủ công mà chủ cơ sở có thể tổ chức sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Một số DN như Daiwa, Mabuchi Motor, Phong Phú… được coi là có công nghệ và sản phẩm có hàm lượng chất xám tương đối khá, nhưng công đoạn sản xuất được tổ chức tại KCN cũng chỉ là các công đoạn thủ công và bán cơ khí, thu hút nhiều lao động.

Sau gần 15 năm hoạt động, các KCN đã thu hút được số lượng DN tương đối lớn, góp phần giải quyết được nhu cầu việc làm đáng kể cho thành phố và các vùng phụ cận (có tới 1/3 là người ngoài thành phố). Vậy nhưng có tới 60% là lao động phổ thông chỉ qua đào tạo ngắn hạn tại một số trung tâm dạy nghề, hoặc do DN tự đào tạo. Số lao động có tay nghề, có chuyên môn cao rất ít.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại và có các yêu cầu mới, tiêu chuẩn mới cho sự lựa chọn đối với các nhà đầu tư sao cho hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, của đất nước. Thành phố đã đưa ra các tiêu chuẩn mới về công nghệ, về chính sách con người… trong khuôn khổ thẩm quyền phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của thành phố, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan tới việc xây dựng Thành phố môi trường trong tương lai để lựa chọn làm tiêu chuẩn thu hút đầu tư.

Dự tính trong một thời gian nữa, thành phố sẽ hết đất để bố trí các DN và dự án mới, do vậy, việc lựa chọn các DN vào các KCN hiện nay theo các tiêu chuẩn mới là rất cần thiết. Mặc dù ít nhưng đã có một số DN đem về KCN những dây chuyền sản xuất, những công nghệ tương đối khá, nhưng nguồn nhân lực để đáp ứng cho các DN này rất hạn chế.

Công ty Mabuchi Motor là một ví dụ. Kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, chưa khi nào công ty tuyển đủ người lao động, do nhiều người không đáp ứng được nhu cầu công việc. Mỗi lần chỉ tuyển được khoảng 40%  trong số lao động dự tuyển. Thực tế này cho thấy công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của KCN.

Kể cả Trung tâm đào tạo nghề trực thuộc Ban Quản lý KCN và chế xuất cũng chỉ tổ chức được một số nghề đơn giản như may công nghiệp, điện dân dụng… do chi phí đào tạo ít tốn kém. Các trung tâm đào tạo nghề khác và các trường dạy nghề đóng trên địa bàn thành phố cũng chỉ đào tạo các ngành mà cơ sở vật chất, giáo trình và giáo viên có sẵn, nên học viên sau khi đào tạo rất khó xin việc ở các DN trong KCN. Việc đào tạo nghề không gắn với thị trường. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các DN trong các KCN không tuyển dụng đủ lao động.

Công ty Alphanam - một trong những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả tại khu công nghiệp Hòa Khánh.

Thêm vào đó là ý thức của người lao động về việc nâng cao trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng được nhu cầu việc làm còn yếu. Hầu hết chỉ muốn qua một lớp đào tạo ngắn hạn và có việc làm ngay với mức lương khả dĩ sống được. Đây cũng là một hạn chế trong việc tạo ra động lực thúc đẩy các cơ sở dạy nghề không đầu tư thiết bị, nhân lực nhằm đào tạo ra các nghề phù hợp với yêu cầu của DN. Ngoài ra, mối liên hệ giữa Ban Quản lý KCN và chế xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước với các trường học và DN chưa tốt. Việc đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo đơn đặt hàng của các cơ sở đào tạo tại Đà Nẵng rất yếu.

Một nguyên nhân khác nữa là các cơ sở trong nước (kể cả của thành phố) do hạn chế về nguồn tài chính nên không đủ điều kiện trả lương cho các chuyên gia giỏi, các lao động có tay nghề với mức lương thỏa đáng, tương đương với các nơi khác nên đã không thu hút được nhân tài. Không những thế, tình trạng chảy máu chất xám đang diễn ra ở nhiều DN. Điều đáng mừng là đã có một số DN đã có chiến lược và sách lược trong việc đào tạo và thu hút nhân tài. Những trở ngại trên nếu được tập trung khắc phục, thì thành phố sẽ là nơi thu hút mạnh mẽ các DN có công nghệ cao trong thời gian tới.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.