Quý 1-2009, hàng loạt các đoàn DN Nhật Bản đến Việt Nam xúc tiến đầu tư. Với truyền thống quan hệ giao thương lâu đời, thành phố Đà Nẵng đã đặt nền móng quan hệ hợp tác phát triển một cách lâu bền với sự tận dụng tối đa các cơ hội trong đầu tư từ các DN Nhật Bản. Văn phòng đại diện của thành phố Đà Nẵng tại Tokyo đã làm tốt vai trò cầu nối, đưa dòng vốn FDI từ Nhật vào thành phố quê hương…
Thu hút đầu tư từ Nhật Bản
Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng (100% vốn Nhật Bản) đang vận hành công thức đầu tư “Trung Quốc + 1” gồm: điều tiết sản lượng, phân phối nguyên vật liệu giữa Trung Quốc và Việt Nam trước khi bán sản phẩm ra nước thứ 3. |
Dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng, VPĐD tại Nhật Bản luôn thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng cơ hội đầu tư, tiềm năng du lịch và hình ảnh của thành phố để quảng bá rộng rãi đến nhiều doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản”.
Từ khi thành lập VPĐD đến nay, thành phố đã đón tiếp 167 đoàn với 1.038 lượt người, đáng chú ý có các đoàn từ các tập đoàn đến tìm hiểu đầu tư như Fujitsu, Daiwaseiko, Sumitomo, Mutsumi, Imao, AI Electronic Industries, Canon, INAX, P&I Resorts, Konica, Sumitomo Corporation; khảo sát tiềm năng du lịch như Công ty du lịch JTM, Tập đoàn lữ hành JTB, JAL, Hankyu Express và trao đổi hợp tác như Thị trưởng thành phố Kawasaki, Thị trưởng thành phố Mitsuke, Nghị viện thành phố Sakai, Tổ chức ASEAN-Nhật Bản, Viện Nghiên cứu đầu tư Nhật, Cảng Kawasaki, JETRO, JICA Nhật Bản, Hiệp hội những người bạn hợp tác với Việt Nam tỉnh Hyogo (JAVIP), Tổ chức tình nguyện NISVA .
Qua hơn 4 năm hoạt động, VPĐD đã quảng bá rộng rãi chính sách đầu tư, tiềm năng du lịch và cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản, thu hút được nhiều đoàn đến khảo sát và một số doanh nghiệp đầu tư tại thành phố. Cùng với việc phối hợp với VERI để xúc tiến, quảng bá thông tin tại Nhật Bản, VPĐD cũng đã chủ động thăm, làm việc và thiết lập quan hệ với JETRO Việt Nam, JICA Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các doanh nghiệp Việt Nam, Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài, cũng như thường xuyên gặp mặt và trao đổi với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Đà Nẵng nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư.
Tính đến nay, đã có 35 DN Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng với tổng vốn 207 triệu USD, với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như lắp ráp linh kiện điện tử, mô-tơ điện, dụng cụ thể thao; thương mại; xuất nhập khẩu, công nghệ phần mềm. Các DN Nhật Bản đã thu hút và giải quyết việc làm cho 12 nghìn lao động địa phương. Văn phòng đại diện còn nỗ lực phát triển quan hệ với 2 thành phố Mitsuke và Kawasaki.
Nhiều cơ hội thu hút đầu tư
Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã khảo sát 620 công ty đang tiến hành hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài trong hầu hết các lĩnh vực chủ yếu như điện tử, hóa chất, cơ khí, dệt-may, giao thông vận tải, lương thực thực phẩm... Theo đó, các công ty Nhật Bản đánh giá Việt Nam đứng thứ 3 về triển vọng phát triển hoạt động SXKD trong giai đoạn trung hạn, xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ, có triển vọng trong hoạt động kinh doanh, khả năng phát triển của thị trường nội địa tốt, là địa điểm để đa dạng hóa đầu tư tốt, nguồn nhân lực có chất lượng tốt và có nguồn cung cho ngành công nghiệp lắp ráp.
Các công ty Nhật Bản quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là thiết bị điện/điện tử, ô-tô, máy tổng hợp, hóa chất... Tính đến cuối năm 2008, Nhật Bản có 1.019 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 16,9 tỷ USD, đứng thứ 2/81 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, sau Đài Loan.
DN Nhật Bản cũng kiến nghị Việt Nam cần quan tâm về thủ tục hải quan, bởi công tác này chưa được cải thiện mạnh mẽ; ách tắc giao thông ngày càng trầm trọng; thiếu trầm trọng công nghiệp phụ trợ; hệ thống hạ tầng thông tin - Internet quá kém tại các KCN và khu chế xuất; nguồn cung cấp điện không ổn định; ô nhiễm môi trường trầm trọng, nhưng thiếu xử lý triệt để; thủ tục hỗ trợ xuất khẩu vẫn còn thiếu hướng dẫn cụ thể. Mặt khác, công nghiệp phụ trợ trì trệ đang là cản trở khá lớn hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tới nền kinh tế Việt Nam.
Đặc điểm chính của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam là hoạt động trong lĩnh vực chế tạo. Yêu cầu về nguyên, phụ liệu với chi phí thấp, thời gian giao hàng ngắn và chủ động được coi như những yếu điểm. Được biết, nhiều DN Nhật Bản hiện xem thị trường Việt Nam là địa điểm được lựa chọn trong chiến lược Trung Quốc + 1. Do đó, trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, mọi sự tận dụng các cơ hội thu hút đầu tư hiện nay từ phía DN Nhật Bản theo công thức “Trung Quốc + 1” sẽ là bước đi tích cực trong đầu tư phát triển.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG