.
Thúc đẩy liên kết VKTTĐMT:

Nhìn từ lợi ích và trách nhiệm

.

Trải dài trên 500km từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Định với diện tích tự nhiên chiếm 8,43% cả nước, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) được kết nối bởi chuỗi đô thị Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế ven biển: Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội. Những năm qua, VKTTĐMT đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 13,4% - cao nhất so với 3 vùng kinh tế trọng điểm và gấp hơn 1,5 lần tốc độ tăng bình quân cả nước.

TP. Đà Nẵng - trung tâm, động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.  Ảnh: M. H

Tuy nhiên, đây là vùng đất hẹp, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai khó lường, điểm xuất phát kinh tế thấp và đóng góp cho sự phát triển kinh tế của cả nước chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng. Năm 2006, dân số của vùng chiếm 7,68% cả nước, trong khi GDP chỉ chiếm khoảng 4,48% và GDP đầu người chỉ bằng khoảng 75,9% mức bình quân cả nước, kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 3,13% cả nước... (1)

Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do lợi ích và trách nhiệm của các tỉnh, thành phố trong hợp tác, liên kết kinh tế vùng chưa được khẳng định, tình trạng cát cứ lãnh thổ, mạnh ai nấy làm diễn ra khá phổ biến. Nhiều tỉnh, thành phố đua nhau đầu tư xây dựng, nâng cấp sân bay, cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp... mà chưa tính đến nhu cầu và hiệu quả thực tế trong mối quan hệ phát triển liên vùng, dẫn đến sự đầu tư chồng chéo, phân tán, kém hiệu quả, gây lãng phí các nguồn lực, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và môi trường sống của cộng đồng (2).

Nhiều địa phương tự đặt ra cơ chế, ưu đãi riêng, miễn, giảm thuế, tiền thuê hoặc tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất một cách quá mức để thu hút đầu tư. Kết cục là cảnh: “thảm đỏ” cạnh tranh với “thảm đỏ”, “trung tâm” cạnh tranh với “trung tâm”.

Nhằm từng bước đưa VKTTĐMT thành một trong những vùng kinh tế năng động, đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng của khu vực miền Trung và cả nước, Chính phủ đã xác định mục tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của vùng là tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hằng năm giai đoạn 2006 - 2010 đạt khoảng 1,2 lần, giai đoạn 2011 - 2020 đạt khoảng 1,25 lần tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước; nâng tỷ lệ đóng góp trong GDP của cả nước lên khoảng 5,5% vào năm 2010 và 6,5% vào năm 2020; đưa kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người từ 149 USD năm 2005 lên 375 USD vào năm 2010 và 2.530 USD vào năm 2020 (3).

Xây dựng nhận thức mới

VKTTĐMT cần rà soát, đánh giá đúng thực trạng tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng của mỗi địa phương phù hợp với quy hoạch của Chính phủ cho toàn vùng và tương thích với những điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Cần khai thác triệt để các nguồn vốn của địa phương, vốn FDI, ODA, NGO, vốn trong dân, vốn từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế bên cạnh vốn hỗ trợ từ Trung ương. Cần những cơ chế chính sách đặc thù, ưu đãi vượt trội nhằm cải thiện và tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn.

Cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề và trình độ cho phát triển kinh tế vùng và từng địa phương, chú trọng bồi dưỡng nhân tài, thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. Cần thiết lập và tăng cường quan hệ hợp tác, liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trên cơ sở đề cao lợi ích và trách nhiệm của tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát huy tối đa tiềm lực từng địa phương và toàn vùng.

Giải pháp quan trọng và cấp thiết lúc này là đẩy mạnh liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố trên nền tảng lợi ích và trách nhiệm.

Liên kết kinh tế VKTTĐMT có thể được hiểu là các mối quan hệ hợp tác và phối hợp thường xuyên, ổn định các hoạt động kinh tế do các địa phương, đơn vị được thiết lập trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và cùng có lợi nhằm tạo không gian kinh tế thống nhất phù hợp với định hướng mục tiêu và quy hoạch chung của vùng gắn với sự phát triển đa dạng, năng động của mỗi địa phương, khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế so sánh thúc đẩy kinh tế cả vùng và từng địa phương cùng phát triển, bảo đảm lợi ích cao nhất cho các bên liên kết.
 
Đây là một đòi hỏi bức thiết và cơ bản lâu dài, đan xen nhiều hình thức và quy mô, cấp độ khác nhau, đồng thời chịu tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, không làm mất quyền tự chủ của các địa phương, đơn vị và phù hợp với pháp luật Nhà nước. Trong đó, tỉnh, thành phố là chủ thể quan trọng và quyết định nhất. Sự phối hợp kết nối để sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học…; sự phân công, chuyên môn hóa và hiệp tác hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ... sẽ mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền của cho toàn vùng và cho từng chủ thể tham gia.

Theo hướng đó, các tỉnh, thành phố trong vùng cùng nhau xây dựng nhận thức mới về lợi ích và trách nhiệm trong liên kết kinh tế vùng, thay đổi mạnh mẽ cách nghĩ, cách làm phù hợp với quá trình tạo ra tính thống nhất trong đa dạng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và vững chắc tương thích với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Cần tìm được tiếng nói và hành động chung trong lập chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết cụ thể thông qua các biên bản thỏa thuận, các cam kết và hợp đồng trách nhiệm; thiết lập cơ chế kiểm tra, đôn đốc, cung cấp thông tin giúp nhau trong chỉ đạo, điều hành; giao cho địa phương nào có vai trò, lợi ích và liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc chương trình liên kết đứng ra chủ trì, làm đầu mối phối hợp hành động…

Nhận rõ trách nhiệm đầu mối

Tùy vào điều kiện cụ thể, việc liên kết vùng có thể tập trung vào một số lĩnh vực trọng tâm như: Phát huy vai trò và sức lan tỏa của các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại và dịch vụ quốc tế (như hàng không, hàng hải, tài chính, tín dụng, bưu chính viễn thông…), các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn… Liên kết khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, biển, du lịch văn hóa, lịch sử của vùng, phát triển các tour, tuyến du lịch như Huế - Cảnh Dương - Hải Vân - Non Nước - Hội An - Mỹ Sơn, “con đường di sản”, nâng cao chất lượng Festival Huế, lễ hội đô thị cổ Hội An, tổ chức các sự kiện (thi bắn pháo hoa và các hội nghị, diễn đàn quốc tế) ở Đà Nẵng…, xây dựng miền Trung thành một trong ba trọng điểm du lịch cả nước. Khai thác hiệu quả sân bay Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Phù Cát và các cảng biển Chân Mây, Đà Nẵng, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn - cửa ngõ ra biển Đông gắn kết với hợp tác kinh tế toàn diện các tỉnh, thành phố. Sử dụng triệt để lợi thế của các trục đường Hồ Chí Minh, đường 9, đường 14, đường 24 và các khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Bờ Y và Đắk Perr gắn với phát triển hành lang kinh tế Đông Tây, mở rộng quan hệ chặt chẽ và hiệu quả với các nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan, Mianma, v.v...

Với vai trò trung tâm, động lực của vùng, TP. Đà Nẵng cần nhận rõ trách nhiệm đầu mối, chủ động và tích cực trong giúp đỡ, hỗ trợ (4), hợp tác, liên kết với các tỉnh bạn thực hiện các biện pháp huy động các nguồn lực, phát triển các ngành công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, các trung tâm thương mại, siêu thị, trung chuyển, quá cảnh hàng hóa-dịch vụ, xuất nhập khẩu, kết nối các tour du lịch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao... Làm được điều này, Đà Nẵng sẽ góp phần tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động hợp lý trong hội nhập kinh tế quốc tế nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế vùng và từng địa phương cùng phát triển nhanh và bền vững.

Huỳnh Năm - Huy Hòa

--------

(1) www.gso.gov.vn.

(2) Ví dụ, suất đầu tư bình quân tại các KCN trong vùng chỉ khoảng 1,5 triệu USD/ha, trong khi chỉ tiêu này bình quân cả nước là 2,8 triệu USD và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 3,5 triệu USD.

(3) Quyết định 148/2004/QĐ-TTg, ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ về phương hướng phát triển KT-XH vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2010 và tầm nhìn đến 2020.

(4) Ví dụ, Đà Nẵng đã quyết định từ năm 2008 đến năm 2020, hng năm hỗ trợ 15 tỷ đồng để tỉnh Qung Nam đầu tư xây trường học, xóa nhà tạm.

;
.
.
.
.
.