.

Tiết kiệm điện tối đa

.

Mệt phờ trả tiền điện

Trước đây, khi giá điện Nhà nước chỉ 550 đồng/kWh (nếu dùng ở mức từ 100kW/tháng trở xuống), giá điện tại các khu trọ đã mặc nhiên từ 1.500-2.000 đồng/kWh. Công nhân, sinh viên, gia đình buôn bán nhỏ... không có thu nhập hoặc thu nhập thấp vẫn phải bấm bụng “nín thở qua sông”. Một phụ nữ bán cơm cho công nhân (đề nghị giấu tên), có phòng trọ vừa là nơi buôn bán trên đường Âu Cơ, gần Khu Công nghiệp Hòa Khánh tính: “Ở đây tụi tôi chỉ dùng nồi cơm điện, quạt, 2 đèn tuýp cho khách, đèn trong nhà chỉ dám bật sau khi đã dọn dẹp xong quán.

Từ nay, sinh viên và công nhân tiếp tục cắt giảm nhiều thiết bị điện để tiết kiệm tiền.

Vậy mà mỗi tháng vẫn phải trả gần 400 nghìn đồng tiền điện - nước”. Theo chị, giá 2.000 đồng/kWh là quá cao so với mặt bằng chung, trong khi đó “Ông chủ nhà “trời ơi”, ưa hét mấy thì hét, chớ không cho tôi nhìn giấy báo tiền điện.

Ổng kêu là tiền vượt trội chi đó, tôi không hiểu”, chị bức xúc. Một anh thợ hớt tóc đang ăn cơm tại tiệm này cũng phân bua: “Tôi chỉ sử dụng điện cho tiệm thôi, chủ đã lấy trên 150 nghìn đồng/tháng rồi”. Tương tự, chị Nguyễn Thị Anh, công nhân đang trọ tại 231 Âu Cơ, anh Phạm Đức Hào (Công ty TNHH Nhựa Dương Việt), sinh viên Phan Xuân Bình (năm 3 Khoa Xây dựng dân dụng - công nghiệp, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cũng cho hay đang sử dụng điện với các mức giá thấp nhất là 1.500 đồng/kWh. Bởi vậy, khi nghe Nhà nước tăng giá điện, họ cũng nhấp nhổm theo, dù chủ nhà chưa “bật mí” sẽ tăng bao nhiêu vì giá điện mới chỉ mới được áp dụng vài ngày.

“Nhưng chắc chắn sẽ tăng thêm khoảng 500 đồng/kWh”, chị Nguyễn Thị Anh đoán. Riêng bác chủ nhà Trần Thị Minh Nguyệt, tổ 48 Đa Phước, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu dự tính: “Nếu cuối tháng 3, giấy điện báo giá cao quá tôi sẽ nhích giá lên chút, không thì tôi sẽ chia sẻ với công nhân, vì chừ mấy cháu không có việc làm, hoặc lương thấp tội quá!”.

Tiết kiệm tối đa

Theo quy định mới, những hộ dùng dưới 50kWh/tháng sẽ được bù giá 35 - 40% giá bán điện bình quân mỗi năm, nhưng theo hầu hết người ở trọ, họ hoàn toàn không được hưởng ưu đãi này. Sinh viên Phan Xuân Bình giải thích: “Tất cả đồng hồ phòng trọ đều về đồng hồ tổng của chủ nhà, với tổng số luôn trên 50kWh/tháng”.

Để kìm hãm số tiền điện tăng không phanh, chị bán cơm trên đường Âu Cơ dừng hẳn kế hoạch mua tủ lạnh, dù rất có nhu cầu trữ thức ăn trong mùa nắng. Chị tiết kiệm điện nấu cơm bằng cách: nấu sẵn nước sôi bằng lò than, sau đó đổ vào nồi gạo nấu cho mau chín, đỡ tốn điện. Chị tắt luôn đèn thắp sáng cho bảng hiệu, khách vừa nhổm dậy ra khỏi quán là chị vội tắt máy quạt. Anh Phạm Đức Hào lại cho hay sẽ bắc ghế ra hiên ngủ để khỏi bật quạt.
 
Đồng thời, anh và các bạn trong khu trọ cắt giảm các chương trình chơi game, ít xem các loại phim được cho là “vô bổ”, chỉ coi các chương trình thời sự cần thiết. “Nếu lương cao, công việc ổn định thì số tiền đó không nhiều, đằng này đang chờ việc, mà vẫn trả mức cao hơn thì chịu không thấu”, anh Hào nói. Chị Nguyễn Lê Điểm (công nhân trọ ở tổ 48 Đa Phước, Hòa Khánh Bắc, Liên Chiểu) tính: “Em sẽ cố gắng giảm từng thứ như chịu nóng chút, tắt điện đi ngủ sớm, vì hiện nay mình em xài quạt, bóng đèn, nồi cơm cũng đã trả tiền điện 30 nghìn đồng/tháng rồi”.

Bài và ảnh: VANG - HOA

;
.
.
.
.
.