.

Trồng hoa, cây cảnh ở Hải Châu

.

Mặc dù đất canh tác không còn nhiều nhưng nông dân một số khu vực ở quận Hải Châu vẫn gắn bó với nghề trồng hoa, cây cảnh. Họ khai thác tối đa không gian hẹp tại mỗi gia đình và tận dụng các khu đất chưa xây dựng công trình để tiếp tục ươm trồng các loài hoa cao cấp. Vì vậy, hoa cây cảnh trên thị trường khá phong phú, nhiều nông dân có việc làm ổn định, thu nhập cao.

Hoa xương rồng, loài hoa cảnh độc đáo.

Chỉ trong phạm vi 40 m2 tại gian trưng bày hoa, cây cảnh do Hội Làm vườn và sinh vật cảnh quận bố trí tại đường Lê Thanh Nghị, ông Lê Phú Quý ở phường Hòa Thuận Đông vừa ươm tạo vừa bày bán các loại hoa, cây cảnh, chủ yếu là phong lan. Mỗi năm ông đạt doanh thu trên 300 triệu đồng, lãi ròng 50 - 60 triệu đồng. Ông Quý cho hay: phong lan chủ yếu nhập mô giống từ Trung Quốc, Thái Lan về ươm tạo, không cần nhiều đất mà cần sự say mê và kinh nghiệm.

Đây là loài hoa “quý tộc”, được nhiều người ưa chuộng. Hiện ông đã sản xuất thành công hơn 50 loài phong lan có nguồn gốc từ nhiều nước trên thế giới. Mỗi loài một vẻ, tạo nên không gian sống động và hấp dẫn. Có loài giá hơn 1 triệu đồng/cây như Lenarawod của Pháp, nhưng cũng có loại chỉ 50 nghìn đồng/giò như Đencô. Theo ông, nhu cầu sản phẩm này rất lớn, nhưng hiện tại còn ít người sản xuất. Tính ra, nghề trồng hoa, cây cảnh thu nhập không đến nỗi nào.

Như lan Hồ điệp, 1 lọ 20 mô giống giá 80 nghìn đồng, sau 1 năm ươm tạo thành 20 giò phong lan nở đúng dịp Tết đến xuân về, có giá 100 nghìn đồng/giò. Trừ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc,  lãi 1,5 triệu đồng. Trồng số lượng lớn, nhiều chủng loại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm không khó.

Quầy trưng bày sản phẩm của anh Nguyễn Quang Việt, trú tổ 50 phường Hòa Cường Bắc thiên về xương rồng. Khoảng 30 loài xương rồng trồng chậu và hàng chục loài cây cảnh có giá trị khác. Anh Việt cho biết: Xương rồng có nét riêng rất độc đáo của nó, nhiều loài quý phái như Kim hổ, Phê rô, Rim nô… được khách hàng ưa chuộng. Ưu việt của loài hoa này là chưng thời gian rất lâu trong nhà. Các loài xương rồng cao cấp nhập từ nước ngoài về, người làm vườn chỉ việc ươm tạo cho phát triển, đến kỳ chuyển sang chậu và bày bán. Hỏi về thu nhập, anh Việt cho hay: Nghề này làm chơi ăn thiệt, ít nhất mỗi năm lãi 45 - 50 triệu đồng.

Đi dọc đường Lê Thanh Nghị, đoạn sát giao lộ Phan Đăng Lưu, mọi người cảm thấy như lạc vào thế giới của muôn loài hoa, cây cảnh, loài nào cũng độc đáo, ấn tượng. Vì vậy khu trưng bày hoa, cây cảnh này là điểm đến của khách hàng gần xa.      
   
Ở quận Hải Châu, phong trào trồng hoa cao cấp đang phát triển mạnh, nhất là 2 phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc. Đây cũng là nghề truyền thống của người dân vùng này. Hết đất canh tác, họ tận dụng các khu vực chưa xây dựng nhà cửa, công trình để tiếp tục làm ra nhiều loài hoa quý đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Ông Lê Phú Quý bên giàn phong lan tại khu trưng bày sản phẩm ở đường Lê Thanh Nghị.

Anh Nguyễn Văn Hoàng ở tổ 60 phường Hòa Cường Bắc là người đã làm giàu từ việc trồng hoa ở những lô đất chưa xây dựng. Vụ hoa Tết vừa rồi, anh thu 63 triệu đồng, trong đó lãi ròng 40 triệu đồng. Anh cho hay: ly ly, cẩm chướng, cát tường được rất nhiều người ưa chuộng, thường 1 chậu có giá trên 100 nghìn đồng. Tết vừa qua trồng 1.800 chậu, năm nay dự kiến trồng hơn 2.000 chậu.

Chị Bùi Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Kinh tế quận Hải Châu cho rằng: Tuy là hoạt động thứ yếu của kinh tế địa phương, song gần 200 hộ chuyên sản xuất hoa, cây cảnh mỗi năm làm ra của cải trị giá hàng chục tỷ đồng. Điều quan trọng hơn là hàng trăm nông dân có việc làm, thu nhập ổn định và cung cấp cho thị trường nhiều loài hoa quý.

Hiện phòng đã phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, hội thảo đánh giá kết quả và nông dân đều cho rằng đây là hoạt động kinh tế khả thi, cần duy trì và phát triển. Thời gian tới, phòng sẽ đầu tư có chiều sâu cho lĩnh vực này, trong đó  chuyển giao nhiều giống mới, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tham quan các mô hình tiêu biểu, mở rộng khu trưng bày sản phẩm...
                            
Bài và ảnh: Nguyễn Cầu      

;
.
.
.
.
.