.
BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG

Hoàn chỉnh từ văn bản pháp luật

.

Trong một hội thảo mới đây với chủ đề “Chính sách pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Những vấn đề pháp lý và thực tiễn” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - UVTV Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Nhiều văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng (NTD) không đồng bộ, chồng chéo, khó thực thi và chưa thể hiện nguyện vọng, mong muốn, bức xúc của NTD Việt Nam đang hằng ngày đối mặt với muôn hình vạn trạng các vi phạm quyền của NTD.

 NTD chờ đợi cơ quan chức năng có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi cho họ.TRONG ẢNH: Đoàn liên ngành Trung ương kiểm tra nhãn mác mũ bảo hiểm tại Siêu thị BigC.

Trong những năm qua tại thành phố Đà Nẵng, rất hiếm xảy ra những vụ cá nhân hay tập thể NTD có đơn kiện nhà sản xuất hay nhà cung cấp. Theo số liệu từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, từ năm 2006 đến năm 2008, mỗi năm Hội chỉ nhận được rất ít đơn khiếu kiện của NTD, trong đó có việc mua phải mì chính kém chất lượng, chai nước Pepsi đóng cặn...

Chúng tôi đã gặp chị T. (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), có đơn trình bày việc mua phải cây lau nhà kém chất lượng, vậy nhưng chị thừa nhận: “Thực ra, nếu mua phải một món hàng kém chất lượng thì đành bấm bụng chịu thiệt, chứ thời gian đâu mà cất công đi đòi bồi thường”. Sở dĩ nhiều người lâu nay vẫn tồn tại tâm lý đó bởi họ nghĩ rằng, sự việc không đến mức nghiêm trọng quá hoặc có kiện cáo cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề.

Mới đây, tại địa chỉ số 2 P.B.C, hai khách hàng G. và H. bày tỏ bức xúc trước việc cơ sở sản xuất nước uống đóng chai W. cung cấp bình nước chưa hết hạn sử dụng đã mọc rêu trong bình. Họ yêu cầu cơ sở đến để làm rõ, tuy nhiên giữa hai bên không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, khách hàng vẫn phải hứng chịu khi dùng sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố cho biết: “Không thể xem nhẹ sự việc khi cho rằng đó là vấn đề nhỏ.

Gần đây, có tình trạng các sản phẩm thực phẩm trong và ngoài nước có nhiều nguy cơ gây hại đối với sức khỏe người dân. Việc NTD phát hiện và báo cho cơ quan chức năng có ý nghĩa lớn về mặt đời sống xã hội. Điều này là rất cần thiết để bảo vệ con người”. Cũng theo ông Bằng, NTD ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền lợi của mình, mặc dù Hội mới chuyển về địa điểm số 2 Trần Quý Cáp nhưng đã có nhiều khách hàng tìm đến nhờ tư vấn và trợ giúp về mặt pháp lý. Đến nay, những người khiếu nại được hướng dẫn đã được giải quyết thấu tình hợp lý.
 
Ví dụ như trường hợp NTD mua hàng tại Siêu thị BigC rơi vào lỗi tính tiền hoặc chất lượng sản phẩm bị trục trặc. Các trường hợp đã xử lý cho thấy những hạn chế liên quan đến quy định về quyền và trách nhiệm của NTD, của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, về quản lý Nhà nước, về giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm…

Tại hội thảo, ông Antonio Berenguer, Tham tán Thương mại Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam nhận xét:  “Các khách hàng ở các nước châu Âu, họ sử dụng quyền NTD như là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ chính họ. Và họ đã dùng chính sức mạnh đó để tẩy chay sản phẩm có hại, buộc nhà sản xuất phải bồi thường và cam kết trách nhiệm”. Ông khuyên NTD Việt Nam cần có những phản ứng chính đáng và cụ thể lan rộng trong cộng đồng NTD trước những vụ việc liên quan đến đời sống.

Đề cập đến chính sách pháp luật bảo vệ NTD, các chuyên gia đã nêu lên nhiều giải pháp như củng cố và nâng cao năng lực của bộ máy bảo vệ NTD, gấp rút xây dựng Luật Bảo vệ NTD trình Quốc hội trong khoảng năm 2010-2011, triển khai thực hiện Nghị định 55/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ NTD, phân cấp mạnh cho các Sở Công thương, các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD địa phương để các cơ quan này có thể thực hiện tốt vai trò của mình...

 
Theo một kết quả tổng điều tra ý kiến NTD trên phạm vi cả nước năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, có:

- 41% NTD Việt Nam không biết mình có quyền lợi gì.
- Số còn lại biết nhưng cũng không thể làm gì.
Hầu hết NTD Việt Nam không biết đến 8 quyền cơ bản của NTD, cũng như ít người biết đến có cơ quan nhận khiếu nại tiêu dùng.

 

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.