.

Cần nhân rộng mô hình đội xe ôm tự quản

.

Ước tính, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 500 người chọn xe ôm làm nghề chính. Ngoài ra, có khoảng 200-300 người hành nghề xe ôm theo kiểu thời vụ, tức tranh thủ lúc rỗi đem xe ra đường kiếm vài cuốc để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, dù có hành nghề dưới hình thức gì, thì đa số những người chạy xe ôm đều có chung nguyện vọng là được tham gia vào các đội, tổ xe ôm nhằm tránh bớt sự phức tạp do kiểu hành nghề tự do tạo nên.

Những thành viên của Đội xe ôm tự quản chờ tới phiên đón khách tại Bến xe Trung tâm.

Được thành lập từ tháng 11-2007, trên ý tưởng rất trùng hợp của cả Công an phường Hòa An, Bến xe Trung tâm và anh em chạy xe ôm tại khu vực này, mô hình đội xe ôm tự quản ngay lập tức cho thấy đây là một hướng đi đúng, vừa tạo sự ổn định cho chính đội ngũ chạy xe ôm, vừa giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hoạt động này.
 
Từ vài chục thành viên ban đầu, đến nay Đội xe ôm tự quản đã có 70 thành viên đăng ký chính thức. Đội chia thành 15 tổ, mỗi tổ từ 3-5 người tùy lúc khách ít hoặc nhiều, cứ thế tuần tự từng tổ hoạt động ở những khu vực do Bến xe Trung tâm quy định. Nhờ sự phân công này mà tại khu vực bến xe thời gian qua, việc đón khách của xe ôm diễn ra trật tự, tránh được cảnh chen lấn, giành giật hành khách như trước đây. Về phía hành khách cũng thấy dễ chịu và an tâm hơn với đội ngũ xe ôm tại đây.

Anh Huỳnh Kim Chung, đội trưởng Đội xe ôm tự quản cho biết: Nhờ sự phân công này mà những người chạy xe ôm đỡ vất vả, tranh giành với nhau như trước đây. Gần như những xung đột giữa những người chạy xe ôm không còn nữa, thay vào đó là sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Từ nguồn thu 5 ngàn đồng/người/ngày, một phần trích ra trả lương cho đội trưởng và 4 đội phó, số tiền còn lại dành cho việc thăm viếng ốm đau.

Nhận xét về hoạt động của đội, ông Ngô Đình Thân-một thành viên năm nay đã bước sang tuổi 68 cho biết: “Với một người lớn tuổi như tôi thì không thể nào ra đường cạnh tranh được với lớp trẻ, nhưng khi vào đội tự quản, cứ ngồi chờ đến phiên mình rất thuận lợi. Ngoài ra, việc tham gia đội cũng cảm thấy vui hơn vì có được sự chia sẻ lúc ốm đau, khó khăn với những người cùng chạy xe ôm như mình”.


Theo nhận xét của lãnh đạo Bến xe Trung tâm, mô hình đội xe ôm tự quản này rất hiệu quả, thế nhưng rất tiếc là đến nay, mới chỉ có một đội hoạt động có quy củ ở khu vực Bến xe Trung tâm. Tại một số khu vực khác, dù cũng có tổ xe ôm tự quản nhưng theo kiểu tự phát, chưa có được sự hỗ trợ từ các cơ quan hữu quan nên hoạt động chưa ổn định. Đặc biệt đáng lo ngại là những người hành nghề xe ôm “đua” trên trục đường Trường Chinh.

Những người chạy xe ôm trên đường Trường Chinh cũng rất muốn  được thành lập đội xe ôm tự quản để khỏi phải đua xe mới mời được khách.

Rất nhiều người đi đường và hành khách đã phải giật mình trước những pha đua tốc độ ghê người của cánh chạy xe ôm tại đây. Có trên vài chục người như vậy ngồi thành từng nhóm nhỏ dọc đường Trường Chinh, chờ đợi xe khách tuyến Nam-Bắc chạy qua là ầm ầm nổ máy xe lao theo để mời khách một cách quá nguy hiểm. Anh Trần Văn Anh, một người hành nghề xe ôm ở đây tâm sự,  nhiều lúc cũng lo sợ việc chạy xe với tốc độ quá cao như vậy rất dễ bị tại nạn, tuy nhiên, nếu không chạy nhanh như thế thì không bao giờ có khách để chở cả.

Đã có người bị tai nạn do chạy quá nhanh như vậy, và cũng có ý kiến nên lập đội xe ôm tự quản để chia phiên ra chạy, nhưng rồi tất cả đều không thể thực hiện được. Tình trạng này cũng khá phổ biến tại một số nơi có lực lượng xe ôm tập trung đông như các chợ lớn trong thành phố, cầu vượt Hòa Cầm, phía đông cầu Sông Hàn…

Thiết nghĩ, đây là nguyện vọng chính đáng của những người chạy xe ôm tự do. Làm được điều này không những giúp cho những người chạy xe ôm đỡ vất vả, mà còn góp phần tạo nên một môi trường vận tải công cộng văn minh.
         
Bài và ảnh:  TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.