.

Chấm dứt kiểu kinh doanh “chặt, chém”!

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009 khép lại với thành công ngoài cả sự mong đợi của Ban tổ chức, nhân dân thành phố, du khách và cả những đội quốc tế tham gia cuộc thi. Để có được sự thành công này, trước hết là sự chuẩn bị hết sức chu đáo của thành phố ngay từ khi cuộc thi lần thứ nhất năm 2008 kết thúc.

Tất cả cái được và chưa được từ cuộc thi lần thứ nhất đã được phân tích để cuộc thi lần này phát huy mặt mạnh và khắc phục điểm yếu. Nhờ vậy, công tác tổ chức đã mang tính chuyên nghiệp cao, từ việc kêu gọi tài trợ, mời các đội pháo hoa quốc tế tham dự cho đến những công việc khác như bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…

Đặc biệt, UBND thành phố đã có sự quan tâm và chỉ đạo rất cụ thể về việc bình ổn giá cả dịch vụ từ trước, trong và sau những ngày diễn ra cuộc thi bắn pháo hoa. Ngay cả việc giữ xe, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo hai quận Sơn Trà và Hải Châu “quy hoạch” đến 40 điểm với giá giữ xe máy là 2.000 đồng, xe đạp 1.000 đồng. Các nhà hàng, khách sạn phải niêm yết giá cụ thể, không được tranh thủ cơ hội này để “chặt”, “chém”. Không những thế, ngành chức năng còn lập các đội kiểm tra, đường dây nóng để du khách có thể thông tin về tình trạng các điểm giữ xe, nhà hàng, khách sạn nâng giá bắt chẹt khách...

Tuy nhiên, ngay sau đêm thi thứ nhất kết thúc, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý khoảng 40 cơ sở vi phạm các quy định như kinh doanh không phép, bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, giá giữ xe cao nhiều lần so với quy định của thành phố.

Đáng nói nhất là tình trạng một số khách sạn đã nâng giá lên cao hơn nhiều so với ngày thường. Nhiều du khách dù đã đặt phòng từ trước, nhưng khi đến nhận phòng đã bị thẳng thừng từ chối với lý do... hết phòng. Nhưng kỳ thực đây chỉ là chiêu các khách sạn muốn “đẩy” khách đã đặt phòng từ trước để “hét” giá với khách đến sau (!).

Ở góc độ kinh tế thì ngành du lịch được hưởng lợi nhiều nhất từ Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng, các khách sạn, nhà hàng phải đánh vật với cảnh kinh doanh ế ẩm. Thế nhưng khi thành phố tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa, ngay lập tức nhiều khách sạn rơi vào cảnh quá tải.
 
Lẽ ra trước cơ hội ngàn vàng này, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải biết tranh thủ tối đa để “lấy lòng” du khách, bằng chất lượng phục vụ cao, với giá cả phù hợp, để cho những lần sau, du khách sẽ tiếp tục tìm đến với mình. Đằng này, không ít khách sạn đã chọn cách “ăn xổi”, tranh thủ tối đa để “chặt, chém” khách hàng.

Du lịch đã được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Trên thực tế trong thời gian qua, thành phố cũng dành rất nhiều công sức để phát triển ngành mũi nhọn này như phát triển hạ tầng giao thông, quy hoạch nhiều khu du lịch, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-thể thao… Ngay cả việc thành phố quyết định xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường, có cả mục đích hỗ trợ cho ngành du lịch cất cánh. Vậy mà khi cơ hội đến tay, không ít nhà hàng, khách sạn lại tự tước bỏ tất cả để chạy theo lợi nhuận trước mắt bằng kiểu kinh doanh “chặt, chém”.

THANH SƠN

;
.
.
.
.
.