Đi vào hoạt động từ tháng 3-2006, chợ đêm Hòa Khánh có tổng diện tích trên 3.000m2, gồm hơn 100 quầy hàng ăn uống, giày dép, mỹ phẩm, áo quần may sẵn, các trò chơi giải trí trẻ em... Hoạt động từ chập tối đến 23 giờ đêm, chợ phục vụ chủ yếu cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, đặc biệt là công nhân làm ca đêm, sinh viên, nhân dân – những người có thu nhập thấp ở trên địa bàn quận Liên Chiểu. Một đêm ở chợ, chúng tôi kịp ghi lại những cảnh ồn ào, náo nhiệt của việc mua sắm, vui chơi… và sự tảo tần mưu sinh của những người có thu nhập thấp.
Vừa túi tiền…
Có thể mua được nhiều hàng hóa giá rẻ nhưng chất lượng, chợ đêm Hòa Khánh cũng là nơi mưu sinh của nhiều tiểu thương nhỏ. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Một chiếc áo thun hay áo sơ-mi nữ thời trang có giá 20-35 ngàn đồng, quần jeans trung bình 60-90 ngàn đồng, túi xách đẹp chỉ 15-30 ngàn đồng, vòng đeo tay xinh xắn 20 ngàn đồng, kẹp và cột tóc hết sức phong phú với giá 5-6 ngàn đồng... Rải rác thấy một vài tấm biển chào mời hàng giá rẻ: Áo thun 10 ngàn đồng, dép xốp Thái 15 ngàn đồng/2 đôi... Hàng bán ở các chợ đêm thời trang thường lấy từ các chợ đầu mối ở Sài Gòn về. Thu Loan – SV Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết: “Nhiều khi đi chợ đêm chỉ xem đồ thôi chứ không có ý định mua.
Nhưng ngắm nghía mãi, thấy ưng cái gì là mua liền, vì hàng hóa, nhất là quần áo, giày dép ở chợ này rất hợp với mình mà lại rẻ nữa…”. Còn Hải Quỳnh - công nhân Khu công nghiệp Hòa Khánh tâm sự: “Những hôm không làm ca 3, mình lại ra chợ đêm tham quan, mua sắm đồ đạc. Quần áo, giày dép ở đây vừa rẻ vừa đẹp, lại được lựa chọn thoải mái. Thu nhập của công nhân cũng thấp, những lần về quê, mình đều ra đây mua quà về nhà cho bố mẹ và các em. Chỉ vài trăm ngàn là mình có thể mua được cho mỗi người trong gia đình một món quà ở chợ đêm này!”.
Mỏi gối mưu sinh ở chợ
Chợ đêm Hòa Khánh còn là nơi mưu sinh của hàng trăm tiểu thương. Dì Ba bán quần áo ở chợ đêm tâm sự: “Lời mỗi thứ vài nghìn, gặp hôm ế, lời có 500 đồng cũng phải bán, lấy công làm lời vậy!”. Khách hàng của dì là các nữ công nhân, sinh viên, học sinh... Đầu tháng, khi công nhân lĩnh lương là thời điểm dì bán được nhiều hàng nhất, còn thường ngày họ chỉ đi ngắm thôi. Buồn nhất là có khi họ đi cả tốp rất đông đến lựa, xáo tung cả hàng rồi bỏ đi chẳng mua cái nào, chưa kể lời ít mà mất vặt thì nhiều…
Còn một số người buôn bán bất hợp pháp, trốn thuế bán hàng không thuế có giá thành thấp nên nhiều người mua, nhưng luôn phập phồng sợ bảo vệ của chợ bắt được là mất cả chì lẫn chài. Bán hàng mà mắt và tai phải để xa “trăm dặm”, chỉ cần nghe tin có bảo vệ đến là lập tức chồng một đầu, vợ một đầu kéo hàng chạy thục mạng. Có khi khách đang cầm lỡ cái quần, thấy vậy không biết có chuyện gì cũng cầm chạy theo, đến được chỗ an toàn lại bày ra bán, cả người bán lẫn người mua cùng thở...
Do thu nhập từ ruộng, vườn chỉ đủ cho cái ăn, cái mặc của gia đình, còn để lo cho việc ăn học của con cái, những người dân quê gầy gò, tần tảo lại tìm đến chợ đêm Hòa Khánh mưu sinh cùng mẹt hàng rong. Ngày nào cũng vậy, mới 5 giờ chiều, chị Sáu (39 tuổi, quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) đã bưng mẹt hàng rong với mấy gói lạc rang, xoài xanh, chục nem, chả, trứng chim cút… len lỏi bán hàng giữa khu ăn nhậu ồn ã. Chị kể: “Nhà tôi có ba mẹ con, chồng chết khi tôi sinh cháu thứ hai.
Ở quê nhà làm ruộng không đủ sống, các con thì đang tuổi ăn tuổi học. Ra đây làm, kiếm tiền gửi về nuôi con và cho các cháu khỏi thất học. Hôm bán được thì cũng lời được ba bốn chục ngàn, hôm nào bán ế hoặc đau ốm nghỉ nhà thì coi như mình phải nhịn cho con…”. Ở khu ăn nhậu sầm uất này có khoảng 10 chị em bán hàng rong, hằng ngày, họ thức cùng dân nhậu từ chập tối cho đến 1- 2 giờ sáng. Những bước chân của họ đi khắp 45 gian bán hàng nhậu đầy thức ăn, với bia và tiếng dzô dzô vang dậy, với những lời mời chào khách, bước dò dẫm để kiếm những đồng tiền ít ỏi mưu sinh và cho con cháu có được cái chữ để đổi đời…
|
HOÀNG HIỆP-NGUYỄN HIỀN