Trong Pháp lệnh về giá, Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân tự định giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá, nhưng phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch, cung ứng dịch vụ… Tuy nhiên, lợi dụng sự tự định giá này, nhiều người kinh doanh tự ý phụ thu các khoản dịch vụ ăn uống, giải trí. Cách làm này được xem là vi phạm trong hoạt động kinh doanh.
Để hợp lý hóa số tiền tính thêm, người kinh doanh tự đặt ra lý do tăng giá khách quan (ngày nghỉ, ngày đông khách, chi phí phát sinh, bù đắp giá cả, trả thêm tiền cho nhân công…) buộc khách hàng phải bỏ tiền cho dịch vụ đáng lẽ ra người cung cấp phải trả. Bằng nhiều hình thức, nhưng phổ biến vẫn là thay bảng giá niêm yết cũ bằng giá niêm yết mới, kèm chú thích: “Nhà hàng chúng tôi sẽ tăng giá các loại nước uống từ ngày X đến ngày Y.
Xin quý khách thông cảm”. Hoặc bên cạnh bảng giá niêm yết, có thêm một dòng chữ nhỏ li ti được mở ngoặc đơn: “Quán có phụ thu phí phục vụ”… Vậy phụ thu phí phục vụ là khoản tiền như thế nào, ai phải trả và vì sao lại xuất hiện không thường xuyên trong bảng tính tiền?
Hiện rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí như phòng trà, karaoke đã không thực hiện đúng Pháp lệnh về giá, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Lâu nay, các khách hàng bị móc túi một cách đột ngột, cầm phiếu tính tiền mới biết mình phải trả số tiền cao hơn mức giá bình thường. Nhìn lại thời điểm diễn ra Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế vừa qua, nhiều người bày tỏ bức xúc về tình trạng bắt chẹt khách.
Kiểu làm ăn nâng giá tùy tiện, tranh thủ “đục nước béo cò” đã bị lên án trong thời gian qua, song người ta vẫn biện minh cho mình để thu lợi. Thực tế, nhiều dịch vụ ăn uống không thu thêm tiền phụ thu phục vụ, vẫn không bị lỗ trong hạch toán vì họ đã ý thức đến giá trị thương hiệu cũng như uy tín lâu dài của mình. Anh Trần Thanh Tuấn, chủ chuỗi Nhà hàng bánh tráng thịt heo Trần cho rằng: “Các khoản phụ thu đều không hợp lý bởi trong kinh doanh, người ta đã tính đến việc cân đối lỗ - lãi. Dù viện lý do này hay lý do khác thì cũng chỉ là cách mượn cớ để nâng giá mà thôi.
Đó là kiểu kinh doanh không lành mạnh, dễ đánh mất lòng tin nơi khách hàng. Trong môi trường kinh doanh phục vụ du lịch như Đà Nẵng, muốn tồn tại lâu dài, nhất thiết phải tạo được chữ tín. Trong thời gian qua, mặc dù có lúc kinh doanh gặp khó khăn nhưng quán Trần vẫn không tăng giá dịch vụ như nhiều nơi khác”.
Theo quy định, đối với kinh doanh dịch vụ có giấy phép, không niêm yết giá là vi phạm pháp luật, thu tiền cao hơn giá niêm yết còn vi phạm nặng hơn. Tùy theo mức độ cụ thể, khung phạt sẽ được áp dụng theo hình thức xử lý hành chính hoặc thu hồi giấy phép hoạt động.
Như đã đề cập, chỉ trong hai ngày 27 và 28-3 vừa qua, lực lượng QLTT tiến hành kiểm tra trên 40 cơ sở kinh doanh, đã phát hiện và xử lý gần 20 cơ sở. Trong đó, nhiều cơ sở vi phạm về giá như đã nói ở trên. Ngay cả những nhà hàng, khách sạn lớn, có tên tuổi nhưng bất chấp quy định, niêm yết giá một đằng, thu tiền một nẻo. Khi các cán bộ QLTT lập biên bản thì chủ nhà hàng viện cớ: “Đông khách, chúng tôi phải phụ thu thêm tiền phục vụ”.
Rõ ràng, đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống và giải trí, sự thiếu kiểm soát chặt chẽ về giá khiến cho người kinh doanh tha hồ nâng mức giá tùy tiện. Trong khi đó, người tiêu dùng phải chấp nhận với những khoản tiền bỏ ra vô lý. Không biết sự kiện thi bắn pháo hoa quốc tế diễn ra dài ngày thì danh sách vi phạm về giá sẽ là bao nhiêu?
D.A
.
.
Có được phụ thu trên giá niêm yết?
Thứ Tư, 15/04/2009, 09:06 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.