.

Đàn ông đi biển có đôi

.

Nguyên tắc của nghề đánh bắt hải sản là phải có bạn tàu, nên mới có câu “đàn ông đi biển có đôi...”. Xưa, những người đi bạn có thể gắn bó với chủ tàu cả cuộc đời đi biển của mình. Nhưng nay những tình thân như thế ngày càng ít đi...

Nghiệp làm trai bạn

Các tàu đánh cá của tỉnh Quảng Ngãi và Đà Nẵng neo tại bờ đông sông Hàn trước giờ xuất bến.
Anh Trần Tám, ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi kể: Nhà có 2 sào ruộng và 3 đứa con đang tuổi đi học. Làm quần quật cũng không đủ nuôi con, anh bấm bụng xuống bến tìm chủ tàu xin đi bạn (làm công đánh bắt hải sản trên biển). Mới đầu chưa quen bị say sóng triền miên, nhưng vài tháng sau là đâu vào đấy. Học nghề bắt đầu từ bủa, kéo lưới ở những tàu đánh cá; rồi học câu mực ở những tàu làm nghề câu mực. Riết rồi thành quen, anh bước hẳn vào nghề biển. Mới đó mà đã gần 15 năm. Chuyến biển vừa rồi đi 20 ngày, anh được chủ tàu chia cho 3 triệu đồng. Anh bảo, nghề này cực nhưng thu nhập tạm được, đủ sống.

Nhưng có thể đủ sống với người này mà không đủ với người kia. Người ta bảo đi biển như đánh bạc với trời, hên xui từng lúc, khi gặp trời êm, có luồng cá, chuyến biển coi như thành công; nhưng khi biển nổi cơn thịnh nộ thì cả chủ tàu-trai bạn cùng gánh chung thất bại. Nên nhiều năm trở lại đây, các trai bạn ít còn gắn bó bền chặt với mỗi tàu, họ làm một vài năm ở tàu này rồi sang tàu khác, tùy theo thu nhập ở tàu đó có tăng hay không. Ở tàu này làm lưới cản, sang tàu khác lại làm lưới vây, đi tàu câu mực thì phải biết chấp nhận đơn thân độc mã ngồi câu mực một mình giữa biển đêm mênh mông. Nghề đi bạn, vì thế cũng rành ngư cụ, biết từng ngư trường, hiểu từng luồng nước.

13 tuổi đã bắt đầu bước xuống tàu làm trai bạn, Nguyễn Văn Phương, nhà ở phường Thanh Lộc Đán, quận Thanh Khê đã có thâm niên 26 năm đi biển. Bắt đầu vào nghề làm những công việc như nấu ăn, tiến đến là học vá lưới, rồi kéo lưới; học nghề máy, học cách phát hiện luồng cá..., giờ anh Phương đã là thuyền trưởng, được chủ tàu giao phó điều khiển con tàu, tự tìm bạn nghề, hạch toán chi phí cho mỗi chuyến biển. Thu nhập của anh cũng không cao hơn anh em bạn tàu là bao, trung bình mỗi tháng chỉ được khoảng 1,5 triệu đồng.

Anh kể, nhà có 5 anh em trai, cha mẹ sinh ra làm nghề biển nên các con cứ vậy nối gót. Anh có 10 năm đi theo tàu câu mực nhưng sức khỏe không kham được nên chuyển sang làm tàu cá, thu nhập vì thế cũng ít hơn. Theo anh, làm nghề cá hay mực đều khổ như nhau, muốn có đồng tiền thì phải bươn chải. Nghề làm trên đất khổ kiểu trên đất, làm trên biển khổ kiểu trên biển. Cuộc sống là thế, phải biết chấp nhận và vươn lên.

Ông Đàm Ơn, chủ tàu ĐNa 66457 và ông Trần Cúc mang thực phẩm xuống tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Rất nhiều người chúng tôi gặp để lấy tư liệu cho bài viết này sống sót trở về từ tâm bão Chanchu. Anh Hoàng Văn Hải ở Bình Hải, Thăng Bình, Quảng Nam đã từng nghỉ ở nhà hơn một năm, nhưng rồi không bước xuống biển thì biết lấy gì sống, anh tiếp tục ra khơi, “đâu bỏ cuộc được”-anh tâm sự chân thành. Hơn 10 năm đi biển, anh Hải có 7 năm theo tàu cá, 5 năm theo tàu mực. Làm nghề câu mực có một lịch trình sẵn: 5 giờ chiều đặt chân xuống chiếc thuyền thúng với lưỡi câu, bình điện, đèn chụp, câu một mình giữa biển đêm; 5 giờ sáng hết giờ câu, bước chân lên tàu là bắt đầu xẻ mực đến quá trưa, chiều nghỉ ngơi vài tiếng để bắt đầu vào guồng máy.
 
Mỗi chuyến biển như thế kéo dài 2-3 tháng, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/chuyến, nhưng sức khỏe không chịu được nên anh chuyển sang tàu cá. Đi tàu lưới vây, dù đã cách bờ vài trăm hải lý nhưng nghe dự báo có áp thấp nhiệt đới hay bão là cả tàu phải chạy vào bờ. Chi phí chuyến biển đó anh em trên tàu chịu chung. Anh Phương, anh Hải và hàng trăm người đi biển khác, chủ cũng như bạn, đã từng đi qua cơn bão kinh hoàng Chanchu và nhiều cơn bão khác cho rằng “sống lát mô là quý lát nớ”. Người chủ tàu của anh Phương, tàu ĐNa 90052 cũng đã vĩnh viễn mất người em trai trong trận cuồng phong đó.

Sinh ra ở biển, sống với nghề biển

Hôm chúng tôi gặp, anh Phương và 13 anh em thuyền viên gồm 7 người ở Đà Nẵng, 6 người ở Quảng Nam vừa cập cảng cá Thọ Quang, chờ sáng hôm sau cân cá cho một công ty thủy sản. Hiện giá cá khá thấp, cá ngừ có giá 11-12.000 đồng/kg, thấp hơn năm ngoái 7-8 giá, nên thu nhập của anh em cũng không nhiều nhặn gì cho một chuyến biển kéo dài gần trọn tháng. Thường tỷ lệ chia ở đây là 45-55 hoặc 40-60 (trai bạn 40, chủ tàu 60 phần – tùy theo chuyến biển).
 
Anh Hải và những thuyền viên ở Quảng Nam phải chờ cân cá xong, chủ tàu chia tiền mới có để về quê ít ngày, chờ chuyến biển mới. Hiện làm nghề biển thu nhập không cao, lại có quá nhiều rủi ro trong điều kiện làm việc vất vả nên hầu như trai bạn người Đà Nẵng không nhiều, chủ yếu là những người có thâm niên đi biển hàng chục năm. Vì thế, trên các tàu cá hiện nay phần lớn trai bạn quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Thường tháng 6 là mùa tìm việc của những thanh niên ở các làng biển khác đổ về các bến cảng ở Đà Nẵng. Nhưng 3 năm trước, sau cơn bão Chanchu, nhiều chủ tàu tìm đỏ mắt vẫn không có đủ trai bạn cho những chuyến tàu. Quân số của mỗi tàu trước đó thường có 17-20 người, nay hạ xuống chỉ còn 9-12 người/tàu.

Những thanh niên quê ở Quảng Ngãi ra Đà Nẵng đi bạn với các tàu cá, tập kết ở đường Trần Hưng Đạo trước khi lên đường.
Tàu này về cảng, tàu khác bắt đầu những chuyến biển mới. Chúng tôi đã may mắn gặp hơn 100 thuyền viên đều cùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi ra Đà Nẵng sau đợt nghỉ của chuyến đi trước, chuẩn bị lên tàu tiếp tục ra khơi. Ông Đàm Ơn, chủ 2 tàu ĐNa 66547 và ĐNa 7059, nhà ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà cũng gốc gác từ Quảng Ngãi ra đây lập nghiệp. Lên tàu của gia đình từ khi 14 tuổi, làm tài công, học nghề, nay gần 60 tuổi, ông vẫn không hề khác anh em bạn thuyền, cũng phải xắn tay áo lên làm đủ việc.

Được cái khi chia phần thì chủ tàu có khá hơn chút đỉnh, với tỷ lệ 40-60 với tàu đi giã cào (loại này đầu tư nhiều lưới), đi lưới cản hay câu mực thì tỷ lệ chia là 30-70. Anh Trần Cúc hơn 20 năm theo tàu cùng chú Ơn đã góp được một số vốn kha khá cùng tàu, nên thu nhập cũng đỡ. Nhiều chủ tàu khác cho biết, hầu hết tàu cá của người Quảng Ngãi đã cổ phần, anh em cùng góp vốn nên thu nhập mỗi chuyến biển cũng khá hơn các tàu khác.

Trong số hơn 100 trai bạn xuống tàu ngày hôm đó, phân nửa là những thanh niên mới lớn, 16-17 tuổi, nghỉ học nửa chừng rồi theo anh, theo cha, thậm chí theo bạn bè đi biển. Khi được hỏi các em đều bảo là thích biển, khi không học nữa thì nghề biển phù hợp nhất. Sinh ra ở biển thì làm nghề biển. Em Trần Văn Quốc, 17 tuổi, có thâm niên đi biển hơn 1 năm, dù đi tàu của gia đình nhưng Quốc vẫn phải giữ chân làm bếp. Quốc tâm sự: “Ngoài thời gian nấu ăn thì kéo lưới, chừng nào làm được như các anh thì sẽ được làm thợ chính”.

Quốc cho rằng việc gì cũng có cái khó của nó, mình phải tự cố gắng vươn lên, vì ba đối xử cũng giống như các thợ bạn khác. Tương lai, Quốc sẽ là người tiếp quản chiếc tàu này của gia đình, và chàng thanh niên mới lớn, mặt như còn búng ra sữa này có một suy nghĩ rất già dặn: “Nếu làm chủ tàu thì phải suy nghĩ nhiều hơn, tìm chỗ nào có cá để đánh bắt, vì việc làm của nhiều người khác nữa...”. Như vậy thì giữa chủ tàu và trai bạn, đâu có khác nhau nhiều, khi họ cùng ăn, cùng làm việc, cùng đối mặt với bao hiểm nguy trước sóng to gió lớn, cùng có một mục đích chinh phục biển khơi...

HOÀNG NHUNG

 

 

;
.
.
.
.
.