.

Điều chỉnh quy hoạch đô thị Đà Nẵng đến năm 2025

.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và huyện Hòa Vang với diện tích 95.154,37ha (không kể huyện đảo Hoàng Sa). Về tính chất đô thị, thành phố Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm xem đồ án quy hoạch xây dựng tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng cấp quốc gia; là thành phố cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục-đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ miền Trung; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Mục tiêu quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của thành phố  Đà Nẵng đến năm 2020, Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành có liên quan đã được phê duyệt. Đồng thời, quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng như một đô thị trung tâm miền Trung và Tây Nguyên, có không gian đô thị hiện đại với bản sắc riêng, hệ thống hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế biển, nâng cao khả năng cạnh tranh, hướng tới mô hình đô thị bền vững. Quy hoạch để làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị và triển khai các quy hoạch chi tiết phục vụ công tác đầu tư xây dựng và làm cơ sở pháp lý để kiểm soát và quản lý phát triển đô thị.

Về quan điểm quy hoạch là điều chỉnh không gian đô thị phù hợp với không gian phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển mới và sự liên kết chặt chẽ với các khu vực động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, các quốc gia ASEAN trong Hành lang Kinh tế Đông Tây. Mặt khác, định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng hợp lý, bám sát địa hình tự nhiên; bảo đảm quy mô đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
 
Điều chỉnh quy hoạch để khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của thành phố, tạo hình ảnh một đô thị hiện đại, năng động và có bản sắc riêng. Đồng thời tạo được nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị từ công tác quy hoạch phát triển đất đô thị. Cải thiện điều kiện hạ tầng và cảnh quan đô thị tại các khu dân cư hiện hữu trong nội thị và các điểm dân cư ngoại thành, từng bước nâng cao đời sống dân cư của toàn thành phố.

Nhà cao tầng ở trung tâm đô thị Đà Nẵng đang ngày càng phát triển.Ảnh: VĂN PHƯƠNG

Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đến năm 2025, quy mô xây dựng đô thị Đà Nẵng có diện tích tự nhiên trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là 95.154,37ha (không kể huyện đảo Hoàng Sa), trong đó diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 19.500ha. Quy mô dân số dự báo đến năm 2015 đạt khoảng 1.082.000 người, trong đó dân số nội thị là 856.000 người. Dự báo đến năm 2025 đạt khoảng 1.500.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 1.209.000 người.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng,  nội dung nghiên cứu của đồ án quy hoạch tại Đà Nẵng đối với định hướng phát triển không gian đô thị và phân khu chức năng sẽ tập trung theo hướng: Nghiên cứu và đề xuất mô hình phát triển không gian thành phố Đà Nẵng bao gồm: đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh (các thị trấn, thị xã…) bảo đảm sự gắn kết đồng bộ và ổn định giữa các không gian này. Phát triển không gian đô thị phải có sự chuyển tiếp hài hòa giữa các khu đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm xem đồ án quy hoạch xây dựng tại Đà Nẵng.

Đề xuất các phương án phân khu chức năng: khu vực phát triển đô thị, khu vực phát triển công nghiệp, khu vực phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vùng bảo tồn môi trường thiên nhiên… Bảo đảm phát triển đô thị gắn kết với phát triển kinh tế và an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường sinh thái. Các khu chức năng chính của thành phố bao gồm: khu dân dụng (khu đô thị cũ, khu phát triển đô thị mới…), các khu công nghiệp, các khu trung tâm đô thị (trung tâm hành chính, trung tâm văn hóa-thương mại dịch vụ, thể thao, y tế…), hệ thống các công viên cây xanh vùng bảo tồn thiên nhiên…, các khu vực an ninh-quốc phòng, kết hợp với quy hoạch ngành nông nghiệp để khoanh vùng các khu vực ưu tiên sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch dân cư nông thôn…
 
Đối với việc tổ chức không gian kiến trúc, cần xác định vị trí và tổ chức không gian các khu trung tâm đô thị; xác định các vùng kiến trúc cảnh quan có tầm quan trọng trong không gian đô thị như các trung tâm, các cửa ngõ vào thành phố, các tuyến phố trục không gian chính, các hành lang ven sông và dọc bờ biển, các khu vực quảng trường, cây xanh… để có giải pháp tổ chức không gian phù hợp và tạo các điểm nhấn trong đô thị. 

Qua đây đề xuất định hướng quy hoạch cảnh quan và kiến trúc đô thị cho các khu vực đặc thù trong thành phố. Nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo vệ và tôn tạo các công trình di tích văn hóa lịch sử, các khu vực cảnh quan có vai trò quan trọng trong không gian đô thị… Đồng thời tổ chức không gian các điểm dân cư nông thôn với mục tiêu đáp ứng yêu cầu về nâng cao điều kiện sống, đồng thời giữ được bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc trong vùng.

Người dân thành phố Đà Nẵng luôn quan tâm theo dõi về các  đồ án quy hoạch được phê duyệt

Đối với định hướng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, sẽ áp dụng tiêu chuẩn quy phạm trên cơ sở tiêu chí đô thị loại 1. Theo đó, giao thông đô thị: nghiên cứu quy hoạch hoàn chỉnh các công trình kết nối với hệ thống giao thông quốc gia, quốc tế như cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt…; hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị bảo đảm kết nối phục vụ phát triển không gian đô thị và hoạt động của các khu chức năng; nghiên cứu đề xuất các mô hình giao thông vận tải công cộng (xe buýt, xe điện trên cao, metro…); xác định quy mô và quy hoạch bố trí hệ thống bến xe và bãi đỗ xe cho nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố.

Đà Nẵng cần chuẩn bị kỹ thuật xây dựng: tận dụng địa hình tự nhiên, có tính tới những yếu tố bất lợi do khí hậu thay đổi để xác định cao độ nền khống chế tại từng khu vực và các tuyến giao thông chính; đề xuất các giải pháp thoát nước mưa kết hợp hệ thống hồ điều hòa, hạn chế ảnh hưởng bất lợi từ bão lũ và nước biển dâng. Mặt khác, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về cấp nước; cấp điện; thoát nước và vệ sinh môi trường; viễn thông; đánh giá tác động môi trường…

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

 
Ý KIẾN CỦA CÁC BỘ

 * “Điều chỉnh quy hoạch chung ở Đà Nẵng cần bám sát và phù hợp với nội dung của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố, bổ sung dịch vụ cảng và vận tải biển như động lực chính cho sự phát triển của thành phố, bổ sung nghiên cứu về công trình đầu mối và hệ thống đường sắt, đường vành đai…, hệ thống bưu chính-viễn thông, bổ sung nghiên cứu về khu vực giáp ranh nội thành và ngoại thành, bổ sung nghiên cứu quy hoạch các khu du lịch biển, sinh thái”. (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

* “Việc lựa chọn tư vấn nước ngoài tham gia lập đồ án cần làm rõ về phạm vi nội dung khối lượng công việc cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định”. (Bộ Tài chính)

* “Đề nghị bổ sung mục tiêu xây dựng Đà Nẵng như cực phát triển của Hành lang Kinh tế ven biển miền Trung và ven biển Việt Nam, là cực đối trọng chính của ASEAN ảnh hưởng về phía biển Đông và các nước Đông Bắc Á. Đề nghị điều chỉnh lại định mức tính toán nhu cầu sử dụng điện; chỉ tiêu sử dụng đất cho mạng lưới chợ”. (Bộ Công thương)

* “Mục tiêu quy hoạch còn chưa rõ ràng, cần nêu rõ mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở thực trạng kinh tế-xã hội có tính đặc thù riêng. Bổ sung định hướng là trung tâm văn hóa thể thao vùng. (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch)

* “Đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét điều chỉnh tiến độ triển khai quy hoạch chung xây dựng cho phù hợp với nghiên cứu của JICA là đơn vị tư vấn lập quy hoạch giao thông cho thành phố”. (Bộ Giao thông-Vận tải)

 


Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.