(ĐNĐT) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân vừa ký tờ trình số 23/TTr-BXD ngày 30-3 gởi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025.
Tờ trình này đã được các bộ, ngành thống nhất cao, trong đó đề nghị xem xét quy hoạch đô thị Đà Nẵng tương xứng tầm khu vực và quốc tế. Thành phố Đà Nẵng triển khai thực hiện từ tháng 4-2009, thời gian hoàn thành 12 tháng.
Đà Nẵng sẽ được điều chỉnh quy hoạch thành đô thị tương xứng tầm khu vực và quốc tế. Ảnh: Văn Phương |
Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng bao gồm 6 quận nội thành và huyện Hòa Vang với diện tích 95.154,37ha (không kể huyện đảo Hoàng Sa). Trong đó, diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2025 là khoảng 19.500ha. Quy mô dân số dự báo đến 2015 đạt khoảng 1.082.000 người, trong đó dân số nội thị là 856.000. Dự báo đến 2025 đạt khoảng 1.500.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 1.209.000 người.
Về tính chất đô thị, thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng cấp quốc gia; là thành phố cảng, đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ miền Trung; là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Mục tiêu quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 là cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành có liên quan đã được phê duyệt.
Đồng thời, quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng như một đô thị trung tâm miền Trung và Tây Nguyên, có không gian đô thị hiện đại với bản sắc riêng, hệ thống hạ tầng đồng bộ, khai thác tối đa các lợi thế sẵn có về vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế biển, nâng cao khả năng cạnh tranh, hướng tới mô hình đô thị bền vững.
Về quan điểm quy hoạch là điều chỉnh không gian đô thị phù hợp với không gian phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển mới và sự liên kết chặt chẽ với các khu vực động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, các quốc gia ASEAN trong hành lang kinh tế Đông Tây.
Mặc khác, định hướng phát triển không gian và phân khu chức năng hợp lý, bám sát địa hình tự nhiên; đảm bảo quy mô đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển và yêu cầu quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Điều chỉnh quy hoạch để khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và nâng cao các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống của thành phố, tạo hình ảnh một đô thị hiện đại, năng động và có bản sắc riêng. Đồng thời tạo được nguồn vốn phát triển hạ tầng đô thị từ công tác quy hoạch phát triển đất đô thị. Cải thiện điều kiện hạ tầng và cảnh quan đô thị tại các khu dân cư hiện hữu trong nội thị và các điểm dân cư ngoại thành, từng bước nâng cao đời sống dân cư của toàn thành phố.
NAM PHƯƠNG