Dồn điền đổi thửa là chủ trương mới trong sản xuất nông nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Tuy nhiên, chủ trương này vừa triển khai đã gặp không ít trở ngại và quá trình dồn điền đổi thửa ở thành phố Đà Nẵng đang dậm chân tại chỗ.
Quận Liên Chiểu đã tiến hành dồn điền đổi thửa tại một số vùng rau. |
Lợi ích của việc dồn điền đổi thửa thì ai cũng thấy, thế nhưng khi đi vào triển khai gặp ngay rào cản từ chính người nông dân. Trước hết, thửa ruộng họ đang sản xuất cho dù diện tích nhỏ, ở cánh đồng xa nhưng là tài sản được Nhà nước giao quyền sử dụng được cấp bìa đỏ. Tuy phải sản xuất manh mún nhưng thể hiện được tính công bằng, tức là ai cũng có ruộng tốt, ruộng xấu, nơi gần nơi xa...
Đã nhiều năm nay, họ bằng lòng với những gì đã có và chấp nhận khó khăn nảy sinh trong sản xuất. Nay thay đổi theo kiểu đổi qua đổi lại để hộ nào cũng có diện tích lớn, nghe ra thì có lý, song vướng mắc lại xuất phát từ quyền sử dụng đất. Nhà nước đã giao quyền sử dụng đất từng thửa, nay đổi cho hộ khác có làm mới được sổ đỏ? Nếu dồn điền đổi thửa cả cánh đồng, hẳn rằng hàng nghìn sổ đỏ không còn giá trị.
Trong khi đó, việc thay đổi quyền sử dụng đất, cấp lại sổ đỏ chưa được chính quyền các cấp tính đến. Đó là chưa nói, đất nông nghiệp đang nằm trong tầm ngắm của các dự án sẽ giải tỏa đền bù trong tương lai, giá cả mỗi khu vực khác nhau, việc đổi qua đổi lại rất khó thực hiện. Kết cục là chủ trương dồn điền đổi thửa đề ra nhưng không thực hiện được.
Ông Ngô Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Châu (Hòa Vang) cho rằng rất khó thực hiện việc dồn điền đổi thửa như chủ trương đã đề ra, nếu như không rõ ràng, cụ thể về pháp lý trong việc giao quyền sử dụng đất.
Nông dân hộ nào cũng gắn bó với thửa ruộng của mình, được Nhà nước cấp sổ đỏ, nay đổi qua đổi lại, ai chịu trách nhiệm về tính pháp lý trong lĩnh vực đất đai. Chủ trương này chỉ có thể thực hiện khi có chính sách rõ ràng và cấp lại toàn bộ sổ đỏ. Mà việc này gần như rất khó thực hiện. Liên hệ với gia đình, ông cho biết: “4 thửa tổng diện tích 6 sào ở 4 cánh đồng đều có sổ đỏ. Giả sử nay đổi cho hộ khác 2 thửa, mình cũng nhận về 2 thửa, không những cấn cái về ruộng tốt xấu, xa gần mà quyền sử dụng đất không được giao lại thì không yên tâm.
Thôi thì thực trạng thế nào chấp nhận như vậy, biết đâu ít năm nữa Nhà nước thu hồi đất cho các dự án, giá đền bù thấp hơn ruộng cũ lại tiếc”. Ông Đặng Công Đào, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Hòa Vang cho rằng: Việc dồn điền đổi thửa đề ra nhưng chưa có các giải pháp khả thi kèm theo. Vượt qua rào cản từ sự bảo thủ cố hữu của người nông dân không dễ, nhưng nếu có các giải pháp đồng bộ, cấp lại sổ đỏ sau khi đã dồn điền đổi thửa thì vẫn có thể thực hiện được. Tuy vậy, chỉ nên triển khai ở những nơi phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh có tính ổn định lâu dài.
Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất là những cụm từ được nhắc đến khá nhiều thời gian gần đây, song trên thực tế chưa mấy nơi thực hiện thành công. Không ít người cho rằng, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, chính quyền các cấp phối hợp với ngành nông nghiệp chọn những cánh đồng cần triển khai sản xuất quy mô chuyên canh ổn định bền vững, triển khai việc dồn điền đổi thửa hoặc cho phép tích tụ ruộng đất để tạo nên bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp theo hướng CNH-HĐH. Kèm theo đó là các chính sách cụ thể làm yên lòng người nông dân có ruộng, trong đó giao lại quyền sử dụng đất, cấp lại sổ đỏ sau khi đã đồn điền đổi thửa có ý nghĩa quyết định.
Bài và ảnh: HOÀI NAM