.
Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên

Tiếng nói đồng thuận từ người dân

.

Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, thành phố Đà Nẵng có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và là cửa ngõ quốc tế kết nối miền Trung với hai đầu đất nước. Những năm qua, Đà Nẵng đã đạt được những thành công trong chỉnh trang đô thị, xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường… Ông Dean Cira - Điều phối viên các dự án phát triển hạ tầng của WB cho rằng: Để trở thành trung tâm của vùng kinh tế, thành phố Đà Nẵng đang rất cần được đẩy mạnh đầu tư và từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và môi trường.

Chợ Mả Vôi, khu dân cư Châu Thành, phường Nam Dương sẽ được đầu tư nâng cấp từ vốn dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên.

Vì vậy, khi có nguồn tài chính Đà Nẵng thực hiện thành công các chiến lược phát triển đề ra. “Chúng tôi muốn Đà Nẵng là thành phố kiểu mẫu cho việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị trong khuôn khổ tài trợ vốn của WB. Là nhà tài trợ truyền thống, WB thông qua Hiệp hội phát triển quốc tế quyết định cung cấp khoản vay ưu đãi (ODA) cho thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên. Điều mong muốn cuối cùng của những thành viên điều hành dự án là làm sao dự án đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân thành phố”- ông Dean Cira nói.

Hiện dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đang gấp rút được triển khai và đạt những kết quả bước đầu. Riêng trong hạng mục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu thu nhập thấp, dự án đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân. Tại tổ 26 phường Nam Dương, quận Hải Châu, ông Trương Văn Hạnh đại diện cho nhân dân khu dân cư thu nhập thấp Châu Thành thổ lộ: “Chúng tôi đề nghị dự án sớm triển khai và phía người dân sẽ tự nguyện di dời, giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thi công thuận lợi”. Được biết, đại đa số dân cư khu thu nhập thấp Châu Thành là những gia đình lao động nghèo.

Điều kiện sinh hoạt ngày càng khó khăn khi kiệt hẻm đi lại nhỏ hẹp, mương cống thoát nước nhỏ, thấp trũng và luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ở Châu Thành có chợ Mả Vôi nhếch nhác, mỗi khi mùa mưa đến toàn khu vực ngập chìm trong nước, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư và sự chủ động phối hợp của Ban Quản lý dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên, khu dân cư Châu Thành được đầu tư từ nguồn vốn ODA.
 
Theo đó, đường kiệt 586 đường Ông Ích Khiêm đến ngã ba chợ Mả Vôi được mở rộng 3,5 mét. Đoạn từ chợ Mả Vôi đến kiệt 82 Nguyễn Văn Linh rộng 5,5 mét. Ngoài ra, tại Châu Thành dự án còn đầu tư bê-tông hóa kiệt hẻm; xây mới cống thoát nước, bổ sung hạ tầng cấp nước sinh hoạt. Đặc biệt, đầu tư nâng cấp chợ Mả Vôi và xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng.

Ở khu tái định cư Thanh Khê Tây, ông Lê Kim Lành, trú tổ 19 nói: “Gia đình tôi và bà con đều đồng tâm ủng hộ việc thực hiện dự án trên địa bàn”. Theo ông Lành, khu vực Thanh Khê Tây vốn là đồng đất nghĩa địa, cư dân thưa thớt. Tuy nhiên, với việc triển khai dự án khu tái định cư Thanh Khê Tây, hạ tầng giao thông, cấp điện, nước sinh hoạt được đầu tư đã làm thay đổi diện mạo khu dân cư. Đến nay, khu nhà ở chung cư cao 5 tầng và trường tiểu học đã được hoàn thiện.

Ở nhiều khu dân cư nghèo khác như khu Trung Tạm (Hải Châu 2); khu Bình An (phường Bình Thuận); Cẩm Bắc 1 (phường Hòa Thọ Đông); khu Thành Vinh-Lộc Phước-Quang Cư (phường Thọ Quang)… cũng sẽ được đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tâm sự chung của người dân là rất phấn khởi và xóa bỏ mặc cảm “bị bỏ rơi” trong đầu tư phát triển đô thị chung ở thành phố. 
         
 
Giai đoạn 2009-2010, dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên sẽ tập trung đầu tư nâng cấp 4 khu dân cư thu nhập thấp gồm:

Thanh Khê 1-Xuân Hòa A, Thanh Khê 5, Châu Thành và khu dân cư Trung Tạm. Xây dựng hệ thống cấp nước chính cấp 1, cấp 3, đấu nối với hệ thống cấp 3 cho 3 khu thu nhập thấp là Thanh Khê 1- Xuân Hòa A, Thanh Khê 5 và Châu Thành. Xây dựng 3 khu tái định cư tại Thanh Khê Tây, Hòa Minh, Hòa Quý. Cải tạo môi trường sông Phú Lộc và xây dựng cầu và đường Nguyễn Tri Phương nối dài sang Hòa Quý.

 
  
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG

;
.
.
.
.
.